06:05 10/06/2013

Chuyện toilet “dát vàng” và ngân hàng khó tiêu tiền

Minh Đức

Các ngân hàng đau đầu vì ứ vốn, trong khi có chuyện một nhà vệ sinh nhỏ xíu được đầu tư gần 600 triệu đồng

Nhà vệ sinh chỉ hơn 29 m2 tại Trường THCS Long Hiệp nhưng có tổng số vốn đầu tư lên tới gần 600 triệu đồng - Ảnh: Tuổi Trẻ.<br>
Nhà vệ sinh chỉ hơn 29 m2 tại Trường THCS Long Hiệp nhưng có tổng số vốn đầu tư lên tới gần 600 triệu đồng - Ảnh: Tuổi Trẻ.<br>
Tuần rồi, dư luận xôn xao về câu chuyện một nhà vệ sinh chỉ hơn 29 m2 tại Trường THCS Long Hiệp (huyện Minh Long, Quảng Ngãi) có tổng số vốn đầu tư gần 600 triệu đồng.

“Nó có dát vàng hay không?” là câu hỏi điển hình cho góc nhìn chung trên các diễn đàn về mức độ và hiệu quả đầu tư công trình.

Hẳn sẽ còn nhiều thông tin mở rộng trước khi câu chuyện có kết luận và khép lại. Còn lúc này, thử liên hệ khập khiễng rằng, nếu các ngân hàng cũng được giải ngân kiểu “nhà vệ sinh 600 triệu đồng” thì chắc chắn tín dụng sẽ bùng nổ chứ không chật vật như vừa qua.

Xoay xở với dư tiền

Hệ thống ngân hàng đang dư tiền. Họ đau đầu vì khó tiêu. Suốt thời gian qua, nhìn lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng chấp chới dưới 1%/năm, hay các kỳ hạn ngắn cỡ vài phần trăm, đủ thấy sự bức bách. “Thà cho nó chuyển động có chút lãi còn hơn để vốn ì ra vậy”, lãnh đạo một ngân hàng thương mại nói với VnEconomy.

Ngân hàng đang dư vốn kiểu gì và như thế nào? Hiện không có con số chính xác và cụ thể, bởi đồng vốn luôn luân chuyển, nay rảnh, mai không. Gần đây nguồn tin có thẩm quyền đề cập đến mức độ lượng tiền dư thừa trong nền kinh tế cỡ khoảng 20.000 - 25.000 tỷ đồng mỗi ngày.

Khi không có con số cụ thể thì có thể thử lường định ở những dòng chảy.

Trong năm 2012 và quý 1/2013, Ngân hàng Nhà nước mua vào lượng ngoại tệ lớn. Hiện cũng không có con số cụ thể và chính thức về lượng tiền đồng đưa ra tương ứng, nhưng chắc chắn là rất lớn bởi dự trữ ngoại hối liên tục tăng nhanh. Tất nhiên, nhà điều hành đã và đang sử dụng các công cụ để trung hòa lượng tiền đồng đó.

Cho đến nay, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cách hút tiền nhanh và mạnh, đã và nhiều khả năng sẽ không thực hiện. Nhưng liên tiếp trong năm 2012 và đến cuối tháng 3/2013, Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu hút tiền về. Từ 28/3 đến nay, một “công cụ” khác nữa là qua đấu thầu vàng; ước tính đến cuối tuần qua đã hút về khoảng trên dưới 30.000 tỷ đồng.

Sau khi tạm lui từ khi mở đấu thầu vàng, gần đây tín phiếu đã trở lại khá mạnh, như theo dữ liệu của một tổ chức đầu tư, chỉ riêng hai tuần cuối tháng 5 đã hút về khoảng 20.000 tỷ đồng.

Chuyện toilet “dát vàng” và ngân hàng khó tiêu tiền 1Tính riêng huy động VND, đến cuối tháng 5 đã tăng rất mạnh với 7,55%; một mặt điều này cho thấy niềm tin vào VND vẫn được khẳng định, nhưng mặt khác cũng phần nào phản ánh sự bí bách trong các kênh đầu tư khác, hay trong sản xuất kinh doanh, tiêu dùng…

Những con số ước tính trên là lực hút lớn. So sánh là khập khiễng, nhất là về bối cảnh và thời điểm, nhưng có thể tham khảo lại sự kiện hồi tháng 3/2008, Ngân hàng Nhà nước chỉ hút về 20.300 tỷ đồng qua tín phiếu bắt buộc cũng đã khiến thị trường chứng khoán rung động vì lo ngại. Còn nay, trước những lực hút lớn, vốn của hệ thống ngân hàng vẫn được phản ánh là dư (dù không rõ mức độ ở các con số cụ thể).

Hay nhìn ở diễn biến huy động vốn của hệ thống, dòng tiền đang chảy mạnh vào ngân hàng. Tính đến ngày 23/4/2013, huy động vốn hệ thống tăng 5,34% so với cuối năm 2012, cao gấp 1,5 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2012 và gấp 6 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2011.

