Có giao dịch nội gián tại sàn Hà Nội?
Nhiều nhà đầu tư đã gửi email yêu cầu VnEconomy xác minh một số trường hợp có nghi ngờ liên quan đến giao dịch nội gián tại sàn Hà Nội
Nhiều nhà đầu tư đã gửi email yêu cầu VnEconomy xác minh một số trường hợp có nghi ngờ liên quan đến giao dịch nội gián tại sàn Hà Nội.
Trong một email do nhà đầu tư gửi tới VnEconomy, có đưa ra 4 trường hợp liên quan đến việc công bố thông tin tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC). Nhà đầu tư cho rằng đây là những bằng chứng cụ thể nhất về những giao dịch nội gián tại trung tâm này.
VnEconomy xin dẫn lại nguyên văn 4 trường hợp được nếu như sau:
“1. Công ty Thạch cao xi măng đưa thông tin chia cổ tức 16% và tăng vốn điều lệ năm 2007 từ ngày 5/1, nhưng đến ngày 12/1 HASTC mới đưa tin.
2. SD9 (Công ty Sông Đà 9) họp Hội đồng quản trị ra nghị quyết từ ngày 12/1 về việc chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu, trình đại hội cổ đông sắp tới kế hoạch sản xuất kinh doanh và chia cổ tức 18% năm 2007, giao Tổng giám đốc xem xét phương án chuyển sàn HASTC. Đến nay vẫn chưa có thông báo của HASTC.
3. PTIC chốt quyền cổ tức trong hai ngày 18 và 19/1, nhưng sáng ngày 19 mới có thông báo. Trong khi Trung tâm lưu ký đã có thông báo từ ngày 12/1.
4. 4 công ty sách giáo khoa đều có phương án tăng vốn điều lệ bằng phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 5:1. Các công ty sách giáo khoa hiện phần lớn sản lượng phụ thuộc vào nhà NXB Giáo dục, và dự kiến đến năm 2008 không còn độc quyền in sách giáo khoa. Đây là điều các cổ đông lo nhất. Chính vì vậy các công ty này có P/E thấp nhất thị trường (từ 4-5 lần) nên việc tăng vốn điều lệ bằng cổ phiếu thưởng chứng tỏ các công ty này đang có hướng sản xuất kinh doanh mới, hướng tới các thị trường và khách hàng tiềm năng. Từ khi có tin, giá các cổ phiếu này đều tăng gấp 2 lần. Vậy mà HASTC không thèm đưa tin”.
Để trả lời nhà đầu tư, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó giám đốc HASTC, về những trường hợp nói trên.
Ông Trung cho rằng trước hết nhà đầu tư cần nắm rõ những loại thông tin nào bắt buộc phải thông qua HASTC theo quy định hiện nay. Đó là các báo cáo tài chính định kỳ, báo cáo kiểm toán; tất cả các quyết định, nghị quyết của đại hội cổ đông, hội đồng quản trị; những thông tin bất thường, do HASTC yêu cầu tổ chức niêm yết phải báo cáo.
Ngoài ra, công ty niêm yết có toàn quyền chủ động thông tin các loại thông tin khác trực tiếp tới nhà đầu tư mà không phải qua Trung tâm. Ngược lại, nhà đầu tư cũng có quyền lấy thông tin trực tiếp từ công ty mình đầu tư với tư cách là một cổ đông; công ty niêm yết cũng phải có cán bộ chuyên trách đáp ứng yêu cầu này.
Thông tin chậm có vì nội gián?
Ông Trung giải thích: “Thông tin qua Trung tâm hay Ủy ban Chứng khoán thì thường coi là thông tin đã được xác thực từ cơ quan quản lý. Thường thì những thông tin đó chuẩn hơn, chính xác hơn. Đổi lại sự chuẩn hơn, chính xác hơn đó thì phải chậm hơn vì còn phải có thời gian xác minh lại những thông tin đó. Như vậy là phải lựa chọn giữa hai giá trị: một là thông tin nhanh ngay lập tức, hai là thông tin chậm hơn vì phải qua thẩm tra”.
Về hoạt động giao dịch nội gián, ông Trung đưa ra lập luận rằng có nhiều đối tượng có thể tham gia. Đầu tiên là những người trong công ty và người thân của họ. Thứ hai là đến công ty chứng khoán làm tư vấn cho công ty đó. Và thứ ba là người trong Trung tâm khi thông tin được chuyển đến. “Ngay cả như VAFI (Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam) cũng là nơi nhiều công ty gửi lên báo cáo”.
