18:50 25/04/2022

Chuyên gia nói gì sau phiên “khủng hoảng” Vn-Index bay 70 điểm?

Kiều Linh

Nếu nhà đầu tư đang vị thế tiền mặt hoặc chưa tham gia sâu với thị trường còn dư địa để mua thêm cổ phiếu, thì đây có thể là cơ hội xem xét mua dần các cổ phiếu, lựa chọn mã có nền tảng cơ bản tốt, kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn qua các năm...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Kinh hoàng. Đó là hai từ ngắn gọn nhưng có thể bao quát toàn bộ diễn biến thị trường lẫn tâm lý của toàn bộ nhà đầu tư, đầu cơ, nhà đầu tư nhỏ lẻ lẫn tổ chức phiên giao dịch hôm nay.

Kết thúc phiên, VN-Index mất 68,31 điểm và trong phiên đã có lúc để mất mốc 1300 điểm. Chỉ số đang ở mức thấp nhất gần 8 tháng, tương đương vùng điểm số cuối tháng 8/2021. Tổng mức giảm trong nhịp giảm 15 phiên này là 14,02%, tương đương với nhịp giảm tháng 1/2021. Thanh khoản phiên hôm nay cũng không cao. Tổng giá trị khớp lệnh trên HoSE giảm 15% so với phiên trước, chỉ đạt 19.575,7 tỷ đồng. Khối lượng khớp lệnh cũng giảm khoảng 13%. 

VỊ THẾ MUA TỐT CHO ĐẦU TƯ DÀI HẠN 2-3 NĂM

Lý giải tình trạng sụt giảm "chấn động" phiên hôm nay,  các chuyên gia phân tích của VnDirect cho rằng, thị trường giảm bởi đã không có bất cứ một niềm tin nào để phục hồi lại. Thị trường sẽ tạo đáy khi có thông tin đủ xấu để mọi người hoảng loạn, còn hiện tại vẫn ở giai đoạn giảm mà chưa có bất cứ thông tin gì ra. 

Theo ông Nguyễn Văn Định chuyên gia phân tích kỹ thuật của VnDirect, nhìn toàn cảnh hơn thì thấy, cuộc chiến Nga - Ukraine có thể là yếu tố đầu tiên. Cuộc chiến thúc đẩy giá dầu và giá vàng tăng lên, khiến cho chỉ số Dow Jones giảm điểm, nhà đầu tư thế giới đổ dồn mua nắm giữ tài sản mang tính chất an toàn hơn như vàng, dầu hay đô la, dẫn đến sự rút vốn dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài với các thị trường mới nổi. 

Thứ hai là lạm phát - thuốc độc với thị trường chứng khoán. Lạm phát hàng năm châu Âu tăng kỷ lục 7,5% trong tháng 3 cao nhất trong vòng 25 năm đổ lại đây. Lạm phát tại Anh cao nhất 30 năm qua. Đối với mức lạm phát như thế này thông thường chính sách của ngân hàng trung ương của quốc gia trên thế giới là thắt chặt tiền tệ, tiền lưu thông ngoài thị trường khi đó bị hút về, không còn mạnh mẽ để đổ vào chứng khoán nữa. Đó là nguyên nhân tâm lý e ngại nhà đầu tư cá nhân và các nhà đầu tư tổ chức, họ có xu hướng nghi ngại dòng vốn thực sự đổ vào thị trường dài hạn.

Ở trong nước, những thông tin bắt bớ liên quan đến cá nhân thao túng, làm giá, lũng đoạn thị trường cổ phiếu cũng khiến tâm lý nhà đầu tư dè dặt. 

Diễn biến Index thời gian gần đây. 
Diễn biến Index thời gian gần đây. 

Giao dịch thế nào sau phiên giao dịch hôm nay, ông Phạm Việt Duy, Trường phòng Trung tâm phân tích đầu tư của VnDirect cho rằng, nếu nhà đầu tư đang vị thế tiền mặt hoặc chưa tham gia sâu với thị trường còn dư địa để mua thêm cổ phiếu, thì đây có thể là cơ hội xem xét mua dần các cổ phiếu, lựa chọn mã có nền tảng cơ bản tốt, kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn qua các năm và có thể nắm giữ.

Ngược lại, nếu muốn bắt đáy gỡ gạc lại nhanh chóng, mua bằng margin thì đây vẫn là giai đoạn rủi ro. 

Xét về mặt định giá, Vn-Index đang ở vùng tương đối hấp dẫn rồi không còn phải là vùng đắt nữa. "Nhiều người có cách nhìn thanh khoản thấp như phiên hôm nay là tiêu cực nhưng tôi lại nhìn theo hướng tích cực. Dòng tiền lớn vẫn ở thị trường, bên bán là người chưa quản trị được rủi ro, lượng tiền bán thấp là đến từ dòng tiền nhỏ.

