16:45 02/05/2008

Có chính sách đủ mạnh, chứng khoán thêm lực mới

Minh Đức

Có nhiều cơ sở để nhà đầu tư hy vọng khi Bộ Tài chính triển khai loạt chính sách mới

Những chính sách mới được triển khai, dự báo thị trường sẽ sôi động trở lại.
Những chính sách mới được triển khai, dự báo thị trường sẽ sôi động trở lại.
Trong tháng 5 này, một loạt chính sách liên quan đến mục tiêu ổn định và phát triển thị trường chứng khoán sẽ được Bộ Tài chính chỉ đạo xây dựng. Có nhiều cơ sở để nhà đầu tư hy vọng...

Từ đầu năm 2008, thị trường chứng khoán liên tục suy giảm mạnh, giới đầu tư lần l­ợt đón nhận những giải pháp hỗ trợ như lùi thời điểm đánh thuế thu nhập từ chứng khoán, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thực hiện mua vào, biên độ tại hai thị trường Hà Nội và Tp.HCM bị thu hẹp…

Điểm chung của những chính sách này là mang tính tình thế và chỉ trong ngắn hạn. Kết quả, thị trường vẫn ở hướng giảm sâu.

Dài hạn thay cho ngắn hạn


Tình hình có thể sẽ khác, khi cuối tháng 4 này, Bộ Tài chính đã có cuộc họp quan trọng và toàn diện liên quan đến kế hoạch tổng thể ổn định thị trường chứng khoán những tháng còn lại của năm 2008.

Và ngày 28/4, một quyết định chính thức được ban hành, chốt lại nội dung chương trình hành động của Bộ. Bước đầu, những nội dung này hé mở khả năng đem lại sinh lực mới cho thị trường, bởi xuất phát từ yêu cầu của thực tế và mang tính định hướng dài hạn.

Trong quyết định trên, những nội dung chính mà chương trình hành động của Bộ Tài chính tập trung đối với thị trường chứng khoán là chính sách quản lý đối với hoạt động phát hành của doanh nghiệp, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường, cơ chế phòng ngừa những rủi ro, khủng hoảng có thể xẩy ra, phát triển thị trường chứng khoán có tổ chức và hạn chế rủi ro của thị trường tự do…

Có thể thấy đây là những nội dung xuất phát từ những yêu cầu của thực tế, theo định hướng phát triển của thị trường, khác với những giải pháp mang tính tình thế trước sức ép của bối cảnh trong thời gian qua.

Cụ thể, Bộ Tài chính yêu cầu các đầu mối liên quan thực thi các giải pháp phát triển thị trường có tổ chức và thị trường tự do, nghiên cứu ban hành quy định về phát hành chứng khoán riêng lẻ, nghiên cứu để sửa đổi các quy định theo hướng nâng cao tiêu chuẩn đối với phát hành chào bán chứng khoán, cấp phép thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, sửa đổi hoặc bổ sung các quy định liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường như quy chế thành lập và hoạt động công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài, các biện pháp kiểm soát dòng vốn đầu tư nước ngoài, đổi mới cơ chế quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác, cơ chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam.

Bộ cũng lên kế hoạch kiểm tra, giám sát chặt chẽ và đánh giá hiệu quả hoạt động tài chính của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty và doanh nghiệp Nhà nước để kịp thời phát hiẹn và chấn chỉnh những hạn chế còn tồn tại…

Đó là những nền tảng cơ bản gắn với việc tạo lập và phát triển thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Ngoài ra, chương trình hành động của Bộ Tài chính cũng tập trung mũi nhọn vào mục tiêu kiềm chế lạm phát, một nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu đối với đà suy giảm của thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay, như: thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên đối với các bộ, cơ quan Trung ương và ngân sách địa phương, tổng hợp kết quả và danh mục các dự án cắt giảm, đình hoãn hoặc giãn tiến độ, tổ chức thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia, đảm bảo lực lượng dự trữ ứng phó với những tình huống khó khăn xẩy ra…

Có thể mở “room”, kiểm soát chặt nguồn cung


Trong những nội dung trên, có hai vấn đề được giới đầu tư đặc biệt quan tâm và chờ đợi trong suốt thời gian qua: mở “room” (tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài) tại doanh nghiệp Việt Nam và hạn chế tình trạng phát hành ồ ạt gây bội thực nguồn cung trên thị trường.

Nhìn theo hai vấn đề trên, nhiều khả năng những nội dung mà chương trình hành động mà Bộ Tài chính đề ra sẽ tạo một lực đẩy mới, hỗ trợ thị trường b­ớc qua kỳ suy giảm. Đây cũng là tính chất bản lề của tháng 5 này, khi Bộ đặt ra yêu cầu hoàn thiện hai vấn đề mấu chốt đó trong tháng.

Cụ thể, trong tháng 5, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ phải báo cáo Bộ để sửa đổi những quy định liên quan theo hướng nâng cao tiêu chuẩn đối với hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán của doanh nghiệp. Đi cùng với việc nâng cao tiêu chuẩn là việc kiểm soát chặt hơn tình trạng vi phạm, vốn xẩy ra khá nhiều trong thời gian qua.

Việc nâng tiêu chuẩn và giám sát chặt hơn là những hành động cần thiết để hạn chế tình trạng phát hành ồ ạt, bội thực cung dẫn đến sự pha loãng giá trị chứng khoán và sự suy giảm của thị trường từ cuối năm 2007 đến nay. Đây cũng là biện pháp gián tiếp định hướng tạo nguồn hàng chất lượng cho thị trường.

Điểm mà nhà đầu tư mong đợi là khả năng mở “room”. Nhiều khả năng sự mong đợi đó sẽ sớm có kết quả, khi Bộ Tài chính chính thức yêu cầu Cục Tài chính Doanh nghiệp và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước làm đầu mối xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung nội dung về quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có quy định về tỷ lệ sở hữu của khối này đối với doanh nghiệp niêm yết.

Cũng liên quan đến sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, cơ chế giám sát nguồn vốn đầu tư gián tiếp cũng chính thức được đưa vào lộ trình xây dựng. Với quan điểm của nhiều nhà đầu tư, đây là một vấn đề nhạy cảm, có thể tạo nên sự quan ngại và dẫn đến khả năng dòng vốn đảo chiều.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, đó là kế hoạch cần thiết. “Việt Nam sẽ kiểm soát những dòng vốn đó. Sẽ có những lo ngại nhất định về khả năng rút ra. Chúng ta phải nhấn mạnh ngược lại, khuyến khích các dòng vốn có lợi và đảm bảo quản lý phù hợp. Trên thế giới có những mô hình khác nhau, Việt Nam cần xác định một mô hình phù hợp với mình. Và may mắn là hiện dòng vốn vào Việt Nam không phải những dòng ngắn hạn, đầu cơ, bất lợi”, ông Dominic nói.

Trong câu chuyện bên lề với phóng viên, chuyên gia Huỳnh Thế Du, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Tp.HCM, cho rằng nhà quản lý có thể lên tiếng “đánh động” trước về cơ chế giám sát, những nguồn vốn đầu cơ ngắn hạn có thể sẽ rút dần và sau đó chính thức áp dụng các cơ chế để tránh gây “sốc” đối với thị trường.

Dự kiến những thông tin cụ thể về những nội dung mà Bộ Tài chính đã lên kế hoạch triển khai trong tháng 5 này, sẽ lần lượt được công bố trong thời gian tới để sớm tạo một nguồn lực đủ mạnh, góp phần hỗ trợ thị trường tạo một bước chuyển mới và phát triển bền vững.