21:43 05/10/2008

Chứng khoán tuần này: Ai mất kiên nhẫn trước?

Đức Hoàng

Khối lượng giao dịch thấp trong khi dư mua, dư bán vẫn còn khá lớn là biểu hiện rõ ràng nhất của sự chờ đợi và lưỡng lự

Cả bên bán lẫn bên mua đều chưa tìm được nhau: bên bán muốn giá cao, trong khi bên mua chào giá thấp.
Cả bên bán lẫn bên mua đều chưa tìm được nhau: bên bán muốn giá cao, trong khi bên mua chào giá thấp.
Hai tuần vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một giai đoạn cam go khi dao động tăng giảm ngập ngừng, trong sự chờ đợi những tin tức từ thị trường tài chính Mỹ.

Đây cũng là giai đoạn rất thú vị, vì lần đầu tiên thị trường cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ với các biến động quốc tế. Tuần này sẽ là thời kỳ quan trọng để đánh giá các phản ứng khác nhau, không chỉ của nhà đầu tư Việt Nam mà cả các thị trường khác trên thế giới.

Hai tuần qua, thị trường chưa cho thấy nhiều thông tin do tâm lý nhà đầu tư bị chi phối quá lớn bởi các sự kiện từ bên ngoài. Điểm đáng chú ý nhất là tính thanh khoản rất tốt, không thể hiện ở khối lượng giao dịch mà ở khả năng mua và bán chứng khoán một cách dễ dàng. Người mua muốn mua và người bán muốn bán đều không phải tranh giành lệnh, vấn đề chỉ còn là chấp nhận mức giá nào. Đây là điều hiếm thấy trên thị trường vốn bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề.

Khối lượng giao dịch thấp trong khi dư mua, dư bán vẫn còn khá lớn là biểu hiện rõ ràng nhất của sự chờ đợi và lưỡng lự. Cả bên bán lẫn bên mua đều chưa tìm được nhau: bên bán muốn giá cao, trong khi bên mua chào giá thấp.

Điều khiến nhà đầu tư lưỡng lự như vậy chỉ có thể là một thông tin rõ ràng từ sự kiện mà cả thị trường đang trông vào: bản kế hoạch 700 tỉ USD có được thông qua hay không. Và sau khi bản kế hoạch đã được thông qua, thị trường sẽ phản ứng như thế nào?

Đây là câu hỏi vô cùng khó và thị trường sẽ trả lời trong tuần giao dịch then chốt này. Bên nào sẽ mất kiên nhẫn trước để phá vỡ tình trạng giằng co?

Thực tế, trong bối cảnh hiện tại, ưu thế đang nghiêng về bên mua bởi họ nắm thế chủ động. Khi nguồn cung giá thấp cạn kiệt, đó là cơ hội rất thuận lợi để khởi phát một chu kỳ tăng giá.

Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết vẫn là phải có nguồn tiền đủ mạnh để mua vào. Liệu giá sẽ giảm đến mức nào để đủ cân bằng với những rủi ro? Chúng ta chỉ có thể biết khi đọc được một thông điệp từ thị trường - một thông điệp của lòng tham - khi giá trị giao dịch tăng lên.

Nguồn tiền lớn chấp nhận tham gia thị trường luôn là dấu hiệu tốt, dù giá có thể giảm nhiều phiên nữa. Điều đó sẽ thể hiện ra bằng khối lượng và giá trị giao dịch. Thực tế các nguồn tiền vẫn loanh quanh trong thị trường mà chưa chảy sang một kênh đầu tư nào khác một cách mạnh mẽ thành xu hướng. Các diễn biến trên thị trường liên quan như vàng, ngoại hối, nhà đất… có thể phát tín hiệu cảnh báo sớm về sự thay đổi xu hướng đầu tư có thể xảy ra.

Khi nguồn tiền không rút ra thì tức là nó vẫn đang chờ cơ hội. Đó có thể là khi các rủi ro được lượng hóa hoặc trở nên rõ ràng hơn, hoặc cũng có thể là chờ đợi một sự đột phá nào đó về tình hình kinh tế vĩ mô, hoặc xuất hiện những thông tin hỗ trợ đủ sức nặng…

Cơ hội là khi nào còn tùy thuộc vào đánh giá của mỗi người, nhưng vấn đề quan trọng là đánh giá của những chủ thể chính trên thị trường, những tổ chức hoặc những nguồn tiền đủ mạnh. Đây là điều hết sức quan trọng vì thị trường vẫn có thể đi lên với khối lượng giao dịch thấp hoặc sức cầu yếu nhưng nếu thiếu vắng sự tham gia một cách mạnh mẽ của tổ chức thì thị trường cũng như một chiếc xe ít xăng, không thể đi một quãng đường dài.

Chứng khoán tuần này: Ai mất kiên nhẫn trước? - Ảnh 1
 
Trên phương diện phân tích kỹ thuật, hai tuần qua chưa bộc lộ xu thế khi diễn biến chủ đạo vẫn là đi ngang. Từ tuần cuối tháng 9 chúng ta đã nói đến một khả năng phải kiểm tra lại độ vững chắc của vùng đáy 420 điểm và quá trình đó đang diễn ra. Với một thị trường có biên độ thì những phiên giao dịch vừa qua phản ánh rất tốt lên đồ thị kỹ thuật, do có sự giằng co về giá và chỉ báo khối lượng sẽ trung thực hơn.

Lần thử đáy thậm chí có thể đạt mức giảm tương đương hoặc sâu hơn đáy cũ chút ít nhưng giá nên có phản ứng tăng mạnh về cuối ngày cùng khối lượng giao dịch lớn (trừ trường hợp mất thanh khoản) vì đó là biểu hiện của sức cầu mạnh tham gia.

Thị trường tiếp tục lình xình với khối lượng giao dịch trung bình cũng có thể là hiện tượng tích lũy, nhưng nếu tình trạng đó kéo dài, rất có thể bên cầm cổ phiếu sẽ mất kiên nhẫn trước!

Nếu đáy 420 điểm không được thử thành công, chúng ta phải thừa nhận một khả năng là các nguồn tiền lớn đã chọn phương án đứng ngoài thị trường.

Trên phương diện kỹ thuật, đó cũng là một sự đổ gãy mức hỗ trợ.