Áp lực từ lạm phát kỳ vọng, kênh chứng khoán còn hấp dẫn?
Lạm phát trung bình cả năm 2022 được dự báo vẫn có thể đảm bảo ở mức 4%. Nhưng tính so với cùng kỳ năm trước thì sẽ ở mức cao hơn. Các chuyên gia kiến nghị cần điều chỉnh phù hợp về mục tiêu 4% để tránh kích hoạt tâm lý kỳ vọng lạm phát....
Áp lực lạm phát gia tăng việc giữ nguyên mục tiêu dưới 4% là khó khả thi trong khi đó đã có những nhận định cho rằng vào những tháng cuối năm, trong kịch bản xấu lạm phát thậm chí có thể lên đến 7%. Việc tăng lãi suất khi đó gần như là bắt buộc để kiềm chế, song với nhà đầu tư, bỏ tiền vào bất động sản, chứng khoán hay vàng vẫn là câu hỏi hóc búa nhất ở thời điểm hiện tại.
KHÓ KIỂM SOÁT ÁP LỰC GIÁ NĂNG LƯỢNG
Ông Nguyễn Đức Trung, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM tại buổi toạ đàm bàn về vòng xoáy lạm phát do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức gần đây cho rằng, áp lực từ giá năng lượng là điều rất khó kiểm soát.
Theo ông Trung, kịch bản mô phỏng mà nhóm nghiên cứu của Đại học Ngân hàng Tp.HCM đưa ra, nếu xăng dầu tiếp tục tiến tới mức 140 USD/thùng lạm phát bình quân năm nay vẫn có thể ở mức 4%, nhưng lạm phát so với cùng kỳ sẽ vượt 4% ngay trong tháng 8 và tháng 9, và cuối năm có thể đâu đó trên 7%. Điều này rất nguy hiểm ở chỗ gây ra kỳ vọng lạm phát và áp lực lớn hơn nữa cho việc điều hành, kiểm soát lạm phát năm 2023.
Áp lực lạm phát có thể được chia thành nhiều cấu phần. Cấu phần thứ nhất là tiền tệ, rõ ràng qua nghiên cứu chúng ta không hề lo lắng lắm với sự điều hành của Ngân hàng trung ương, tỷ giá chống chịu được những cú sốc từ bên ngoài.
Tuy nhiên, cấu phần thứ hai là năng lượng, chúng ta rất khó có thể kiểm soát được do phụ thuộc hoàn toàn vào quốc tế. Và ở đây kịch bản không tốt đã diễn ra. Còn nhớ năm 2017 kịch bản không tốt đã diễn ra với giá dầu thì nay kịch bản với giá dầu thậm chí còn tệ hơn nữa. Giá dầu đang vượt so với kịch bản bình quân đưa ra là trên 50%. Và khi giá dầu ở mức 100-125 USD/thùng thì giá xăng trong nước sẽ tăng 40% và lạm phát tăng 1,44%-2,7%. Điều đáng nói, kịch bản xấu về năng lượng lại không thể đoán được.
Rồi về thực phẩm, dù không bị ảnh hưởng bởi giá lúa mì liên quan đến Nga – Ukraine song lại bị ảnh hưởng đâu đấy của việc không tái đàn lợn.
"Với các cấu phần như vậy, tôi nghĩ bước 4% mà chúng ta tạo ra rất khó khăn và áp lực cho những người điều hành. Và chúng tôi tính toán, lạm phát trung bình cả năm 2022 vẫn có thể đảm bảo ở mức 4%. Nhưng tính so với cùng kỳ năm trước thì rất khó, và sẽ ở mức cao hơn", ông Trung nhấn mạnh và kiến nghị cần điều chỉnh phù hợp về mục tiêu 4% để tránh kích hoạt tâm lý kỳ vọng lạm phát.
"Thà điều chỉnh sớm thì chúng ta tránh được tâm lý kỳ vọng tốt hơn, và thể hiện sự linh hoạt với thị trường và giảm áp lực cho nhà quản lý, tránh kỳ vọng từ người dân, thể hiện tính linh hoạt và thị trường", Quyền Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, kinh tế thế giới đang phục hồi, nhu cầu nguyên vật liệu tăng cao, nguồn cung hiện tại đang đứt gãy khiến giá hàng hoá quốc tế những tháng tới đây tăng mạnh gây áp lực lạm phát cao trên nhiều nước cả kể những nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật, châu Âu, đây đều là những đối tác lớn của Việt Nam.
Chưa kể, ngành dệt may đang đứt gãy chuỗi cung ứng từ Trung Quốc do chiến lược Zero Covid, doanh nghiệp may mặc thiếu nguyên vật liệu trầm trọng. "4% có thể đạt được nhưng khẳng định đây là công việc khó. Mong rằng Chính phủ cũng như đơn vị chức năng ngân hàng nhà nước linh hoạt, với kinh nghiệm những năm trước, cần có quyết tâm lớn thì mới đạt được mục tiêu. Nhưng tôi vẫn khẳng định mục tiêu lạm phát 4% là rất khó", ông Tiến nói.
LÃI SUẤT CHẮC CHẮN SẼ TĂNG, ĐẦU TƯ KÊNH NÀO ĐỂ SINH LỜI TỐT?
Cùng bình luận về xu hướng lạm phát, ông Nguyễn Hồng Điệp, Giám đốc Công ty tư vấn đầu tư S-Talk cho rằng, ở Mỹ, dự báo CPI tháng 3 này sẽ ở mức 8,5%. Nếu so với CPI trung bình trong nhiều năm chỉ khoảng 2% thì rõ ràng Mỹ đang đối mặt vấn đề lạm phát phi mã.
