Bán tháo, hơn trăm mã giảm sàn
Tốc độ thua lỗ đang gia tăng rất nhanh khi số lượng cổ phiếu giảm giá hôm nay rất nhiều, biên độ lại lớn. Đến cuối phiên chiều nay đã có tín hiệu bán tháo, khi số giảm sàn tăng vùn vụt. VN-Index bốc hơi tiếp gần 27 điểm nữa...
Tốc độ thua lỗ đang gia tăng rất nhanh khi số lượng cổ phiếu giảm giá hôm nay rất nhiều, biên độ lại lớn. Đến cuối phiên chiều nay đã có tín hiệu bán tháo, khi số giảm sàn tăng vùn vụt. VN-Index bốc hơi tiếp gần 27 điểm nữa.
Chỉ trong 3 phiên chỉ số giảm tới gần 68 điểm là chuỗi phiên giảm sốc nhất kể từ đầu tháng 12 năm ngoái. Trong 3 phiên vừa qua, VN-Index giảm 4,44%, chỉ thua kém 3 phiên đầu tiên của tháng 12/2021 với mức giảm 4,82%.
Điều gây mệt mỏi là thị trường không thực sự có sức ép nào nhìn thấy rõ mà thay vào đó là nỗi sợ hãi mơ hồ. Với hơn 400 cổ phiếu giảm giá, VN-Index xác nhận một phiên giảm toàn diện.
Thị trường chiều nay yếu hơn phiên sáng, chỉ số thấp hơn khoảng 7,2 điểm (cuối phiên sáng chỉ số mới giảm 19,53 điểm). Tuy nhiên mặt bằng giá cổ phiếu thì yếu hơn rất nhiều: Số giảm sàn từ 14 tăng lên 64 mã; 110 mã giảm trên 3%; 40 mã giảm trên 2%; 55 mã giảm trên 1%. Sàn HNX cũng ghi nhận 32 mã giảm sàn, tính thêm 3 mã ở UpCOM thì thị trường phiên này có trên trăm mã đóng cửa kịch sàn.
Đây vẫn chưa phải là phiên giao dịch tệ nhất, hôm 24/1/2022, VN-Index bốc hơi 33,18 điểm và hai sàn niêm yết ghi nhận 153 mã giảm hết biên độ. Hôm 17/1/2022 chỉ số giảm 43,18 điểm, hai sàn có tới 174 mã giảm hết biên độ. Dù so sánh đơn lẻ một phiên thì hôm nay chưa quá sốc, nhưng tính về chuỗi 3 phiên thì đây là nhịp giảm rất sốc vì nhà đầu tư đã phải chịu đựng liên tục nhiều ngày và biên độ giảm giá là rất mạnh.
VN30-Index vẫn là chỉ số giảm “nhẹ” nhất chỉ mất 1,12%, trong khi VN-Index giảm 1,8%, Midcap giảm 2,6%, Smallcap giảm 3,02%, HNX-Index giảm 2,55%, HNX30 giảm 2,95%... Rổ blue-chips này cũng có 7 mã giảm trên 3%, 5 mã giảm trên 2% và 7 mã giảm trên 1%. BVH giảm 5,51%, TPB giảm 5,35% và GVR giảm 5,31% là 3 cổ phiếu rơi sâu nhất. Khá may là trong số các mã giảm 2-3% chỉ có một vài trụ là BID, CTG, VHM, HPG.
Cả sàn HoSE phiên này có 67 mã đi ngược dòng, trong đó 6 mã kịch trần. Tuy nhiên chỉ có CMX, IDI là tăng trần với thanh khoản chấp nhận được. Một số mã khác thanh khoản lớn và giá vẫn mạnh là ASM giao dịch 157,1 tỷ đồng, giá tăng 3,67%; DPM giao dịch 319,5 tỷ, giá tăng 2,19%; MWG giao dịch 394,8 tỷ, giá tăng 1,8%; VIX giao dịch 113,7 tỷ, giá tăng 1,23%; FPT giao dịch 342,5 tỷ, giá tăng 1,2%.
Tuy nhiên số cổ phiếu đi ngược dòng chỉ là phần rất nhỏ của thị trường. Đại đa số cổ phiếu mất giá nghiêm trọng trong phiên và giảm thêm thảm trong 3 phiên vừa qua. Đây là áp lực rất lớn lên nhà đầu tư cầm cổ phiếu vì mức thua lỗ đã đến ngưỡng có thể phải xử lý.
Chiều nay thị trường cũng đã xuất hiện những nỗ lực phục hồi nhưng không thành công. Nửa đầu phiên chiều VN-Index hồi trở lại, mức giảm chỉ còn khoảng 6 điểm so với tham chiếu. Tuy nhiên đợt hồi này nhanh chóng bị nhấn chìm vì lực bán lại tăng lên, nhất là do không có cổ phiếu nâng đỡ chỉ số. VHM, GVR, BID, HPG, CTG là những blue-chips thất bại. Chỉ số đóng cửa tại ngưỡng thấp nhất phiên và rơi sát về đáy ngắn hạn.
Thanh khoản phiên chiều cũng chưa cho thấy có cầu bắt đáy rõ rệt. HoSE chỉ khớp thêm 8.887 tỷ đồng, bằng khoảng 79% so với phiên sáng. Tính chung hai sàn niêm yết, thanh khoản phiên chiều chưa tới 10 ngàn tỷ đồng, cũng giảm 28% so với phiên sáng.
Khối ngoại chiều nay lại giảm bán mà tăng mua. Mức ròng cuối phiên sáng tại HoSE ghi nhận -350,5 tỷ đồng, nhưng cuối phiên còn -273,5 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ E1VFMVN30, FUESVFL, FUEVFVND được mua ròng bất ngờ, tương ứng 59,3 tỷ, 52,7 tỷ và 38,2 tỷ đồng. NVL cũng được mua ròng tốt với 58,7 tỷ, VIC hơn 33 tỷ đồng.