Chuyên gia VDSC: Nhà đầu tư cân nhắc bán nhóm VNSmall, giải ngân mua VN30 khi thị trường điều chỉnh
VDSC lạc quan về cổ phiếu nhóm VN30 khi hiện tại xét về tăng trưởng ổn định, nền tảng cơ bản tốt, định giá chưa cao trong khi cổ phiếu nhóm vốn hoá vừa và nhỏ giá cao và tăng trưởng mạnh trong giai đoạn vừa rồi, được khuyến nghị bán ra.
Đánh giá về triển vọng đầu tư tại buổi livestream "Chiến lược và Ý tưởng đầu tư Tháng 4" do Chứng khoán Rồng Việt tổ chức chiều 12/4, ông Trần Hoàng Thế Kiệt, chuyên viên phân tích của VDSC cho biết, trong quý 1/2022 vừa qua, dòng tiền thay vì tập trung ở một số ngành đã lan toả ra các nhóm ngành khác nhau do đó lựa chọn cổ phiếu tốt là chiến lược đầu tư quan trọng trong giai đoạn hiện tại.
Với nhóm bất động sản, theo ông Kiệt, việc siết đầu tín dụng lẫn trái phiếu vốn là hai kênh huy động vốn chính sẽ khiến những doanh nghiệp chuẩn bị huy động trái phiếu làm dự án sẽ bị chậm lại quá trình huy động, ảnh hưởng đến dự án, khó thu tiền về để chi trả chi phí như lãi vay hay đầu tư khác khó, do đó, nhóm này nhà đầu tư nên thận trọng, khoan giải ngân trong thời điểm hiện tại.
Nếu nhà đầu tư trót nắm vị thế nhóm này rồi, sẽ chia thành hai trường hợp để ứng xử. Với nhóm đầu tiên, nhà đầu tư mua cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản vẫn có dự án mở bán trong năm nay thì đây vẫn là cổ phiếu tốt, ví dụ, cổ phiêu bất động sản cơ bản như NLG, KDH, bán hàng tốt, tỷ lệ hấp thụ cao so với các doanh nghiệp khác nên vẫn được đánh giá cao.
Nhóm thứ hai là nhóm đang tham vọng huy động trái phiếu cho dự án tiếp theo khiến tiến trình này chậm lại, trong khi dự án hiện tại chưa mở bán được, nên chưa nên giải ngân cho cổ phiếu này.
Với nhóm ngân hàng, chuyên gia phân tích của VDSC tin tưởng triển vọng lạc quan với nhóm này khi mức tăng trưởng dự phóng của 2022 ở mức trên 30%. Ngoài ra, câu chuyện phát hành riêng lẻ của VPB với SMBC trong thời gian tới là câu chuyện thú vị để tạo tâm lý tích cực cho thị trường.
Nhóm cổ phiếu thép bao gồm các doanh nghiệp xuất khẩu có thể cải thiện biên lợi nhuận gộp trong quý 2 và quý 3/2022 do đã chốt giá thấp cho một lượng lớn HRC và triển vọng giá xuất khẩu tốt trong những tháng tới.
Ở nhóm xuất khẩu, đặc biệt thuỷ sản, xuất khẩu cá tra sẽ ghi nhận mức phục hồi mạnh năm 2022 được hỗ trợ bởi nhu cầu cá thịt trắng toàn cầu tăng, đặc biệt sau sự thiếu hụt từ Nga, giá bán cao duy trì đến ít nhất hết Q2/2022 do giá nguyên liệu tăng, thuỷ sản đánh bắt giảm do giá dầu tăng, đẩy tiêu thụ cá tra tăng.
Xu hướng dòng tiền đang có dấu hiệu luân chuyển vào nhóm vốn hoá lớn, đặc biệt tiền đang chảy vào nhóm VnDiamond. Các thông tin liên quan đến bắt bớ đã dần dần đưa ra, với nhóm cổ phiếu nhỏ rủi ro điều chỉnh vẫn còn xét về bình diện về thông tin lẫn mức định giá.
Trong khi đó, VDSC lạc quan về cổ phiếu nhóm VN30 khi hiện tại xét về tăng trưởng ổn định, nền tảng cơ bản tốt, định giá chưa cao trong khi cổ phiếu nhóm vốn hoá vừa và nhỏ giá cao và tăng trưởng mạnh trong giai đoạn vừa rồi.
"Với những cổ phiếu nhỏ sau mùa đại hội cổ đông chưa thấy có tích cực về nền tảng cơ bản nhà đầu tư nên cân nhắc không giải ngân thêm và bán cổ phiếu, với VN30 có thể tuỳ tường hợp nhưng tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 cao 19%, ngoài ra có thể cân nhắc giải ngân khi thị trường giảm trong giai đoạn hiện tại. Ngân hàng và thép là lựa chọn tốt cho hiện tại, còn bất động sản cân theo dõi xem doanh nghiệp tốt dự án mở bán giá nào, mức độ hấp thụ bao nhiêu? Ngoài ra những doang nghiệp còn lại vẫn tiếp tục tiêu cực khi chưa có thông tin hỗ trợ thì nên đứng ngoài", ông Kiệt khuyến nghị.
Đánh giá chi tiết hơn về nhóm ngân hàng, các chuyên gia VDSC cho rằng, hiện nay ngành ngân hàng nói riêng và Vn-Index chịu ảnh hưởng nhất định bởi những tin đồn, đây là rủi ro mang tính hệ thống, để một cổ phiếu riêng lẻ tránh được tác động tiêu cực về mặt tâm lý là khó. Về nền tăng cơ bản, TCB của Techcombank được VDSC duy trì triển vọng tích cực, trái phiếu quy mô lớn và dư nợ với mảng bất động sản cao nhưng không có dư nợ với Tân Hoàng Minh.
Đối với những thông tin tiêu cực liên quan đến siết trái phiếu doanh nghiệp gồm doanh nghiệp bất động sản ảnh hưởng tổc độ tăng trưởng tín dụng nhưng đánh giá của VDSC vẫn tích cực nhờ các mảng khác như sản xuất kinh doanh thương mại phục hồi sau dịch, ngân hàng phân bổ vốn vào các lĩnh vực này nhiều hơn, giúp cho vay ngân hàng tăng trưởng bền vững hơn. Tuy vậy, trong ngắn hạn, tin đồn chưa lắng vẫn có thể có biến động cho cổ phiếu ngân hàng không chỉ riêng TCB.
Cuối cùng, VDSC đưa ra dự báo Vn-Index dao động trong vùng 1.430 - 1.570 điểm. VDSC kỳ vọng, giai đoạn sắp tới khi thông tin bắt bớ được hấp thụ thị trường nhìn vào câu chuyện tăng trưởng và dòng tiền sẽ trở lại. "Kết quả kinh doanh quý 1 sẽ là tâm điểm thị trường cân bằng giai đoạn sắp tới. Mức tăng trưởng lợi nhuận dự phóng năm nay tốt ở khoảng 21%, P/E đâu đó 13-14x, chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn so với thị trường khác trong khu vực", Chuyên gia phân tích Trần Hoàng Thế Kiệt nhấn mạnh.