17:00 28/08/2023

Chuyển động kênh bancassurance hậu khủng hoảng

Hoài Phong

Cuộc chơi “góp gạo thổi cơm chung” giữa bảo hiểm và ngân hàng (bancassurance) sau thời kỳ tăng trưởng nóng đã bộc lộ nhiều bất ổn. Điều tệ nhất trong đó là tổn thương niềm tin từ chủ thể thứ ba là khách hàng, khiến cơ quan quản lý và các đơn vị kinh doanh đang phải nỗ lực tối đa hàn gắn....

Theo chuyên gia, việc đại lý bảo hiểm là ngân hàng bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách vay là bất hợp lý.
Theo chuyên gia, việc đại lý bảo hiểm là ngân hàng bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách vay là bất hợp lý.

Ra đời cách đây khoảng 10 năm nhưng có khoảng 6 năm tăng trưởng rực rỡ, bancassurance để lại rất nhiều kỳ vọng lợi ích cho cả 3 bên: ngân hàng, công ty bảo hiểm và khách hàng.

Tuy nhiên, như giới chuyên gia ví von, việc “chưa tập bò đã tập đi” đã khiến bancassurance bộc lộ nhiều tiêu cực và phía khách hàng đang phải chịu khá nhiều “ấm ức”. Đặc biệt sau cuộc thanh tra của Bộ Tài chính với 4 doanh nghiệp vừa qua cho thấy niềm tin của người dân với bảo hiểm giảm sút mạnh.

NHÂN VIÊN NGÂN HÀNG VẪN GỢI Ý MUA BẢO HIỂM KHI VAY 

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy gam màu xám đang phủ kín mảnh ghép bancassurance trên thị trường bảo hiểm. Theo đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý 2/2023 ước đạt 61,3 nghìn tỷ đồng, giảm 3,12% so với cùng kỳ năm 2022; tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 117 nghìn tỷ đồng, giảm 1,62%. Trong khi, từ năm 2017 đến 2022, chỉ tiêu này luôn ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số, trung bình từ 11-23%.

Ngoài ra, sau những lùm xùm vừa qua, bancassurance từ chỗ đem lại doanh thu lớn cho mảng dịch vụ của các ngân hàng hiện cũng nhanh chóng giảm nhiệt. Theo báo cáo tài chính quý 2, nhiều ngân hàng ghi nhận doanh thu từ bảo hiểm sụt giảm.

Tại MB, thu từ dịch vụ bảo hiểm ghi nhận 4.150 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022. Lãi thuần từ hoạt động bảo hiểm chỉ còn hơn 1.500 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ; hoặc VPBank ghi nhận thu nhập từ dịch vụ bảo hiểm giảm 8% còn 1.385 tỷ đồng; VIB giảm 46% còn 315 tỷ đồng…

Cuộc thanh tra 4 công ty bảo hiểm vừa qua dường như là chưa đủ để có sự thay đổi về chất cho bancassurance. Nhiều khách hàng cho biết hiện vẫn nhận được yêu cầu mua bảo hiểm từ nhân viên ngân hàng khi họ ngỏ ý vay vốn.

Lê Phương, một nhân viên ngành công nghệ, cho biết những tưởng sau cuộc thanh tra của Bộ Tài chính thì việc “ép” khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm sẽ chấm dứt, nhưng qua tìm hiểu một số ngân hàng để vay vốn mua nhà, việc mua bảo hiểm vẫn được ràng buộc vào gói vay.

“Tùy mỗi ngân hàng một khẩu vị, không rõ các ngân hàng lớn thế nào, nhưng ngân hàng chúng em ràng buộc bảo hiểm vào “combo”, tức không mua thì không được vay. Nhân viên cũng áp lực vì chỉ tiêu quản lý áp xuống”, Phương chia sẻ lại phản hồi của một nhân viên ngân hàng.

Khảo sát một số nhân viên ngân hàng, phóng viên cũng gặp những câu trả lời tương tự. Nhân viên một ngân hàng còn quả quyết rằng, hiện nay hầu hết các ngân hàng đều bán bảo hiểm và người vay vốn phải mua kèm gói bảo hiểm nhân thọ. Ví dụ, vay 1,5 tỷ đồng thì gói bảo hiểm thường dao động từ 20-30 triệu đồng, còn có những ngân hàng tính bằng 3-5% khoản vay.

Dù vậy, cũng có những ngân hàng “dễ thở” hơn với người vay vốn. Một nhân viên ngân hàng khác chia sẻ rằng từ trước đến nay vẫn phải chịu chỉ tiêu bán bảo hiểm, khoảng 130 triệu đồng/tháng.

Sự hấp dẫn của khoản hoa hồng từ bảo hiểm khiến họ không bỏ qua bất cứ khách hàng nào, tuy nhiên chỉ dừng ở mức tư vấn chứ không ép buộc khách phải mua. “Chúng tôi là người thỏa thuận với khách hàng về trị giá của gói bảo hiểm, còn quyền lợi và hợp đồng liên quan đến bảo hiểm sẽ có chuyên viên bảo hiểm tư vấn cho khách hàng”, nhân viên ngân hàng nói trên cho biết.

Dù không buộc khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhưng nhân viên này cho biết khách hàng được gợi ý rằng nếu tham gia bảo hiểm sẽ có ưu đãi về lãi suất.

