15:46 06/11/2024

Chuyên gia: Tháng 11 luôn là cơ hội tốt nhất để mua cổ phiếu đón "sóng ăn Tết"

Tuệ Lâm

Trong 3 năm gần đây, tháng 11 là tháng trũng nhất và cũng thường có cơ hội mua tốt nhất để đón sóng ăn Tết...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhận định về thị trường chứng khoán tháng 11, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank nhấn mạnh: Giai đoạn thị trường chứng khoán toàn cầu có mức tăng trưởng lớn nhất trên thế giới thường gọi là Santa Rally của S&P 500 hay sóng ăn tết của Việt Nam diễn ra từ tháng 11 cho đến tháng 4 năm sau.

Thống kê 6 năm trở lại đây cho thấy chu kỳ “Santa Rally” thường mang lại hiệu quả đầu tư rất tốt, tính bình quân bao gồm cả ảnh hưởng thời gian covid, giai đoạn khó khăn 2022 – 2023 thị trường điều chỉnh S&P 500 trong giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau đạt mức tăng khoảng 7%. Dữ liệu cho thấy có 1 đến 2 trường hợp đặc biệt là 2020 - 2021 tăng tận 26% và trong năm 2023 – 2024 thì tăng 19%.

Với diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam thì sóng ăn tết hàng năm rất đồng pha cùng sóng Santa Rally. Đồ thị cho thấy trong khoảng 6 năm trở lại đây, mức tăng bình quân của VN-Index từ tháng 11 cho đến tháng 4 hàng năm là gần 8% - cũng là mức tăng rất tốt. Khi VN-Index tăng 8% thì cổ phiếu có beta nhạy hơn thì tăng gấp 2, 3 mức bình quân này. Khoảng 3 giai đoạn gần đây, 2020 – 2021 VN-Index tăng 32%, 2017 – 2018 tăng 18% và 2023 – 2024 tăng 16%.

Trong 3 năm gần đây, tháng 11 là tháng trũng nhất và cũng thường có cơ hội mua tốt nhất.

"Tôi cho rằng đây là chu kỳ nhà đầu tư nên chú ý để mua bởi kỳ nghỉ lễ noen và năm mới hàng năm thường tạo ra tâm lý thoải mái cho nhà đầu tư. Sau giai đoạn chững lại vào thời điểm giữa năm, bất kỳ nhịp điều chỉnh nào diễn ra trong thời điểm này đều là cơ hội để nhà đầu tư tái cấu trúc lại danh mục và mua cho kỳ tới. Chúng ta chỉ có tháng 11 và 12 để đóng sóng ăn tết thôi và tháng 11 là tháng bản lề", vị này nhấn mạnh.

Cũng theo ông Sơn, ông Trump thắng cử thì giới phân tích cho rằng chính sách tài khóa sẽ khiến ngân sách Mỹ thâm hụt thêm khoảng 7.000 tỷ USD nữa. Thâm hụt cao và chính sách thuế với Trung Quốc và một số quốc gia tiếp tục tăng làm mặt bằng lạm phát có thể không giảm nhanh như mong muốn. Đó là lý do làm cho chu kỳ giảm lãi suất gập ghềnh hơn.

Ông Trump thắng cử yếu tố bất định của thế giới thời gian tới đến từ chính sách thuế. Trong chương trình thuế từ tháng 7/2018 đến nay thì hầu hết đã tăng 25% với các mặt hàng tại Trung Quốc thuộc nhóm 1, nhóm 2 tăng 7,5%. Trong năm 2025, thời kỳ ông Biden, xe điện tiếp tục bị đánh thuế lên mức 100%, một số sản phẩm mang tính chiến lược của Trung Quốc như pin, linh kiện, thép… tăng thêm 25%, khẩu trang và y tế tăng 25%, đất hiếm tăng 25%...

Nếu dự kiến như này, năm 2025, các sản phẩm đặc thù như bán dẫn có thể tăng thêm 25% nữa lên 50%, găng tay y tế tăng thêm 25%. Ông Trump thắng cử, thuế có thể đẩy lên 60%. Việc này có khả năng khiến thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc giảm về mức thấp. Tại thời điểm ông Trump nhậm chức vào 2017, thâm hụt thương mại là 792 tỷ USD. Khi ông Trump rời nhiệm con số này là 901 tỷ USD. Đến thời ông Biden, ban đầu mức thâm hụt lên 1.173 tỷ USD và sau đó phục hồi còn 660 triệu USD. Tức là đến thời ông Biden, thâm hụt thực tế đã tích cực hơn.

Một số quốc gia được hưởng lợi lớn từ chính sách thuế của ông Trump đối với Trung Quốc. Mỹ buộc nhập hàng hóa từ quốc gia vệ tinh của Trung Quốc, ví dụ như Mexico, Đài Loan và Việt Nam. Thâm hụt của Mỹ với Trung Quốc giảm nhưng thâm hụt với Mexico, Đài Loan và Việt Nam lại tăng lên mức cao mới.

Trong thời gian tới, Việt Nam có thể được hưởng lợi từ chính sách thuế 2.0 của Trump. Cán cân thương mại của Việt Nam với Mỹ liên tục thặng dư và lên cao nhất 1 tỷ USD. Xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh từ 2017 và mức độ thặng dư với cuộc chiến thương mại này của Việt Nam đang cao so với nhiều nước trong khu vực.

Nếu mức đánh thuế với hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ tăng lên thì sẽ có 2 hướng xảy ra. Một là nhu cầu nhập khẩu của Mỹ đối với đối tác Trung Quốc + 1 lên cao gồm Việt Nam, Đài Loan, Mexico.. Thứ 2, dòng chuyển dịch FDI từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Theo đó, nhóm xuất khẩu được hưởng lợi và nhóm bất động sản khu công nghiệp cũng đón dòng vốn tốt.

Tuy nhiên, chúng ta cần chuẩn bị cho một tác động ngược lại là mức chênh lệch thuế giữa Việt Nam và Trung Quốc bị kéo sát trở lại khi mà ông Trump cũng tăng thuế đối với một số quốc gia đang thâm hụt nhiều, trong đó có Việt Nam. Trung Quốc cũng đang sử dụng một biện pháp chống lại cuộc chiến thuế quan này là chuẩn bị kịch bản phá giá động nhân dân tệ, khi đó tỷ giá các quốc gia ở khu vực xung quanh cũng bị ảnh hưởng.