10:47 05/07/2007

Chứng khoán về đâu 6 tháng tới?

Năm tuần liên tiếp vừa qua, VN-Index đều đặn xuống điểm. Thị trường chứng khoán sẽ đi về đâu trong 6 tháng tới?

Lượng tiền của nhà đầu tư, kể cả cá nhân và tổ chức, không phải là vô hạn và số tiền đó phải rải ra để bao sân cả thị trường vốn đang dãn căng vì nguồn cung cổ phiếu nhảy vọt - Ảnh: Việt Tuấn.
Lượng tiền của nhà đầu tư, kể cả cá nhân và tổ chức, không phải là vô hạn và số tiền đó phải rải ra để bao sân cả thị trường vốn đang dãn căng vì nguồn cung cổ phiếu nhảy vọt - Ảnh: Việt Tuấn.
Năm tuần liên tiếp vừa qua, VN-Index đều đặn xuống điểm. Thị trường chứng khoán sẽ đi về đâu trong 6 tháng tới?

Từ “góc nhìn 03”

Trước khi Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước quy định cho vay chứng khoán tối đa bằng 3% tổng dư nợ ra đời, thị trường chứng khoán đã bắt đầu đợt điều chỉnh thứ hai trong năm (đợt một từ 12/3 đến 24/4).

Ở thời điểm đó, giá cổ phiếu trên thị trường OTC đã giảm khá mạnh, nhưng đây đó vẫn còn một số chứng khoán thanh khoản, có giao dịch, trong đó có cổ phiếu ngân hàng dù chúng đã mất giá khoảng 30-40% so với cuối tháng 2 đầu tháng 3/2007.

Chỉ thị 03 xuất hiện, thị trường OTC đi hẳn vào thời kỳ đóng băng, hầu như không có mua bán và cổ phiếu ngân hàng rơi theo chiều thẳng đứng. Nguyên nhân trực tiếp là do cổ phiếu nhà băng được thế chấp rất nhiều ở chính các ngân hàng để quay vòng.

Cho đến lúc đó, trong danh sách các loại chứng khoán được ngân hàng chấp nhận cầm cố cho vay tiền, cổ phiếu nhà băng được ưu tiên số một. Khi không còn cửa thế chấp vay tiền tiếp, cộng thêm sự sụt giảm của hai sàn niêm yết, cổ phiếu nhà băng không còn cách nào khác là giảm giá, hiện giá chỉ còn bằng 30-50% của thời đỉnh điểm.

Với vai trò cổ phiếu chủ đạo của thị trường OTC, một khi cổ phiếu ngân hàng đã rơi, các loại cổ phiếu khác lần lượt xuống thang. Bây giờ OTC đang trong tình trạng không có người mua, cung tràn ngập và cầu tiệm tiến tới số không. Đã thấy rõ là một lượng tiền khổng lồ của nhà đầu tư đang bị “khóa chặt” ở thị trường OTC và chưa biết lúc nào có thể lấy ra được.

Mặt khác Chỉ thị 03 cũng ngay lập tức tác động đến cuộc đấu giá Bảo Việt và hạn chế một phần đáng kể lượng tiền bỏ vào thị trường niêm yết. Không ít nhà đầu tư đã bỏ cọc vì không vay được ngân hàng để nộp tiền trúng đấu giá Bảo Việt.

Ở trên sàn, giá trị cổ phiếu giao dịch sụt giảm mạnh vì khối lượng đặt mua ngày một ít đi. Sàn Tp.HCM có ngày chứng kiến giá trị giao dịch khớp lệnh chỉ 450 tỉ đồng (so với 1.600 tỉ đồng/ngày lúc thị trường thăng hoa), sàn Hà Nội hơn 80 tỉ đồng (so với 500 tỉ đồng/ngày). Và vẫn chưa thấy dấu hiệu chỉ báo giá trị giao dịch sẽ gia tăng trong tháng tới.

Từ nguồn cung dồn dập

Lượng tiền của nhà đầu tư, kể cả cá nhân và tổ chức, không phải là vô hạn và số tiền đó phải rải ra để bao sân cả thị trường vốn đang dãn căng vì nguồn cung cổ phiếu nhảy vọt.

Hầu hết các công ty niêm yết và đăng ký giao dịch đều tăng vốn thông qua việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, chia cổ phiếu thưởng, phát hành thêm. Khối lượng cổ phiếu niêm yết ở cả hai sàn tăng bình quân 50%. Nếu tính theo giá trị vốn hóa thị trường, sàn Tp.HCM cần 70.000 tỉ đồng, sàn Hà Nội 22.000 tỉ đồng để tiêu hóa hết số cổ phiếu phát hành thêm (tổng vốn hóa thị trường tính đến ngày 23/6/2007 - Nguồn: Bản tin thị trường của HoSTC).

Trong khi đó, hai đợt IPO Đạm Phú Mỹ và Bảo Việt đã hút của thị trường khoảng 10.000 tỉ đồng (chưa kể phần bán cho đối tác chiến lược trong, ngoài nước). Nguồn tin đáng tin cậy cho biết việc IPO các ngân hàng như Đầu tư và Phát triển, Công thương, các công ty viễn thông, rượu bia, nước giải khát có khả năng phải dời sang quí 1/2008 do không chuẩn bị kịp.

