02:42 19/05/2008

Cơ chế lãi suất mới: “Không kìm hãm tính thị trường”

Minh Đức

Nội dung trao đổi với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu xoay quanh cơ chế lãi suất mới

"Sẽ không có tình trạng chạy đua lãi suất đầu ra, không bao giờ" - Ảnh: M.Đ
"Sẽ không có tình trạng chạy đua lãi suất đầu ra, không bao giờ" - Ảnh: M.Đ
Nội dung trao đổi với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu xoay quanh cơ chế lãi suất mới.

>>Bỏ trần, ấn định lãi suất tối đa 18%/năm / Tán đồng với cơ chế mới, lãi suất bắt đầu tăng / Lãi suất huy động VND: Đâu sẽ là đỉnh thực tế?

Từ ngày 19/5, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu áp dụng cơ chế điều hành lãi suất mới. Lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Cùng thời điểm, lãi suất cơ bản được tăng lên 12%/năm.

Thống đốc nhận định thế nào về cơ chế lãi suất này và tại sao lãi suất cơ bản lại tăng lên 12%/năm?

Cơ chế lãi suất mới chúng ta phải thực hiện phù hợp với hai bộ luật là Luật Ngân hàng Nhà nước và một số điều của Bộ luật Dân sự.

Trước đây lãi suất cơ bản mang tính chất định hướng và tham khảo. Còn nay, theo cơ chế mới, lãi suất cơ bản là cơ sở để các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh theo luật định.

Hiện nay, trên cơ sở tính toán, dựa vào lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, dựa vào lãi suất nghiệp vụ thị trường mở, dựa vào bình quân hoạt động huy động vốn của các tổ chức tín dụng để hình thành ra mức lãi suất này.

Đó là dựa vào diễn biến của thị trường. Phần quản lý tác động vào theo mục tiêu của chính sách nhưng không kìm hãm tự do của kinh tế thị trường. Sự tham gia của quản lý nhà nước sẽ phù hợp theo từng thời điểm nhưng không làm mất đi tính phát triển của cung cầu vốn của thị trường.

Mức lãi suất cơ bản tăng lên 12% là cũng bám sát theo thị trường, trên cơ sở lãi suất nghiệp vụ thị trường mở hiện thấp nhất là 12%, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng hiện thấp nhất là 11%.

Trong cơ chế điều hành lãi suất mới, cụ thể là khi xác định lãi suất cơ bản, Ngân hàng Nhà nước có tính tới nguyên tắc lãi suất thực dương không?

Trong vấn đề này, tư tưởng là theo thị trường; tư tưởng đó là tiến tới thực dương. Điều này sẽ có một quá trình.

Chỉ số giá và lãi suất luôn có một sự tương tác. Chúng ta phải có dự báo, tính toán để có chính sách phù hợp với điều kiện thị trường và kỳ vọng của người dân.

Sắp tới, Quốc hội sẽ có quyết định về việc điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế và đi kèm theo đó, Chính phủ cũng sẽ có những chính sách kinh tế vĩ mô để thực hiện. Đây cũng sẽ là cơ sở để chúng ta tính toán lãi suất một cách hợp lý nhất.

Liệu với cơ chế mới, lãi suất của các ngân hàng thương mại có biến động mạnh không, sẽ có những trường hợp tăng đột biến không, thưa Thống đốc?

Trong cuộc họp sáng nay (17/5 - PV), tôi có nói với các lãnh đạo ngân hàng rằng các anh phải hỗ trợ, tương trợ lẫn nhau bởi hoạt động ngân hàng mang tính hệ thống rất cao, sự hỗ trợ đó là rất cần thiết.

Trong thời gian tới, trường hợp anh tăng lãi suất huy động đầu vào cao mà Ngân hàng Nhà nước thấy mức lãi suất đó dẫn tới mất an toàn của anh thì Ngân hàng Nhà nước sẽ vào cuộc và có xử lý thích hợp.

Hơn nữa, tôi nghĩ các tổ chức tín dụng cũng không bao giờ làm điều đó vì sẽ không khó khăn để khách hàng nhận ra những bất cập và điều này không có lợi cho các ngân hàng đó.

Còn về việc đảm bảo lãi suất cho vay, từ ngày 19/5, tất cả các hợp đồng tín dụng mà đã ghi trên hợp đồng có lãi suất vượt quá 18% là vi phạm pháp luật và bị xử lý theo pháp luật thôi. Sẽ không có tình trạng chạy đua lãi suất đầu ra, không bao giờ.

Thống đốc có thể cho biết tình hình thanh khoản của hệ thống hiện nay như thế nào?

Về vấn đề thanh khoản, tôi xin báo cáo luôn. Ngân hàng Trung ương bao giờ cũng nắm được tính thanh khoản của hệ thống tín dụng. Ví dụ ngày hôm qua (16/5 - PV) là còn thừa 22 ngàn tỷ.

Chúng tôi lúc nào cũng xem là khi nào còn 3 – 5 ngàn tỷ đồng, tức là thừa 3 – 5 ngàn tỷ, là chúng tôi phân vùng lại; trường hợp cần thiết sẽ bơm tiền vào. Nhưng mà hiện nay có thông tin một số ngân hàng thiếu cục bộ đi vay một ngày hai ngày, nói chung là kinh tế thị trường. Chúng tôi xem lại anh có khó khăn một hai ngày thật không. Nhưng theo báo cáo của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội tối hôm qua (16/5 - PV) thì không thấy có vấn đề gì. Còn thanh khoản chung thì Ngân hàng Trung ương sẽ thấy được bức tranh hàng ngày.

Xin hỏi Thống đốc một vấn đề khác. Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) vừa có kiến nghị cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần ngân hàng Việt Nam với tỷ lệ dưới 5% vốn điều lệ thì không cần phải xin phép. Ý kiến của Ngân hàng Nhà nước như thế nào về kiến nghị này?

Đề xuất đó phải nghiên cứu, mà cái này không phải Ngân hàng Nhà nước không thôi, còn các bộ ngành khác nữa. Chúng tôi cũng phải nghiên cứu kỹ để báo cáo lên Chính phủ cụ thể.