Chứng khoán Mỹ đảo chiều ngoạn mục, giá dầu “nhúng” xuống dưới 100 USD/thùng trước khi quay đầu
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm và đường cong lãi suất đã đảo ngược một phần trong phiên giao dịch ngày 5/7 - hiện tượng được xem là chỉ báo đáng tin cậy cho những lần suy thoái trước đây của chứng khoán Mỹ...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (5/7) với chỉ số S&P 500 và Nasdaq chốt phiên tăng nhẹ trong bối cảnh nhà đầu tư tiếp tục tập trung quan sát quỹ đạo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones đóng cửa giảm điểm nhẹ.
Từ đầu năm đến nay, chứng khoán Mỹ liên tục chịu áp lực bán với chỉ số S&P 500 giảm 20,6%, mạnh nhất kể từ năm 1970 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục có các bước siết chặt chính sách tiền tệ.
Theo Reuters, nhà đầu tư vẫn đang đợi biên bản từ cuộc họp tháng 6 của Fed, dự kiến công bố vào ngày 6/7 khi cơ quan này đang chuẩn bị cho một đợt tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm nữa vào cuối tháng này.
Giới đầu tư cũng đang theo dõi sát sao các dữ liệu kinh tế, bao gồm báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 6 - dự kiến công bố vào ngày 8/6, bình luận của các công ty về dấu hiệu lạm phát và tăng trưởng kinh tế cũng như dữ liệu kinh doanh của giới doanh nghiệp khi một mùa báo cáo mới đang cận kề.
Dữ liệu cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới đối với hàng hóa sản xuất tại Mỹ đã tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 5, phản ánh nhu cầu hàng hóa vẫn ở mức tốt kể cả khi Fed tìm cách hạ nhiệt giá cả.
Ở một diễn biến khác, tăng trưởng kinh doanh trên toàn khu vực đồng đồng tiền chung Euro tiếp tục chậm lại trong tháng 6, còn giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đang tăng trở lại, làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái trong khối này.
“Rủi ro của một cuộc suy thoái toàn phần không phải là không có và khả năng có thể xảy ra suy thoái đang gia tăng ở thời điểm này. Suy thoái có thể xảy ra trong năm nay hoặc thậm chí vào đầu năm 2023”, Bill Northey, giám đốc đầu tư cấp cao tại US Bank Wealth Management ở bang Minneapolis (Mỹ), nhận định.
Đóng cửa phiên 5/7, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 129,33 điểm, tương đương 0,42%, xuống còn 30.967,82 điểm. Trong khi đó chỉ số S&P 500 tăng 6,06 điểm, tương đương 0,16% lên 3.831,39 điểm. Nasdaq Composite tăng 194,39 điểm lên 11.322,24 điểm, tương đương mức tăng 1,75%.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm và đường cong lãi suất đã đảo ngược một phần trong phiên giao dịch ngày 5/7. Đây là lần đầu tiên đường cong lợi suất đảo ngược trong 3 tuần qua khi những lo ngại về tăng trưởng kinh tế “thổi bay” khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư và làm tăng nhu cầu đối với trái phiếu Chính phủ Mỹ - được xem là một kênh trú ẩn an toàn.
“Đường cong lãi suất đảo ngược” (inverted yield curve) là hiện tượng được xem là chỉ báo đáng tin cậy cho những lần suy thoái trước đây của chứng khoán Mỹ. Khi đường cong lợi suất này đảo ngược, trái phiếu ngắn hạn hơn mang lại lợi suất cao hơn so với trái phiếu kỳ hạn dài hơn. Trong trường hợp đó, thị trường trái phiếu bị bóp méo.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế trưởng về quản lý gia sản toàn cầu của JPMorgan Chase, bà Stephanie Roth, đường cong lợi suất đảo ngược không châm ngòi cho suy thoái kinh tế và cũng không đảm bảo chắc chắn suy thoái sẽ xảy ra. Thay vào đó, hiện tượng này cho thấy nhà đầu tư trái phiếu đang lo ngại về triển vọng kinh tế trong dài hạn.
Trong phiên ngày 5/7, giá dầu Brent ghi nhận mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ tháng 3 do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và các đợt đóng cửa ở Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu.
Giá dầu Brent đứng ở mức 102,77 USD/thùng, giảm 10,73 USD, tương đương mức giảm 9,5%. Trong khi đó, dầu WTI giảm 8,2% trong phiên xuống 99,5 USD/thùng. Cả hai đều chứng kiến phiên giảm giá theo phần trăm mạnh nhất kể từ ngày 9/3, khiến giá cổ phiếu của các công ty dầu mỏ và khí đốt lớn đồng loạt giảm mạnh.
“Chúng ta đang cảm thấy áp lực. Thứ duy nhất có thể lý giải cho điều này là nỗi lo về suy thoái kinh tế”, Robert Yawger, giám đốc về hợp đồng tương lai năng lượng tại Mizuho, nhận xét.
Dữ liệu của Refinitiv Eikon cho thấy giá dầu Brent giao sau từ tháng 1 đến tháng 6/2023 đều đang được giao dịch ở mức thấp nhất kể từ tháng 3 đến nay.
Những lo ngại về nguồn cung vẫn đang hiện hữu khi khiến giá dầu WTI và Brent tăng vào đầu phiên giao dịch hôm qua, do sản lượng dự kiến bị gián đoạn ở Na Uy - nơi công nhân nước ngoài tại các nhà máy dầu mỏ và khí đốt đình công. Vào nửa cuối phiên, giá dầu giảm sau khi Chính phủ Na Uy tiến hành can thiệp.
Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, đã tăng giá dầu giao tháng 8 đối với các khách hàng châu Á lên mức gần kỷ lục do nguồn cung eo hẹp và nhu cầu tăng cao. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết, đề xuất được Nhật Bản đưa ra để giới hạn giá trần với dầu Nga ở mức tương đương 50% giá mua hiện tại sẽ dẫn đến lượng dầu trên thị trường ít hơn đáng kể và có thể đẩy giá dầu lên trên 300-400 USD/thùng.