11:49 04/02/2015

Chuyện của PAN: Khi chủ tịch chứng khoán làm nông nghiệp

Duy Cường

Nhiều người trong giới tài chính đã ngạc nhiên khi Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) trở thành cổ đông lớn của PAN

Không chỉ IFC trở thành cổ đông lớn, GIC - quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore, 
Mutual Fund Elite, TAEL, SSI, NDH Invest, CSC 
Vietnam cũng đã trở thành cổ đông lớn của PAN, với việc rót thêm 35 
triệu USD vào PAN cách đây vài tuần.
Không chỉ IFC trở thành cổ đông lớn, GIC - quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore, Mutual Fund Elite, TAEL, SSI, NDH Invest, CSC Vietnam cũng đã trở thành cổ đông lớn của PAN, với việc rót thêm 35 triệu USD vào PAN cách đây vài tuần.
Nhiều người trong giới tài chính đã ngạc nhiên khi Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - thành viên của Ngân hàng Thế giới (WB) - trở thành cổ đông lớn của PAN, một công ty chuyên về nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam.

Đáng chú ý, đây là thương vụ nhanh nhất trong hoạt động đầu tư của IFC tại Việt Nam, khi thời gian từ lúc tổ chức này tìm hiểu doanh nghiệp đến lúc mua cổ phần chỉ trong vòng hai tháng rưỡi.

Không chỉ IFC trở thành cổ đông lớn, The Government of Singapore Investment Corporation (GIC) - quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore, Mutual Fund Elite (Phần Lan), TAEL (Singapore), SSI, NDH Invest, Công ty Cổ phần CSC Vietnam cũng đã trở thành cổ đông lớn của PAN, với việc rót thêm 35 triệu USD vào PAN cách đây vài tuần.

Những thương vụ lớn

Ngày 18/3/2014, Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình - Pan Pacific (mã PAN - HOSE) công bố hoàn tất đợt chào bán riêng lẻ 20,312 triệu cổ phiếu thu về 650 tỷ đồng (31 triệu USD).

Qua đợt phát hành này, TAEL sở hữu 20% cổ phần, quỹ Mutual Fund Elite nắm giữ 9,98% cổ phần, GIC Private Limited sở hữu 4,71% cổ phần, Công ty TNHH NDH Việt Nam (trên 13%), nhóm các công ty SSI (20%), CSC Việt Nam (5,05%)...

Sau đó, PAN hiện thực hóa chiến lược đầu tư mua lại và hợp nhất các công ty có hoạt động kinh doanh hiệu quả trong ngành thủy sản, nông nghiệp, và chế biến thực phẩm tiêu dùng.

Và lần lượt, PAN tiến hành mua cổ phần Công ty Cổ phần Giống Cây trồng Trung ương (mã NSC-HOSE), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT) và nâng dần tỷ lệ sở hữu để đưa các hai công ty này thành công ty con.

Đi cùng với chiến lược mua bán sáp nhập hiệu quả, nhờ 88,8 tỷ đồng khoản doanh thu từ hoạt động tài chính (chủ yếu là cổ tức), lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ PAN năm 2014 đạt 70,7 tỷ đồng, gấp 3 lần lợi nhuận 2013. Vốn chủ sở hữu của PAN tăng thêm 677 tỷ đồng trong 2014 lên 1.152 tỷ đồng,

Cùng với kết quả kinh doanh PAN tốt lên, ngày 22/1/2015, PAN công bố huy động thành công xấp xỉ 35 triệu USD trong đợt phát hành riêng lẻ 21,5 triệu cổ phiếu với mức giá 35.000 đồng/cổ phiếu.

Trong đợt phát hành này, IFC đã mua khoảng 5% và trở thành cổ đông chiến lược của PAN. GIC nâng tỷ lệ sở hữu lên 5% để chính thức trở thành cổ đông lớn của công ty. TAEL, Mutual Fund Elite cũng đăng ký mua thêm để sở hữu lần lượt 20% và xấp xỉ 10% cổ phần của PAN…

Sau đợt huy động vốn trên, PAN thông báo công ty con PAN Food đã hoàn tất thương vụ mua lại 25% cổ phần của Bibica, một công ty thực phẩm hàng tiêu dùng mới nổi sau sự hợp tác với nhóm công ty thuộc SSI và tập đoàn Hàn Quốc Lotte.

Có thể thấy, quy mô của PAN tăng khá nhanh với sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức.

