11:33 17/06/2008

Chuyện lỗ, lãi ở Phố Wall

Kiều Oanh

Mới cách đây một năm, Phố Wall còn ghi nhận những thỏa thuận lớn kỷ lục, lợi nhuận kỷ lục, những khoản lương thưởng kỷ lục

Từ đầu năm 2004 đến giữa năm 2007 là thời kỳ thịnh vượng chưa từng có trong lịch sử Phố Wall.
Từ đầu năm 2004 đến giữa năm 2007 là thời kỳ thịnh vượng chưa từng có trong lịch sử Phố Wall.
Mới cách đây một năm, Phố Wall còn ghi nhận những thỏa thuận lớn kỷ lục, lợi nhuận kỷ lục, những khoản lương thưởng kỷ lục...

Nhưng chỉ 12 tháng sau, gần một nửa trong số lợi nhuận mà các ngân hàng lớn ở con phố tài chính này gặt hái trong thời kỳ phát đạt đó đã không còn nữa. Tình hình cứ mỗi lúc một xấu dần đi.

Cổ phiếu tài chính mất “ngôi vua”

Từ đầu năm 2004 đến giữa năm 2007 là thời kỳ thịnh vượng chưa từng có trong lịch sử Phố Wall. Trong thời gian này, 7 trong số những công ty tài chính lớn nhất của nước Mỹ đạt mức lợi nhuận tổng lên tới 254 tỷ USD.

Nhưng từ tháng 7 năm ngoái, vẫn những ngân hàng này - bao gồm Bank of America, Citigroup, JPMorgan Chase, Lehman Brothers, Merrill Lynch, Goldman Sachs và Morgan Stanley - đã chứng kiến cảnh giá trị tài sản mà họ nắm giữ co lại 107,2 tỷ USD, khiến lợi nhuận và giá cổ phiếu của họ cùng tụt dốc. Trên phạm vi toàn thế giới, khoản thâm hụt tài sản của ngành ngân hàng được dự báo lên tới 380 tỷ USD, phần nhiều trong đó có liên quan tới sự sụt giảm giá trị của những khoản đầu tư cho vay dưới chuẩn lắm rủi ro.

Giới quan sát dự báo, tuần này sẽ có thêm nhiều tin xấu cho Phố Wall, khi những ngân hàng lớn trong đó có Lehman Brothers “ốm yếu”, công bố kết quả kinh doanh quý gần nhất. Với con số thua lỗ leo thang, nhiều người đứng đầu các ngân hàng và các cổ đông có cùng một câu hỏi: Bao giờ thì tình hình mới tốt lên?

Nhưng có lẽ mọi chuyện còn lâu mới kết thúc. Thậm chí cả khi tình trạng thua lỗ không còn nữa, trong thời gian sau đó mức lợi nhuận sẽ thấp hơn nhiều và số lượng việc làm trong ngành ngân hàng Mỹ chắc chắn cũng sẽ ít đi.

Sự giám sát chặt chẽ hơn của các cơ quan chức năng sẽ khiến các ngân hàng ở Phố Wall phải giảm việc sử dụng vốn vay - nguồn lực đã giúp họ thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ khi mọi việc diễn ra suôn sẻ, nhưng lại phản tác dụng khi bóng đen khủng hoảng tài chính hiện ra từ mùa hè năm ngoái. Gần như mọi công ty tài chính Mỹ đều phải cắt giảm việc làm và chịu thua lỗ.

“Các ngân hàng đầu tư sẽ phải xây dựng một mô hình kinh doanh mới. Tôi không tin các ngân hàng này có khả năng thu được loại lợi nhuận như họ đã thu trong những năm gần đây mà không cần tới vốn vay”, ông Richard Bove - một nhà phân tích dịch vụ tài chính tại công ty Punk Zeigel - nhận đinh.

Những mối đe dọa đối với toàn bộ hệ thống tài chính đã giảm đi nhiều sau những nỗ lực to lớn của Chính phủ Mỹ trong việc “giải cứu” Bear Stearns khỏi sụp đổ hoàn toàn. Và Phố Wall có vẻ như luôn có khả năng để vượt qua bất kỳ thời kỳ suy giảm nào bằng những phương thức mới nhằm tìm kiếm đến những khoản lợi nhuận còn khổng lồ hơn. Những phương thức này có lẽ lúc này đã đang hình thành đâu đó quanh những bàn giao dịch trên con phố tài chính này.

Nhưng vào lúc này, các nhà đầu tư không hy vọng nhiều. Họ luôn bán tháo cổ phiếu của các ngân hàng cứ mỗi khi tin xấu xuất hiện, khiến thời gian gần đây, cổ phiếu tài chính không còn là những cổ phiếu hàng đầu tại thị trường chứng khoán Mỹ nữa. Tổng giá trị các cổ phiếu công nghệ đã vượt tổng giá trị các cổ phiếu tài chính. Trong khi đó, các cổ phiếu ngành năng lượng cũng đang theo sát nút.

