14:50 11/01/2008

Chuyện một ông Tây mê rượu Việt Nam

Madeja Markus, người sáng lập và là chủ thương hiệu rượu Sơn Tinh nổi tiếng ở Hà Nội là một nhân vật khá đặc biệt

Markus nói ông đang hy vọng Sơn Tinh sẽ trở thành một món quà đặc trưng của Việt Nam cho du khách khi đến đây.
Markus nói ông đang hy vọng Sơn Tinh sẽ trở thành một món quà đặc trưng của Việt Nam cho du khách khi đến đây.
Madeja Markus, người sáng lập và là chủ thương hiệu rượu Sơn Tinh nổi tiếng ở Hà Nội là một nhân vật khá đặc biệt.

Từ một sinh viên ngành dân tộc học, ông đã đến Việt Nam và quyết định gắn bó lâu dài với mảnh đất đầy duyên nợ này…

Khám phá

Madeja Markus có tên Việt Nam là Sơn. Là một sinh viên ngành dân tộc học, Markus rất thích đi du lịch và khám phá những vùng đất mới. Năm 1993, ông sang Việt Nam du lịch, rong ruổi qua các nẻo đường xuyên Việt, lúc ở Nha Trang ba tháng, khi ở Sài Gòn ba tháng, lúc khác lại lang thang ở các vùng cao Tây Bắc.

Sau chuyến du lịch đầu tiên, ông đã quyết định quay trở lại Việt Nam nhiều hơn. Để có tiền trang trải chi phí trong những chuyến ở lại Việt Nam dài ngày, ông nhận lời làm nhiều công việc khác nhau như hướng dẫn viên du lịch cho các tour quốc tế, hợp tác với công ty du lịch Việt Nam mở tour cho du khách Thụy Sỹ, châu Âu tới Việt Nam... Ngoài ra, ông còn nhận lời làm cố vấn cho một số tổ chức quốc tế trong các chương trình phát triển nông thôn Việt Nam như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường...

Một tình yêu với nông sản Việt Nam

Đi nhiều, Markus nhận thấy nông sản của Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng nhưng người nông dân lại chưa biết phải làm gì để đem lại cho nó giá trị kinh tế cao hơn. Ông từng chứng kiến cảnh một gia đình nông dân có vườn xoài trĩu quả, đến khi thu hoạch bán 500 đồng/ki lô gam mà vẫn không có người mua. Vườn xoài chín rụng bỏ đi rất phí. Họ cũng không biết cách chế biến những quả xoài đó thành xoài khô hay ép lấy nước làm thức uống giải khát...

Và ông đã quyết định tìm cách giúp đỡ những nông dân này sơ chế, chế biến nông sản thành hàng hóa mang giá trị kinh tế cao.

Vốn sinh ra và lớn lên ở vùng Thụy Sỹ giáp phía Nam nước Đức, một vùng trồng rất nhiều hoa quả, Markus có khá nhiều kinh nghiệm về việc xử lý các loại hoa quả. Người nông dân ở đây khi đến mùa thu hoạch, ngoài việc bán hoa quả tươi, một phần họ đem ngâm ủ làm nước hoa quả, hoặc chưng cất thành rượu hoa quả. Học cách làm này của người nông dân Thụy Sỹ, cộng với sự giúp đỡ của một nhà sản xuất rượu, ông quyết tâm làm rượu từ những nông sản dồi dào và phong phú của vùng quê Việt Nam.

Thương hiệu rượu của Việt Nam

Ban đầu, ông tự thu mua những loại quả đặc trưng của vùng Tây Bắc Việt Nam như táo mèo, mơ, mận, chanh leo... của người dân tộc, đem về Hà Nội tự ngâm, ủ, pha trộn các loại nước hoa quả ấy với nhau theo một công thức. Cuối cùng ông cũng thành công.

Bây giờ ông đã có thể làm ra ba loại rượu mang tên Sơn Tinh là rượu hoa quả (chiết xuất từ các loại quả), rượu thảo mộc (làm từ các vị thuốc Bắc Việt Nam) và rượu trắng làm từ gạo nếp cái hoa vàng (một đặc sản của vùng đồng bằng Bắc bộ).

Markus tự hào rằng toàn bộ các loại rượu do ông chế biến đều theo phương pháp thủ công, lên men theo kiểu truyền thống của Thụy Sỹ và Việt Nam. Ông đã học cách nấu rượu và ủ men của làng nghề truyền thống Phú Lộc (Hải Dương), trong quy trình sản xuất không pha trộn bất kỳ chất phụ gia nào.

Nói về việc chọn cách làm rượu theo phương pháp truyền thống, Markus nói rằng không phải cái gì cũ cũng dở, cái mới nào cũng hay, cũng tốt. Nếu cái cũ có giá trị, chúng ta vẫn cần tôn trọng và kế thừa, gìn giữ và phát huy.

Đây là giá trị mà các nước phát triển đang muốn tìm lại, trong khi các nước đang phát triển như Việt Nam không ít người lại phủ nhận, coi thường truyền thống để du nhập cái mới. Vì thế hiện không ít người Việt Nam có tâm lý sính hàng ngoại, cứ ngoại thì tốt, hàng Việt Nam là không tốt. Theo Markus, đây là “một điều đáng tiếc với người Việt Nam”.

Markus nói ông đang hy vọng Sơn Tinh sẽ trở thành một món quà đặc trưng của Việt Nam cho du khách khi đến đây. Thừa nhận mong muốn đó có vẻ quá tham vọng, nhưng ông cho rằng rượu là thức uống mà người nước ngoài rất thích tặng nhau, do đó ông sẽ có cơ hội.

Rượu cần của người dân tộc có thể coi là một đặc sản nhưng lại chưa thể mang đi xa, không giữ được lâu. Vì thế, ông muốn có một loại rượu riêng của Việt Nam, như Sake của người Nhật.

Giữa năm 2006, Markus chính thức sản xuất rượu Sơn Tinh tại nhà máy rộng hơn 4.200 mét vuông đóng tại khu công nghiệp Gia Lâm. Hiện nay công suất của nhà máy chỉ đạt vài ngàn lít/năm, không đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường. Chính vì vậy, từ năm 2008, Markus sẽ mở rộng sản xuất để có thể cung cấp ra thị trường khoảng 50.000 lít rượu thành phẩm/năm.

Kế hoạch lớn nhất mà Markus đang theo đuổi là việc hình thành các vùng nguyên liệu do mình đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ, giống má... để có những vùng nguyên liệu có chất lượng ổn định hơn. Điều này sẽ giúp Markus đảm bảo chất lượng sản phẩm, so với hiện nay ông chủ yếu thu mua nguyên liệu của từng hộ dân.