14:04 16/02/2015

“Cô gái Việt ấy đã đưa chúng tôi đến Việt Nam”

Hải Vân

Suzuka Hideo nhớ về ấn tượng ban đầu khiến doanh nghiệp của ông quyết định tìm hiểu và đầu tư vào Việt Nam

Ông Suzuka Hideo, quản lý công ty Muto Management Accompany Vietnam (MMAV).
Ông Suzuka Hideo, quản lý công ty Muto Management Accompany Vietnam (MMAV).
“Cách đây 4 năm, chúng tôi có nhận một thực tập sinh người Việt Nam đến công ty mẹ tại Nhật Muto Tax Co thực tập trong hai tuần. Cô gái đó là một người rất thật thà và lễ phép”, ông Suzuka Hideo (29 tuổi), quản lý công ty Muto Management Accompany Vietnam (MMAV), hoạt động trong lĩnh vực cố vấn về kế toán, nhớ về ấn tượng ban đầu khiến doanh nghiệp của ông quyết định tìm hiểu và đầu tư vào Việt Nam.

“Đến tháng 9/2011, chúng tôi bắt đầu đi công tác liên tục giữa Nhật Bản và Việt Nam, tháng 2 năm sau đó, tôi bắt đầu thường trực tại Hà Nội. Tháng 9/2012, chúng tôi chính thức nhận được giấy phép và đi vào hoạt động”, ông kể với VnEconomy.  

Công ty mẹ của các ông tại Nhật có khoảng 200 khách hàng thường xuyên được cố vấn về kế toán. Sang đến Việt Nam, mọi thứ có khác nhiều không?


Chúng tôi nghĩ rằng, công việc kế toán là khâu tối quan trọng trong vấn đề nâng cao năng lực của công ty, đó là phần việc không thể thiếu được.

Tuy nhiên ở Việt Nam, việc này được xem như là “phần tính để trả thuế, đó là công việc phải làm để công ty được tiếp tục hoạt động, đó là việc bất đắc dĩ” hoặc “nếu giảm bớt được nhiêu khê mà giải quyết xong thì tốt nhất”, tôi cho rằng thật uổng phí, bỏ mất cái hay của công việc kế toán, khi suy nghĩ như vậy.

Để cho khách hàng nghĩ được như thế, có lẽ sẽ rất mất thời gian?


Tại Nhật Bản, những công ty chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp đã dần dần biến mất. Việc này đứng về phía các doanh nghiệp cũng giống như vậy.

Những con số, tự thân nó có những ý nghĩa quan trọng khác nhau, người hoạch định chiến lược cần phải nắm rõ để đề ra phương hướng kinh doanh cho công ty. Việc làm này là cần thiết để tăng trưởng.

Tôi nghĩ rằng trong nếu nhanh thì trong vài năm tới tại Việt Nam xu thế này cũng sẽ hình thành.

Từ năm 2012, đã có rất nhiều công ty kế toán được thành lập tại Việt Nam. Hẳn là đã bắt đầu có nhiều cạnh tranh?


Vâng, đúng là như thế. Chúng tôi là những người đến sau. Thế nhưng đi sâu vào tìm hiểu thị trường Việt Nam, chúng tôi nhận thấy có không ít công ty dạng như là “cung cấp sản phẩm giá rẻ nhưng chất lượng công việc cũng rất thấp”, và biết được rằng rất nhiều công ty không hài lòng với chất lượng được nhận.

Những công ty cung cấp dịch vụ mang tầm vóc quốc tế thì thật sự vẫn chưa có nhiều.

Công việc tại Việt Nam của ông đã bắt đầu như thế nào?


Tôi đặc biệt không có một hoạt động nào quảng cáo việc hoạt động của mình, chỉ âm thầm tăng số lượng các giao dịch một cách từ từ.

Ban đầu là từ người quen giới thiệu cho, sau đó chủ yếu là truyền miệng và cũng từ những mối quan hệ của công ty mẹ ở Nhật Bản giúp cho tôi được nhiều khách hàng. Khách hàng của chúng tôi không chỉ là những khách hàng mới sang cần cố vấn, có nhiều đối tác đến với chúng tôi sau khi bất mãn với dịch vụ tại địa phương mà họ nhận được.