Nhà đầu tư theo trường phái cơ bản, xác định nắm giữ trong vòng 2-3 năm tới thì có thể mua dần, cố gắng chia làm 2-4 lần giải ngân, chia nhỏ ra cho từng phần một để mua dần nắm giữ lâu dài", chuyên gia phân tích của VnDirect khuyến cáo. 

VN30 ĐANG RẤT RẺ SO VỚI TOÀN THỊ TRƯỜNG

Đồng quan điểm, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc phân tích của VnDirect cho rằng, thanh khoản yếu như hôm nay, chứng tỏ các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang khá hoang mang trước triển vọng thị trường.

Tuy nhiên, về định giá cơ bản, Vn-Index đang ở mức 14,7 lần, P/E foward 12,5 lần mức thấp nhất từ tháng 9/2020 trở lại, trong đó Vn30 định giá 12,2 lần P/E rẻ hơn nhiều so với Midcap hoặc Smallcap.

Đến thời điểm này, đã có gần 400 doanh nghiệp chiếm 23% toàn thị trường có kết quả kinh doanh quý 1/2022. Trong bối cảnh nền kinh tế từng bước chuyển mình sau đợt phong toả lớn từ quý 3/2021 thì kết quả kinh doanh quý 1 năm nay tăng trưởng tốt. 

Lợi nhuận doanh nghiệp 3 sàn tăng 29% trong đó, các doanh nghiệp HoSE tăng 345, nhóm largcap hay Vn30 tăng trưởng gần 45% trong quý 1/2022. Nhóm Midcap tăng trưởng gần 20%, điều đó cho thấy trong bối cảnh nền kinh tế đang hồi phục thì nhóm Vn30 nhóm lớn hưởng lợi nhiều hơn, tăng trưởng cao hơn toàn thị trường nhưng bên cạnh đó định giá khá rẻ so với trung bình toàn thị trường.

Xét theo các nhóm, hoá chất tăng trưởng lợi nhuận đột biến, trong khi đó một nhóm đang là ẩn số của thị trường là ngân hàng cũng có mức tăng trưởng tốt. 

Đồ hoạ: K.Linh. 
Đồ hoạ: K.Linh. 

Trả lời câu hỏi siết tín dụng vào bất động sản, chứng khoán ảnh hưởng thế nào tín dụng chung của ngân hàng? Nhận định về vấn đề này, theo bà Hiền, thực ra quan điểm siết dòng vốn sang nhóm ngành rủi ro như bất động sản, chứng khoán của Ngân hàng Nhà nước là quan điểm xuyên suốt nhiều năm nay không phải riêng bây giờ khi đặt tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, một số tỷ lệ ngân hàng cho vay vào chứng khoán, tỷ lệ theo xu hướng ngày càng thắt chặt.

Thời điểm hiện tại, tăng trưởng chung của tín dụng không ảnh hưởng nhiều bởi đà tăng tín dụng được dẫn dắt chủ yếu bởi nhóm sản xuất xuất khẩu. Trung bình tăng trưởng tín dụng năm nay 13-14% cao hơn chút so với năm ngoái, vừa đủ và hợp lý trong bối cảnh chung lạm phát xu hướng nhích dần lên.

Hiện nay, theo con số từ Ngân hàng Nhà nước, các Ngân hàng TMCP đang nắm 274.000 tỷ trái phiếu doanh nghiệp, so với dư nợ tín dụng toàn hệ thống ở mức 2,5-2,6%, con số tương đối nhỏ so với dư nợ tín dụng chung.

Trường hợp xấu nhất, nếu trong quý tới tỷ lệ phát hành ra của trái phiếu doanh nghiệp xu hướng giảm thì cũng không ảnh hưởng chung tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng nhưng ảnh hưởng đến nhóm bất động sản vì hầu hết doanh nghiệp bất động sản lớn đều có kế hoạch phát hành rầm rộ để tài trợ cho các dự án đang phát triển. Một số doanh nghiệp bất động sản quý tới khó khăn về huy động vốn từ trái phiếu.

Nhìn từ góc độ cơ bản, thị trường vẫn đang được dẫn dắt bởi bệ phóng vững chắc từ vĩ mô, lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết phục hồi khả quan so với 2021.

Gần đây, khối ngoại quay trở lại mua ròng. Riêng 10 phiên gần đây mua ròng 3.500 tỷ, loại trừ giao dịch thoả thuận MWG khối ngoại mua ròng hơn 1.800 tỷ đồng. Nhìn xa hơn là cơ hội chúng ta có thể được nâng hạng vào thị trường mới nổi của FTSE vào tháng 9 tới. "Do đó, đây là cơ hội có thể quay trở lại tích luỹ một số cổ phiếu có định giá hấp dẫn, tăng trưởng lợi nhuận vững chắc trong tương lai", vị này nói.