Đây là mô hình khác với nhiều công ty đang niêm yết trên sàn khi các cổ đông của PAN là những nhà đầu tư dài hạn, và kết quả hoạt động kinh doanh không bị ảnh hưởng bởi sự biến giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

“PAN phù hợp với đầu tư dài hạn, chứ chưa phù hợp với nhà đầu tư lướt sóng vì thanh khoản chưa cao, do khối lượng cổ phiếu trôi nổi bên ngoài không nhiều!”, bà Nguyễn Trà My - Chủ tịch CSC Việt Nam, một cổ đông lớn của PAN, nói với VnEconomy.

“Cuộc chơi” nông nghiệp, thực phẩm

“Mong muốn trở thành công ty hàng đầu khu vực trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm”. Đây là chiến lược mà ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch PAN, đồng thời là Chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) khởi xướng và chuẩn bị từ nhiều năm trước.

Có lẽ chính uy tín của ông Hưng trên thị trường tài chính, cùng với các đồng sự là các chuyên gia nông nghiệp, tài chính ở PAN đã giúp công ty này tiếp cận được với các nhà đầu tư tổ chức và các cổ đông chiến lược am hiểu ngành nông nghiệp và thực phẩm.

Là người có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, bà Nguyễn Trà My nói muốn chia sẻ chiến lược xây dựng và phát triển của bộ máy lãnh đạo PAN và muốn đầu tư vốn cũng như đóng góp kinh nghiệm, kiến thức để biến các ý tưởng của PAN thành hiện thực, mang lại lợi nhuận trên khoản đầu tư của mình.

Qua nhiều lần đầu tư vào PAN, CSC Việt Nam do bà My làm chủ tịch, nâng giá trị nắm giữ cổ phần PAN lên 5,05%, với giá trị thị trường trên 160 tỷ đồng, gấp 4 lần mệnh giá.

Bà Nguyễn Trà My cho rằng, việc GIC tăng vốn đầu tư, và IFC chính thức đầu tư vào PAN là tin vui cho cả hai phía - PAN và các cổ đông mới. Sự tham gia của các cổ đông lớn này sẽ khiến PAN trở nên uy tín hơn, cũng như sự cam kết hỗ trợ của các cổ đông sẽ giúp PAN trở thành công ty tầm cỡ quốc tế.

“Đây thực sự là hợp tác cùng có lợi đối với các cổ đông của PAN. Với các quỹ đầu tư, họ đã tìm được một địa chỉ hấp dẫn từ ngành nghề kinh doanh, cho tới kế hoạch tăng trưởng. PAN hiện đang sở hữu các công ty hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam như ABT, NSC, Công ty Cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Long An”, bà Nguyễn Trà My nói.

PAN xác định tổ chức kinh doanh trong tương lai với việc phối hợp với Công ty Giống Cây trồng Trung ương trong kinh doanh nông sản, với PAN Food trong sản xuất, tiếp thị và bán các sản phẩm thực phẩm tiêu dùng nhanh.

Với dự kiến ​​sẽ đạt doanh thu 330 triệu USD, lợi nhuận ròng 40 triệu USD vào năm 2018 và nâng vốn hóa từ 125 triệu USD hiện nay lên 1 tỷ USD vào năm 2020, PAN phải có sự tăng trưởng rất nhanh mới đạt được mục tiêu trên. Và nhân tố con người có lẽ sẽ là yếu tố quyết định.

“Theo tôi, yếu tố khó khăn nhất trong việc quyết định thành bại là nguồn nhân lực. Do vậy, chúng tôi phải tạo ra một hệ thống phù hợp để có thể dung hòa được văn hóa của các chuyên gia, các nhà khoa học từ các đất nước khác nhau trong các ngành nghề đa dạng như: nông nghiệp, thủy sản, thực phẩm để có chung một ngôn ngữ, dưới cùng một mái nhà”, bà Nguyễn Trà My nói.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp niêm yết đang khó khăn trong việc huy động vốn ngoại vào các lĩnh vực tài chính, bất động sản…, thì PAN lại tạo nên hiện tượng khi liên tục thu hút vốn chỉ để phát triển các sản phẩm gạo, hạt giống, bánh kẹo, các sản phẩm lúa gạo, thủy sản, các loại hạt…

Và do đó, hiện tượng PAN cũng là một điển hình với nhiều doanh nghiệp niêm yết có thể tham khảo khi tiếp cận các nhà đầu tư tổ chức, nhất là các tổ chức nước ngoài.