Xin phép cho hỏi hiện nay các ông đã có được bao nhiêu khách hàng?

Hiện có khoảng mười mấy công ty đang ký hợp đồng với chúng tôi. Vào thời điểm này khách hàng vẫn chỉ là những công ty Nhật Bản thôi, tuy nhiên trong tương lai tôi muốn mở rộng dịch vụ đến các công ty Việt Nam nữa.

Chúng tôi đang hướng dẫn nghiệp vụ cho những nhân viên Việt Nam, truyền cho họ những kỹ năng, bí quyết để trong vòng hai năm tới công ty có thể hoạt động với toàn bộ những nhân viên Việt Nam. Đến lúc đó lượng khách hàng Việt Nam của chúng tôi nhất định sẽ được tăng lên.

Công ty của ông được công ty mẹ với nhiều thành tích phong phú đỡ đầu. Tuy nhiên, qua một thời gian phát triển tại Việt Nam, liệu có trở ngại gì phát sinh không?


Tôi nghĩ vấn đề ở chỗ làm sao nhận định được thông tin một cách chính xác để phán đoán hướng đi, chứ không phải thời gian có mặt tại Việt Nam dài hay ngắn mới là mấu chốt của vấn đề.

Có rất nhiểu loại thông tin hàng ngày ta phải tiếp xúc, trong số đó “tiếng đồn” cũng không ít. Đâu là thông tin xác thực đâu là thông tin gây rối, phải có cái nhìn nhạy bén và phán đoán nhanh chóng là vấn đề sống còn.

Có thể nói năng lực phán đoán nhanh nhạy có thể bổ khuyết cho vấn đề thời gian doanh nghiệp, dù mới được thành lập chưa lâu.

Đối với công ty ông, vấn đề nào là cốt lõi khi hướng dẫn cho nhân viên Việt Nam các bí quyết kinh doanh của Nhật Bản?


Chúng tôi có công ty mẹ tại Nhật Bản, do đó chúng tôi gửi những nhân viên của công ty tại Việt Nam sang văn phòng công ty mẹ để làm việc thực tế trong một thời gian, cho họ trải nghiệm thực tế cách giải quyết công việc trong công ty của Nhật Bản.

Sau vài năm, khi mà nhân viên Việt Nam bắt đầu thuần thục và tự mình đảm nhận vai trò tự kinh doanh, lúc đó hướng đi của công ty mẹ ở Nhật Bản sẽ như thế nào với công việc tại Việt Nam?


Hiện nay phần nhiều mới chỉ có những công ty từ Nhật bản đầu tư sang Việt Nam thôi, chiều ngược lại từ Việt Nam sang Nhật thì rất hạn chế. Thế nhưng xu hướng này trong tương lai sẽ tăng lên.

Khi đó công ty pháp nhân Việt Nam sẽ hỗ trợ cho những doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng đầu tư sang Nhật, công ty mẹ tại Nhật sẽ tiếp tục giúp đỡ những công ty Việt Nam đó giải quyết những phần kế toán và thuế má tại Nhật.

Lúc đó mối quan hệ giữa công ty có pháp nhân Việt Nam và công ty mẹ tại Nhật là quan hệ hợp tác song phương, cùng mở rộng tầm hoạt động và nghiệp vụ. Giấc mơ của chúng tôi là góp phần nhỏ đóng góp và sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Cuối cùng, xin ông cho vài lời giới thiệu về công ty được không?

Công ty mẹ của chúng tôi có 17 người, công ty tại Việt Nam có 10 người, trong đó có một người Nhật là tôi. Có 8 nữ, toàn là những người trong độ tuổi 20 - 30.

Cô gái mà tôi đề cập phần đầu tạo động lực cho việc thành lập công ty tại Việt Nam cũng nằm trong số đó. Chúng tôi làm việc với nhau thoải mái và chan hòa hết mình.