Chứng khoán Việt Nam tăng mạnh nhất Đông Nam Á, vượt xa cả thị trường Mỹ và Hàn
VN-Index đã tăng trưởng ấn tượng 9,2% so với đầu tháng trong tháng 7/2023 vượt xa mức tăng trưởng của chứng khoán Mỹ, Hàn và trở thành quán quân tăng trưởng trong các thị trường Đông Nam Á...
Trong tháng 7, VN-Index đã tăng trưởng ấn tượng 9,2% so với đầu tháng. Đây hiệu suất theo tháng tốt thứ 2 kể từ đầu năm, theo thống kê từ VnDirect.
Động lực giúp thị trường tăng điểm gồm: Nhà đầu tư kỳ vọng các chính sách mở rộng tiền tệ và tài khóa sẽ giúp kết quả kinh doanh các doanh nghiệp tạo đáy và tăng trở lại trong những quý tới; Lãi suất tiết kiệm hạ nhiệt nhanh thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân đổ sang thị trường chứng khoán.
Triển vọng “hạ cánh mềm” của các nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu ngày càng khả quan. Trong khi đó, HNX-INDEX tăng 5,4% còn UPCOM-INDEX tăng 3,9% so với đầu tháng. Kể từ đầu năm 2023, HNX-INDEX tăng 16,7% và UPCOM-INDEX tăng 24,6%.
Trong tháng 7/2023, VN-Index có hiệu suất vượt trội hơn so với hầu hết các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á. Điều này là do niềm tin trở lại và sự kỳ vọng của nhà đầu tư về các chính sách tài khóa, tiền tệ của chính phủ được triển khai mạnh mẽ, sẽ khiến triển vọng phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trở nên rõ rệt hơn trong thời gian tới.
Nhịp tăng điểm vượt trội của VN-Index trong T7/2023 đã góp phần giúp hiệu suất thị trường chứng khoán Việt Nam tăng 21,4% so với đầu năm vượt qua nhiều thị trường chứng khoán lớn khác như Mỹ (+19,3% so với đầu năm), Hàn Quốc (+17,7% so với đầu năm) và chỉ xếp sau Nhật Bản với mức tăng 27,1% so với đầu năm.
Tiếp nối đà tăng của tháng trước, ngành Bán lẻ tiếp tục thể hiện mức tăng điểm ấn tượng 19,7% trong T7/23. Cổ phiếu Bán lẻ tăng giá phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về sự phục hồi của ngành Bán lẻ trong các quý tới nhờ các điều kiện vĩ mô cải thiện và lãi suất giảm giúp tín dụng tiêu dùng quay trở lại. Trong T7/23 nhóm ngành Hóa chất ghi nhận tăng trưởng 13,4%, được hỗ trợ bởi DGC được cấp phép dự án Nhôm-Boxit và các cổ phiếu phân bón được hưởng lợi nhờ giá ure phục hồi.
Giá trị giao dịch bình quân ba sàn tăng 6,9% so với tháng trước tăng 55,2% so với cùng kỳ lên 21.216 tỷ đồng/phiên giao dịch trong đó HOSE: 18.397 tỷ đồng/phiên, +8,0% so với tháng trước; HNX: 1.734 tỷ đồng/phiên, -9,6% so với tháng trước; UPCoM: 1.085 tỷ đồng/phiên, +19,4% so với tháng trước).
Thanh khoản cải thiện tháng thứ tư liên tiếp do niềm tin của nhà đầu tư tiếp tục được củng cố nhờ lãi suất tiếp tục giảm giúp giảm chi phí cơ hội, chi phí vốn khi đầu tư chứng khoán, lãi suất giảm và một loạt chính sách tài khóa được ban hành (gồm giảm thuế VAT 2%, giảm thuế trước bạ ô tô, đẩy mạnh đầu tư công,…) giúp cải thiện triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết.
Khối ngoại ghi nhận bán ròng 1.926 tỷ đồng trong T7/23 (gấp 4,7 lần so với tháng trước) chủ yếu là do dòng vốn ngắn hạn có xu hướng chảy khỏi thị trường Việt Nam trong bối cảnh lãi suất tại Việt Nam quay đầu giảm và trở nên kém hấp dẫn hơn so với mặt bằng lãi suất một số thị trường trong khu vực và các thị trường phát triển khác.
Sau khi bán ròng 1.926 tỷ đồng trong T7/23, giá trị mua bán ròng lũy kế từ đầu năm 2023 của khối ngoại giảm còn 11 tỷ đồng. Tỷ trọng giá trị giao dịch của khối ngoại tiếp tục duy trì ở mức thấp 6,9% trong T7/23 trong bối cảnh dòng tiền nội quay trở lại mạnh mẽ những tháng vừa qua.