Nhiều tháng qua, Lehman Brothers đã trấn an giới đầu tư rằng công việc quản trị rủi ro tại ngân hàng này đang diễn ra suôn sẻ. Nhưng mới tuần trước, Lehman đã gây ra một cú sốc lớn trên Phố Wall khi tiết lộ thông tin có thể ngân hàng này sẽ chịu khoản lỗ lên tới 2,8 tỷ USD trong quý 2. Hôm qua (16/2), theo số liệu công bố chính thức, khoản lỗ của ngân hàng này trong quý vừa qua đúng là 2,8 tỷ USD thật.

Theo lịch, Goldman Sachs sẽ công bố kết quả kinh doanh trong ngày hôm nay (17/3), tiếp đó là Morgan Stanley vào ngày (18/4). Bank of America, Citigroup, JPMorgan Chase và Merrill Lynch sẽ công bố kết quả vào tháng tới.

Khi lỗ nhiều hơn lãi

Dự báo, kết quả kinh doanh của Goldman Sachs và Morgan Stanley trong quý vừa qua sẽ tốt hơn Lehman. Hai ngân hàng này có lĩnh vực hoạt động đa dạng hơn nhiều so với Lehman vốn có truyền thống tập trung vào lĩnh vực kinh doanh trái phiếu. Đồng thời, bộ phận kinh doanh hàng hóa của Goldman và Morgan cũng có thể đã thu được những khoản lợi nhuận đáng kể từ giá dầu và lương thực tăng cao trong những tháng gần đây.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn mong muốn biết xem Goldman - ngân hàng năm ngoái lãi lớn trong khi nhiều đối thủ thua lỗ nặng nề - có tiếp tục vượt khó được trong năm nay.

Các ngân hàng thương mại như Citigroup và JPMorgan có thể tiếp tục phải dùng tới dự trữ của mình để trang trải cho những khoản thua lỗ trong lĩnh vực do vay tiêu dùng. Đáng chú ý, các ngân hàng càng thâm hụt tài sản nhiều, họ lại càng phải dùng nhiều đến khoản lợi nhuận kỷ lục mà họ kiếm được từ trước để bù đắp.

Chẳng hạn như Citigroup đã chịu khoản thâm hụt 37,3 tỷ USD trong lĩnh vực cho vay cầm cố và các hạng mục đầu tư tín dụng khác. Khoản này tương đương với đúng một nửa số lợi nhuận béo bở mà ngân hàng này thu về trong những năm phát triển bùng nổ gần đây.

Tuy có quy mô nhỏ hơn nhiều so với Citigroup nhưng Merrill Lynch đã thâm hụt tài sản 32,6 tỷ USD, tương đương với 153% lợi nhuận của ngân hàng này từ năm 2004 đến mùa hè năm ngoái. Khoản thâm hụt này đồng nghĩa với khoản thua lỗ 14 tỷ USD, tương đương với 2/3 lợi nhuận của Merrill trong vòng 3 năm rưỡi tính đến tháng 7 năm ngoái.

Thậm chí cả những ngân hàng thuộc loại ăn nên làm ra như JPMorgan Chase và Goldman Sachs cũng phải bù đắp những khoản lớn cho hạng mục cho vay của họ. Du có sức mạnh tài chính khổng lồ để mua lại Bear Stearns, JPMorgan Chase đã phải dùng tới 15% lợi nhuận gần đây do giá trị tài sản thâm hụt trong lĩnh vực cho vay cầm cố và tiêu dùng. Tại Goldman, tỷ lệ lợi nhuận để bù cho thâm hụt là 12%.

Lần công bố kết quả kinh doanh mới nhất này có thể sẽ nằm dưới sự giám sát đặc biệt của các ngân hàng chức năng vì các ngân hàng Phố Wall sẽ công bố mức vốn của họ theo tiêu chuẩn ngân hàng quốc tế mới mang tên Basel II. Theo các nhà quan sát, Merrill Lynch, Citigroup và UBS cũng sẽ chịu ản hưởng xấu do việc đánh tụt xếp hạng tín nhiệm gần đây đối với hai hãng tái bảo hiểm trái phiếu là MBIA và Ambac.

Một số nhà phân tích dự báo, các tổ chức môi giới độc lập như Lehman và Morgan Stanley sẽ phải hợp nhất với các ngân hàng thương mại nếu như Chính phủ Mỹ bắt đầu việc giám sát các ngân hàng này. Sự khó dự đoán về những quy định giám sát mới khiến các ngân hàng này càng khó lên kế hoạch cho tương lai.