Ngay cả trong trường hợp đó thì chỉ riêng việc IPO Ngân hàng Ngoại thương trong quí 3 cũng “hút” thêm ít nhất khoảng 5.000 tỉ đồng từ các nhà đầu tư. Chưa dừng lại, nguồn cung chứng khoán sẽ tiếp tục dâng cao khi các ngân hàng cổ phần tăng vốn như kế hoạch đã định.

Ngoài ra có một nguồn cung khác không thể không tính đến, đó là việc thành lập các doanh nghiệp mới ăn theo trào lưu chứng khoán và cổ phần được bán, cho dù chỉ bằng mệnh giá, cũng lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

Từ cầu nước ngoài

Trong tháng 6/2007 nhìn chung nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua cổ phiếu trên sàn nhiều hơn bán, nhưng khoảng cách mua - bán đang nhích dần lại và khối lượng mua cũng như bán đều giảm. Một phần tiền được các quỹ huy động từ bên ngoài để đổ vào Việt Nam đang chuyển sang các dự án bất động sản, một phần khác vẫn tiếp tục đứng đợi, chưa giải ngân.

Garry Evans, nhà phân tích cổ phiếu chiến lược của HSBC Hồng Kông, nhận định về lý do chưa giải ngân của nước ngoài là do: (1) giá cổ phiếu của Việt Nam vẫn còn quá đắt, đặc biệt so với mặt bằng giá chứng khoán chung của khu vực; (2) rủi ro từ phía Chính phủ về kiểm soát đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Giới đầu tư nước ngoài có thể đợi đến tận tháng 12/2007 khi những thông tin về tăng trưởng lợi nhuận năm 2007 của doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu “rò rỉ”, nâng đỡ chỉ số P/E giảm xuống. Lúc đó cổ phiếu sẽ trở nên rẻ hơn và hấp dẫn nước ngoài hơn.

Trên thực tế, hai cuộc IPO doanh nghiệp tầm cỡ gần đây đã không gây được sức hút với nước ngoài. Họ có tham gia đấu giá, nhưng không chiếm khối lượng lớn và không bỏ giá áp đảo như đã từng xảy ra trong cuộc đấu giá cổ phiếu Vinamilk trước đây.

Chính phương thức xác định giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nâng vốn điều lệ doanh nghiệp lên quá cao so với vốn điều lệ trước cổ phần hóa, đã khiến cổ phiếu các doanh nghiệp đấu giá trở nên đắt đỏ. Chỉ số P/E của Đạm Phú Mỹ và Bảo Việt, tính theo giá đấu giá thành công bình quân, đều trên 50, cao hơn cả P/E bình quân của thị trường Trung Quốc vốn đang rất “nóng”.

Sự phân hóa chiều sâu

Trên nền tảng cung cầu mất cân đối theo hướng cung mở rộng, cầu thu hẹp đang diễn ra sự phân hóa sâu sắc cổ phiếu niêm yết. Cổ phiếu những doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh trung bình, thời gian qua lên quá cao, sẽ tiếp tục được điều chỉnh.

Ngay cả trong đội ngũ blue-chips, những công ty hết “room” cho nước ngoài, cơ cấu lợi nhuận dựa nhiều vào đầu tư tài chính, sẽ khó khăn trong việc giữ giá cổ phiếu. Trường phái đầu tư theo cung cầu thị trường hiện nay, rõ ràng, không còn đất dụng võ. Thay vào đó, giới đầu tư tính đến việc nắm giữ cổ phiếu dài hơi. Những nhà đầu tư vốn mỏng đang dần bị loại khỏi thị trường. Những người trường vốn tính toán đa chiều và kỹ lưỡng hơn.

Đây là lý do giải thích vì sao giá cổ phiếu những doanh nghiệp có khả năng đạt lợi nhuận cao trong năm nay vẫn tăng, thậm chí tăng 50-70% trong vòng hai tháng. Chính các công ty này là những cái neo giữ cho VN-Index không xuống quá nhanh thời gian qua.

Song nhìn tổng thể, số doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận tăng mạnh hoặc đột biến không nhiều. Vì thế, sự mất cân đối cung cầu vẫn là nhân tố chủ đạo điều khiển VN-Index từ nay đến cuối năm.

Garry Evans phỏng đoán VN-Index sẽ về cột mốc 900 điểm vào tháng 12/2007, để P/E toàn thị trường xuống đến 18, mức đủ để tạo độ hấp dẫn cho nước ngoài giải ngân. Dominic Scriven, Giám đốc Dragon Capital, cũng có nhận xét tương tự.

Các nhà đầu tư tổ chức mà người viết phỏng vấn cho rằng thị trường cần 6/9 tháng để hấp thụ hết khối lượng chứng khoán mới được “bơm” vào, do đó nhiều khả năng thị trường dao động xung quanh ngưỡng 900-1.000 điểm.