Chuyên gia bình luận gì về động thái của khối ngoại bán ròng 1,5 tỷ USD trong hơn một năm qua?
Áp lực bán của dòng vốn ngoại tiếp tục tăng mạnh trong thời gian gần đây. Lũy kế 20 phiên liên tiếp vừa qua, nhóm này bán ròng 8.000 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 10.000 tỷ đồng.
Nhận định về xu hướng bán ròng của khối ngoại thời gian qua, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc đầu tư Công ty quản lý quỹ Dragon Capital cho biết, từ tháng 3/2023 đến nay tổng cộng nhóm này đã bán 1,5 tỷ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đà bán ròng này đến từ vài nguyên nhân chính: Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài có nhiều sự lựa chọn. Với khẩu vị đầu tư vào những công nghệ mới, Việt Nam gần như không có. Vì thế, nguồn vốn lớn của nhà đầu tư nước ngoài chảy từ Trung Quốc sang các quốc gia khác như Ấn độ, Nhật.
Thực tế, cơ cấu thị trường chứng khoán Việt Nam đang có sự mất cân đối giữa các nhóm ngành. Nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán, công ty tài chính và bảo hiểm) chiến đến gần 50% tổng giá trị vốn hóa. Nếu tính cả bất động sản, con số này có thể lên đến gần 70%.
Trong khi đó, các lĩnh vực thu hút sự chú ý của khối ngoại như công nghệ, y tế, bán lẻ, năng lượng,… lại chiếm tỷ trọng nhỏ, số lượng cổ phiếu không nhiều. Điều này khiến cho nhà đầu tư nước ngoài thiếu lựa chọn chất lượng để rót vốn dài hạn.
Thứ hai, nhà đầu tư nước ngoài lo ngại một số vấn đề của Việt Nam không như kỳ vọng. Trong 2 tháng gần đây, rõ ràng có sự quan tâm nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam.
Mặc dù vậy, chuyên gia Dragon Capital cho rằng Việt Nam hiện vẫn nằm trong những nước nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. Nếu chính thức được MSCI nâng hạng, khả năng rất cao dòng vốn ngoại sẽ quay lại mạnh mẽ. Bên cạnh các quỹ ETF tracking theo các rổ chỉ số của MSCI và FTSE, dòng tiền lớn từ các quỹ chủ động cũng sẽ tìm đến đầu tư vào chứng khoán Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment nhận định dòng vốn ngoại bán có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất do chênh lệch lãi suất Việt Nam và thế giới không phải quá hấp dẫn
Thứ hai, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng nhưng thật ra so với thị trường như Mỹ còn hấp dẫn. Trong khi đó, hiện tại định giá một số các thị trường khác như Trung Quốc hấp dẫn hơn nhiều, nên có thể họ lựa chọn thị trường tốt hơn trước mắt sau đó mới đến Việt Nam.
Bà Phạm Huyền Trang - Giám đốc Phân tích Cổ phiếu – Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu Tư – CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết thường xuyên gặp gỡ các nhà đầu tư tổ chức để xúc tiến cơ hội đầu tư, họ quan tâm rất lớn.
Dòng tiền tiềm năng đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn, nhưng có hạn chế do không có hàng hoá mới, quy định sở hữu nhà đầu tư nước ngoài với cổ phiếu nâng room. Gần đây nhất sẽ có những kỳ vọng về nâng hạng vì tiêu chí các cổ phiếu để nâng hạng sẽ có những tiêu chí còn room để nhà đầu tư nước ngoài mua được.
"Dòng vốn tiềm năng có thể đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam khi được nâng hạng, những cổ phiếu midcap tiềm năng còn room ngoại có thể thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Đây là điều gần nhất chúng tôi có thể nhìn thấy và kỳ vọng là sẽ hấp dẫn thêm nhà đầu tư nước ngoài vì nhà đầu tư cá nhân, trong nước năm 2023 là chiếm đến 92% giá trị giao dịch toàn thị trường – không có nước nào cao bằng.
Tôi kỳ vọng năm 2024 sẽ là năm tốt hơn đối với dòng vốn ngoại khi họ phải theo dõi động thái của Fed trong việc giảm lãi suất và kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025", bà Trang nhấn mạnh.
Nhìn xa hơn, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân Chứng khoán Yuanta cho rằng việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ giúp các quỹ ETF có quy mô lớn có thể đầu tư vào thị trường này. Như vậy, các cổ phiếu vốn hóa lớn có thể được hưởng lợi đầu tiên như nhóm Ngân hàng (nhưng chủ yếu là các ngân hàng vẫn còn tỷ lệ sở hữu còn lại của nhà đầu tư nước ngoài cao và có lượng cổ phiếu tự do giao dịch nhiều), nhóm bất động sản, sản xuất thực phẩm, vận tải, chứng khoán, hóa chất, xây dựng và vật liệu xây dựng.
Cũng theo ông Minh, quan sát từ các trường hợp ở các thị trường khác, dòng tiền từ các tổ chức đầu cơ theo “game” nâng hạng thị trường thường gia tăng mạnh trước thời điểm gần được nâng hạng và các chỉ số chứng khoán của các quốc gia đó thường tăng mạnh và tăng nóng. Tuy nhiên, sau khi chính thức được nâng hạng thì làn sóng bán tháo ở các dòng tiền đầu cơ này diễn ra và khiến thị trường lao dốc mạnh.