Cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư cần linh hoạt hơn để dự án PPP tăng tính hấp dẫn
Dù Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) 2020 đã quy định rõ về cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư nhưng để dự án PPP hấp dẫn hơn, cơ chế này cần phải linh hoạt, phù hợp với từng dự án…
Tại Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư theo phướng thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam” mới đây, các đại biểu đều cho rằng đầu tư theo phương thức PPP sẽ giúp Việt Nam phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội một cách hiệu quả và nhanh chóng.
TRIỂN KHAI DỰ ÁN CÒN NHIỀU VƯỚNG MẮC
Theo ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, hiện nay ở Việt Nam, nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021 - 2025 khoảng 32 - 34% GDP. Tuy nhiên, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm chỉ chiếm khoảng 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 2,9 triệu tỷ đồng).
“Như vậy, vốn đầu tư công không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu vốn cho đầu tư kinh tế - xã hội; việc huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt là nguồn lực khu vực tư đóng vai trò hết sức quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”, ông An nói.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trước khi Luật PPP 2020 được ban hành, đã có 336 dự án PPP được ký kết hợp đồng (chủ yếu là BOT và BT) với tổng vốn huy động khoảng 1,609 triệu tỷ đồng. Trong đó, các dự án trong lĩnh vực giao thông vận tải chiếm tỷ lệ 66%, tiếp đến là cơ sở hạ tầng kỹ thuật (10%), xây dựng văn phòng làm việc, trung tâm hành chính (6%), năng lượng (5%) và cấp nước, thoát nước (5%)…
Tuy nhiên, kể từ khi Luật PPP 2020 có hiệu lực thi hành cho đến hết năm 2022, chỉ có 10 dự án mới được phê duyệt và 14 dự án đang được triển khai các bước chuẩn bị đầu tư theo quy định của Luật PPP.
Đánh giá về số lượng dự án PPP được triển khai trong thời gian qua, ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết giai đoạn 2010 - 2014 có số lượng dự án PPP được ký kết nhiều nhất, trong đó tập trung chủ yếu vào loại hình BOT và BT trong lĩnh vực giao thông. Giai đoạn 2015 - 2020 chủ yếu tiếp tục đàm phán một vài dự án BOT điện có vướng mắc trong giai đoạn trước và xử lý các vướng mắc của các dự án PPP đã ký hợp đồng.
“Song từ năm 2021 đến nay, đa phần đều là các dự án được chuyển tiếp từ giai đoạn trước và đã ký; các dự án được ký kết hợp đồng PPP còn khiêm tốn”, ông Đức nói.
Dù số lượng dự án được triển khai theo PPP còn khá ít song theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, các dự án PPP mới đều là các dự án trọng điểm, quy mô lớn của quốc gia, địa phương với tổng mức đầu tư lên khoảng 235.000 tỷ đồng. Thông qua các dự án này, dự kiến huy động được gần 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư tư nhân cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
“Điều đáng nói, các dự án này khi hoàn thành dự kiến sẽ hình thành gần 700 km đường cao tốc, 02 cảng hàng không quốc tế, góp phần nâng cao cơ sở hạ tầng của quốc gia và một số địa phương”, ông An nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư còn gặp nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Đó là lĩnh vực đầu tư PPP mới chỉ tập trung trong lĩnh vực giao thông, nguồn vốn ngân sách chưa thực sự phát huy được vai trò dẫn dắt và một số chính sách mới như cơ chế chia sẻ rủi ro được quy định tại Luật chưa đạt được nhận thức và thực hiện thống nhất giữa nhà đầu tư, cơ quan nhà nước và các đối tượng liên quan.
CỞI BỎ NÚT THẮT, THÚC ĐẨY DỰ ÁN PPP
Chia sẻ về lý do các dự án PPP tập trung trong lĩnh vực giao thông, bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết giống như các quốc gia đi trước, dự án PPP ban đầu thường tập trung trong lĩnh vực hạ tầng kinh tế hơn là lĩnh vực hạ tầng xã hội do tính chất công trình đỡ phức tạp hơn so với công trình xã hội.
"Trong bối cảnh các loại hình tài sản cơ sở hạ tầng trên toàn cầu đã mở rộng từ các lĩnh vực cốt lõi như dự án PPP dịch vụ công, dự án giao thông đến những lĩnh vực mới như cơ sở hạ tầng kỹ thuật số… thì Chính phủ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thu hút đầu tư thông qua xây dựng môi trường thuận lợi, phân bổ và chia sẻ rủi ro hợp lý, thẩm định và đánh giá dự án minh bạch…".
“Tuy nhiên, theo thời gian, các dự án PPP sẽ được áp dụng sang cả những lĩnh vực khác như y tế, giáo dục… khi cả khu vực công và khu vực tư có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc triển khai dự án PPP”, bà Lê nói.
Song vấn đề mấu chốt, để dự án PPP có thể triển khai, đó là cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư tư nhân cần linh hoạt hơn để phù hợp với từng lĩnh vực và từng dự án đầu tư.
Điều 82 Luật PPP hiện nay có quy định, khi doanh thu tăng, nhà đầu tư phải chia sẻ với nhà nước; nhưng khi doanh thu giảm, nhà nước chỉ chia sẻ với các điều kiện ràng buộc như (1) quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm giảm doanh thu; (2) đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công… nhưng chưa bảo đảm mức doanh thu tối thiểu là 75%; (3) được kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán phần giảm doanh thu…
“Để chứng minh được các điều kiện này cần rất nhiều thời gian trong khi việc chia sẻ rủi ro cần được thực hiện ngay để đảm bảo các phương án tài chính. Do đó, được vạ thì má đã sưng”, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Đường cao tốc Việt Nam, Bộ Giao thông nêu quan điểm.
Cùng quan điểm, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Chuyên gia tư vấn ADB, Đại học Fulbright Việt Nam cũng cho rằng doanh nghiệp đầu tư vào dự án PPP đang chịu nhiều rủi ro về pháp lý. “Thời điểm hiện nay, có thể nói tư nhân rất ngại đầu tư, ngân hàng rất ngại xuống tiền và quan chức rất ngại ký. Nếu muốn thúc đẩy PPP, cần chia sẻ những rủi ro có thể xuất hiện", ông Nghĩa nói. Do đó, chuyên gia ADB cho rằng nhà nước phải hiểu doanh nghiệp và chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp.
Cụ thể, bà Vũ Quỳnh Lê cho rằng hợp đồng PPP về bản chất là hợp đồng dài hạn nên chứa đựng rủi ro. “Dù mỗi bên có những năng lực và động lực khác nhau nhưng chung mục đích lớn là duy trì sự ổn định và chất lượng dịch vụ công. Một yếu tố quan trọng trong quan hệ đối tác là các bên cùng nỗ lực hành động một cách đáng tin cậy và có trách nhiệm trước những diễn biến chưa lường trước được.”, bà Lê cho biết.