Công cụ hữu hiệu nhất để kiềm chế lạm phát là giảm cung tiền từ việc tăng lãi suất. FED đã đưa ra định hướng rất rõ ràng và chi tiết để đưa lãi suất cơ bản từ cận 0% lên 3% trong vòng 2 năm tới. Mỹ tăng lãi suất cơ bản sẽ kéo theo một loạt nước làm theo. Việt Nam dù có độ trễ khoảng 6 tháng, nhưng chắc chắn sẽ tăng lãi suất.
Vậy việc tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng như thế nào? Thứ nhất, theo chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp, đây là điều tích cực để đẩy giá trị đồng tiền lên. Khi lãi suất huy động tăng lên, sẽ thu hút được một lượng tiền nhất định gửi tiết kiệm vì thực dương.
Thứ hai, lãi suất tăng lên sẽ thúc đẩy khối ngân hàng, sẽ có sự cạnh tranh giữa việc thu hút dòng tiền đầu tư giữa các kênh như chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ và kênh gửi ngân hàng. Sẽ có khả năng kiềm chế được đà tăng quá đà của một loại hình nào đó. Nếu giá bất động sản cho thuê kém hấp dẫn, hoặc căn hộ để không lâu quá, sẽ có hiện tượng bán lấy tiền gửi tiết kiệm. Còn chứng khoán nếu không có sóng đủ hấp dẫn, cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi dòng tiền bán thu về.
Thứ ba, lãi suất tăng sẽ kéo theo sự khó khăn của Trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài việc khi đó độ chênh lãi suất không còn đủ sức hấp dẫn so với kênh gửi tiết kiệm có sự an toàn cao, còn là việc sẽ có hiện tượng bán Trái phiếu trước hạn để đảm bảo quản trị rủi ro, cũng như chuyển hướng dòng tiền. Nếu việc đảo nợ Trái phiếu bị kiểm soát chặt, thì đây có thể coi là "quả bom nổ chậm" không chỉ cho thị trường mà còn kéo theo cả nền kinh tế.
Thứ tư, lãi suất tăng cũng sẽ gây khó khăn cho sự phục hồi của nhiều doanh nghiệp. Sản suất kinh doanh cũng như phát triển dự án sẽ bị đội vốn lên. Rất có thể những điều này sẽ đổ lên vai người tiêu dùng cuối cùng. Dù có tác dụng để kiềm chế lạm phát, nhưng trong giai đoạn đầu "dùng thuốc" đôi khi sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn.
Thứ năm, lạm phát và lãi suất cao luôn được coi là kẻ thù của chứng khoán. Dòng tiền có thể sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra vì lãi suất tăng lên, biên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp niêm yết sẽ bị giảm, dẫn đến nhiều chỉ số kinh doanh sẽ không còn đẹp nữa. Một khi EPS chung toàn thị trường giảm, cũng cần phải đánh giá lại điểm số kỳ vọng của Vn-Index trong năm 2022.
Đánh giá chi tiết về từng kênh đầu tư, theo ông Điệp, với kênh bất động sản, thị trường hiện nay đang có những diễn biến khá sôi động, có thể coi là sốt nhẹ. Hầu hết các phân khúc đều có hiện tượng tăng giá liên tục, không hề ảo vì có thanh khoản thật. Giảm giá là điều gần như không thể. Cho nên trong xu hướng tới, kênh bất động sản vẫn là kênh an toàn, đáng để đầu tư, sẽ được chú ý của xã hội.
Với kênh Chứng khoán, năm 2022 sẽ khó ăn hơn so với 2 năm liền kề trước đây. Ngoài việc game tăng độ khó, rất có thể trong vài thời điểm sẽ có những cú sụt giảm sâu. Tất nhiên khi sụt quá sâu sẽ lại là cơ hội bắt đáy, ăn một số phần trăm của việc hồi lại song đừng kỳ vọng quá cao. Tóm lại, kênh đầu tư chứng khoán vẫn là kênh tốt, rất đáng để ưu tiên, nhưng phải cần tư duy, cần tư vấn chuẩn từ chuyên gia và sự cẩn trọng hơn so với quá khứ gần.
Đối với kênh gửi tiết kiệm khi lãi suất thực dương, tăng lên khoảng 8-10% là khá hấp dẫn và an toàn. Còn mua Trái phiếu cũng là kênh tốt, đừng quá dị ứng bởi các thông tin bên lề. Nhưng mua Trái phiếu sẽ khó hơn ở việc thẩm định, việc tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp và dự án.
Trong khi đó, kênh vàng, ngoại tệ đây là 2 kênh không được đánh giá cao vì thiếu sự an toàn cũng như khó có thể đạt hiệu suất tốt. Nhất là trong việc quản lý của Chính phủ làm độ chênh lệch giữa giá bán/mua và giá thế giới quá lớn.
"Kết luận lại vẫn nên ưu tiên các kênh bất động sản và chứng khoán, nhưng không nên đặt kỳ vọng quá cao về tỷ suất sinh lời. Quan điểm của tôi năm 2022 nếu nhà đầu tư đạt tỷ suất 25%-35% là có thể nên hài lòng. Nếu trừ lạm phát khoảng 10% đi vẫn đạt được khoảng 20%. Quan trọng hơn là mở rộng tư duy, xem xét mọi điều dưới nhiều góc độ để có thể xử lý các sự kiện bất ngờ, cũng như đạt hiệu quả đầu tư tốt", vị chuyên gia khuyến nghị.