Một số nhân viên ngân hàng cũng chia sẻ rằng đa số khách hàng vay năm đầu tiên được hưởng lãi suất ưu đãi lớn nên sau khi “đong đếm” cũng chấp nhận mua bảo hiểm để được giải ngân. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ khách hàng huỷ bảo hiểm sau năm đầu tiên khá cao.

Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM, nhận định rằng: “Sau cuộc thanh tra, thị trường bancassurance có giảm nhiệt nhưng chỉ tạm ngừng để dư luận lắng lại chứ không chắc họ thực sự quyết định thay đổi cách làm”.

Điều này thể hiện qua việc hiện tại một số khách hàng phản ánh họ vẫn bị “ép” mua bảo hiểm nhưng với chiêu tinh vi hơn, khéo léo hơn.

Không khó để nhận thấy phía ngân hàng có những lợi thế lớn để triển khai bancassurance, bởi nhân sự ngân hàng có kiến thức tốt về tài chính, ngân hàng có lượng khách hàng tiềm năng và có khả năng tài chính tốt. Tuy nhiên, ngân hàng thay vì chọn phương pháp thông thường thì họ lại dùng vị thế “cửa trên”, quyền lực thương lượng của mình để bán bảo hiểm và ép khách hàng vay.

MÊ HỒN TRẬN BẢO HIỂM VÀ VỊ THẾ "CỬA TRÊN" CỦA NGÂN HÀNG

Lý giải cho điều này, ông Trần Nguyên Đán cho rằng mấu chốt là do khách hàng khi đi vay thường lệ thuộc nhiều vào ngân hàng, nên ngân hàng đem dịch vụ bảo hiểm ra làm điều kiện để giải ngân.

“Có người nói không vay ngân hàng này thì vay ngân hàng khác, nhưng có thể thấy gần như tất cả các ngân hàng đều có hợp tác bán bảo hiểm. Thực tế này không khác gì mê hồn trận, khách hàng đi đến ngân hàng nào cũng phải mua bảo hiểm - một dạng luật bất thành văn”, ông Đán nói và cho rằng ngân hàng đang tận dụng vị thế của mình để ép khách hàng.

Việc ngân hàng ra điều kiện ưu đãi lãi suất, giải ngân nhanh nếu khách hàng mua bảo hiểm (và ngược lại) là điều bất hợp lý. Lý do là ngân hàng dùng tiền của khách hàng gửi để cho vay, nghĩa là ngân hàng là bên trung gian tài chính. Ngân hàng có trách nhiệm đảm an toàn các khoản tiền vay.

“Khách hàng được hưởng ưu đãi lãi suất khi khách hàng đó có mức độ tín nhiệm cao, rủi ro mất vốn thấp, chứ không phải khách hàng có mua bảo hiểm (đem lại lợi ích cho ngân hàng) thì được ưu đãi giảm lãi suất. Có thể gọi đây là rủi ro về đạo đức khi đơn vị trung gian tài chính chấp nhận cho vay dưới chuẩn”, ông Đán nói.

Phải chăng có những khách hàng có mức độ tín dụng kém, có rủi ro tín dụng nhưng đồng ý mua bảo hiểm vẫn được cho vay?  “Điều này không hợp lý về mặt quản trị rủi ro”, ông Đán nêu và cho rằng với bảo hiểm, Bộ Tài chính quy định đại lý (ngân hàng cũng là một đại lý) không được quyền tự ý khuyến mãi hoặc tặng tiền cho khách hàng. Vậy việc áp dụng lãi suất thấp hơn đối với khách hàng mua bảo hiểm phải chăng là hình thức khuyến mãi bất hợp pháp?

Thêm nữa, các đơn thư phản ánh của người dân đều khiếu nại rằng rất nhiều nhân viên tư vấn bảo hiểm tại ngân hàng, bao gồm cả nhân viên ngân hàng đều gắn việc bán bảo hiểm nhân thọ với hợp đồng vay và không tư vấn rõ điều khoản. Việc thiết lập hợp đồng bảo hiểm dựa trên lời khai của khách hàng thì nguyên tắc trung thực rất quan trọng, nhưng các nhân viên tư vấn đều tự động đánh dấu thay khách hàng vào lời khai sức khoẻ. Điều này dẫn đến rủi ro cho khách hàng về sau.

Ngoài ra, đối với cuộc thanh tra của Bộ Tài chính với 4 doanh nghiệp bảo hiểm, giới chuyên gia cho rằng kết luận của Bộ Tài chính mới chỉ phản ánh một phần trong bức tranh chung. 

“Kết luận thanh tra chỉ nêu về lỗi của các nhân viên tư vấn thì tôi cho rằng chưa phản ánh hết vấn đề. Nhân viên có thể làm sai giống nhau ở nhiều chi nhánh khác nhau thì sao gọi là sai phạm cá nhân, cá biệt? Do đó, cần điều tra xem hiện tượng này là hiện tượng phổ biến, có chủ trương từ trên xuống dưới hay không chứ không thể đổ lỗi cho nhân viên”, ông Đán nêu vấn đề và thêm rằng việc điều tra không dễ, bởi những điều này là “bất thành văn”...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 35-2023 phát hành ngày 28-08-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Chuyển động kênh bancassurance hậu khủng hoảng - Ảnh 1