Theo ghi nhận của VnEconomy, có một điểm được lưu ý trong so sánh này là vai trò của vốn vàng.

Những kỳ so sánh trước, vốn huy động của hệ thống được tính cả vàng quy đổi. Nay nó được đưa ra ngoại bảng. Gần đây, quy mô vốn vàng mà các nhà băng huy động được cập nhật ở gần 100 tấn, ứng với khoảng trên dưới 110.000 tỷ đồng. Vốn huy động hiện nay không những bù vào khoảng trống của vốn vàng để lại mà còn tăng trưởng mạnh trên gốc cũ (còn tính cả vàng).

Từ đây để thấy rõ hơn mức độ dòng chảy của vốn nhàn rỗi vào ngân hàng, một cơ sở tạo nên dư thừa. Tính riêng huy động VND, đến cuối tháng 5 đã tăng rất mạnh với 7,55%; một mặt điều này cho thấy niềm tin vào VND vẫn được khẳng định, nhưng mặt khác cũng phần nào phản ánh sự bí bách trong các kênh đầu tư khác, hay trong sản xuất kinh doanh, tiêu dùng…

Tránh “béo phì” và dấu hỏi đầu tư công

Nguồn vốn nói chung dồi dào, nhưng đầu ra tín dụng có nhiều trở ngại và chưa thể đẩy mạnh. Các nhà băng phải tìm cách tiêu vốn, tránh béo phì mà có thể ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.

Bên cạnh tín dụng, một bộ phận các ngân hàng đã và đang dùng vốn vào kênh vàng và ngoại tệ. Đó là nguồn để tham gia đấu thầu vàng, mua ngoại tệ để nâng trạng thái, một lượng tiền đồng phải trang trải là đáng kể.

Nhưng, một dòng vốn lớn khác lại đang trở về. Như ước tính của một tổ chức đầu tư, riêng kênh trái phiếu có khoảng 12,3 nghìn tỷ đồng đáo hạn trong tháng này, hay hai tuần cuối tháng 5 đã có tới khoảng 69,4 nghìn tỷ đồng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đến kỳ đáo hạn… Trong đó, công cụ điều tiết là tín phiếu có kỳ hạn ngắn, nên vốn quay về khá nhanh.

Có lẽ Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn tiếp tục phát hành tín phiếu để tránh “béo phì” vốn trong hệ thống. Nhưng hẳn việc sử dụng cũng phải cân nhắc kỹ, bởi quy mô và tần suất của tín phiếu luôn gắn với áp lực chi phí, lãi suất phải trả.

Hướng tháo gỡ chủ yếu hiện nay là thúc đẩy được tăng trưởng tín dụng hợp lý hơn. Vài tháng gần đây kênh đầu ra này cũng đã bắt đầu có chuyển biến. Từ nay đến cuối năm, như thông tin lạc quan từ Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đã có những tín hiệu để đảm bảo cả năm tín dụng tăng được 12%.

Chuyện toilet “dát vàng” và ngân hàng khó tiêu tiền 2Câu chuyện “nhà vệ sinh 600 triệu đồng” là một sự ám ảnh. Liệu nó có đại diện cho một bộ phận dòng vốn, một cách làm nào đó, hay chỉ là trường hợp cá biệt?

Và còn có một kênh khác nữa. Từ đầu năm đến nay trái phiếu là một kênh cứu cánh. Tính đến cuối tháng 5, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã huy động được 4.730 tỷ đồng; Kho bạc Nhà nước đã huy động được 84.524 tỷ đồng; Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động được 22.822 tỷ đồng; trong khi Hà Nội cũng đang kỳ vọng thành công ở gói 5.000 tỷ đồng trái phiếu xây dựng Thủ đô… Vị chi là hơn 112.000 tỷ đồng, một sức “bao tiêu” lớn trong gần nửa đầu năm.

Thời gian tới dự kiến trái phiếu sẽ tiếp tục là một cánh cửa, có thể mở rộng hơn nữa để giải phóng lượng lớn nguồn vốn của các ngân hàng thương mại. Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Chính phủ cũng đặt vấn đề báo cáo việc xem xét mở rộng phát hành trái phiếu để đầu tư.

Tăng nguồn trái phiếu để thúc đẩy đầu tư công, góp phần kích cầu, kích thích các hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn trong hệ thống ngân hàng sẽ có thêm cơ sở để vận động nhiều hơn, để tránh “béo phì”.

Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư công quan trọng hơn là số lượng hay quy mô. Bởi như trên, câu chuyện “nhà vệ sinh 600 triệu đồng” là một sự ám ảnh. Liệu nó có đại diện cho một bộ phận dòng vốn, một cách làm nào đó, hay chỉ là trường hợp cá biệt?

Thông tin cập nhật cho hay, lại có thêm hơn một nhà vệ sinh nhỏ xíu nhưng đầu tư khủng như vậy. Nếu có nhiều công trình hay dự án kiểu đó, thì có thể xem đây là một dạng tín dụng bung vốn, vừa góp phần gây lạm phát, vừa có thể tạo lợi ích riêng.