Tại Việt Nam, nhân viên của Ủy ban Chứng khoán và các trung tâm giao dịch không được phép mở tài khoản. Tuy nhiên, giao dịch nội gián có thể thông qua người thân. Ông Trung cho rằng đó là một điểm khó kiểm soát. “Bố, mẹ, anh chị em ruột thì đã cấm rồi nhưng làm sao có thể cấm được bạn bè. Đây chính là cái đau đầu của cơ quan quản lý ở tất cả các thị trường trên thế giới. Vì vậy phát hiện ra nội gián, chứng minh được nội gián và để xử phạt thì rất là khó”.
Trước khả năng một số cán bộ của HASTC có thể làm thông tin nội gián, ông Trung nói: “Hiện nay phải nói là chúng tôi rất bận, không có thời gian để thực hiện những giao dịch ấy nếu như biết thông tin”.
Vậy quy trình công bố thông tin tại HASTC hiện nay như thế nào? Thông tin từ doanh nghiệp, Trung tâm Lưu ký chuyển tới, qua Phòng hành chính tổng hợp, Phòng đăng ký giao dịch và tới lãnh đạo Trung tâm phê duyệt. Quy trình này thường phải mất từ 1 đến 2 ngày thông tin mới ra được thị trường. Nguyên do sự “ùn tắc” này là HASTC chưa ứng dụng được công nghệ thông tin trong quá trình xử lý.
Ông Trung khẳng định rằng trong độ trễ từ 1 đến 2 ngày đó, Trung tâm luôn áp dụng chế độ bảo mật, gắn trách nhiệm với những người liên quan và có sự giám sát cụ thể.
Thông tin chậm còn do lượng người của Trung tâm còn hạn chế, cả về nghiệp vụ và số người. Vì chế độ đối với cán bộ làm việc tại HASTC hiện nay, theo lãnh đạo Trung tâm, là khá hạn chế nên việc tuyển dụng nhân tài rất khó khăn. Ông Trung cũng không loại trừ khả năng vì chế độ hạn chế mà một số cán bộ có động cơ “làm thêm”, dẫn đến giao dịch nội gián.
Ông Trung còn đưa ra một số nguyên nhân khác khiến hoạt động công bố thông tin bị chậm trễ trong thời gian qua. Đó là những thông tin về chia cổ tức, quyền biểu quyết… thường qua Trung tâm lưu ký. Ở trung tâm này, việc xử lý cũng bị hạn chế bới các thủ tục hành chính. Mặt khác còn là sự phối hợp thông tin chưa tốt giữa các trung tâm và với doanh nghiệp.
Một số lý do khách quan khác là do công văn thông tin công bố của doanh nghiệp phải sửa lại, bị thất lạc… nên không thể căn cứ theo ngày ra đời của công văn đó để quy kết trách nhiệm.
Và nữa, ông Trung cho rằng hiện nay nhiều công ty vẫn chưa quen với việc công bố thông tin. Dự kiến HASTC sẽ tổ chức các buổi tập huấn về quy trình này cũng như tăng cường phối hợp thông tin giữa các thành viên trên thị trường.
HASTC giải thích thế nào về 4 trường hợp cụ thể mà nhà đầu nêu trên?
Trong 4 trường hợp trên, theo báo cáo của Phòng thông tin HASTC, trường hợp thứ nhất là nhà đầu tư đã phản ánh đúng. Những trường hợp còn lại, ông Trung giải thích:
Trường hợp của Công ty Sông Đà 9 “thì có thể có lý do nào đó họ chưa chuyển thông tin lên đây, hoặc là công văn bị thất lạc…”.
Trường hợp PTIC chốt quyền cổ tức đến sáng 19/1 mới thông báo thì là “do ở khâu hành chính”. Trong khi Trung tâm lưu ký đã có thông báo từ 12/1 thì sự phối hợp giữa hai trung tâm lại không được tốt, do trục trặc trong đường công văn thông báo đến HASTC.
Trường hợp các công ty sách giáo khoa, ông Trung cho biết là những công ty này không báo cáo lên Trung tâm, “họ tự công bố và chúng tôi không biết để gọi điện đến trước”.
Giải pháp nào khắc phục thông tin chậm trễ?
Ông Trung đưa ra 5 giảm pháp có thể được đẩy mạnh trong thời gian tới:
Thứ nhất, đối với các cơ quan quản lý, phải đưa ra quy trình công bố thông tin và công khai toàn bộ quy trình đo. HASTC cũng đang soạn thảo quy chế này.
Thứ hai, các công ty niêm yết phải đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu thông tin của các nhà đầu tư. Trong việc này, trách nhiệm của HASTC là phải triệu tập một cuộc họp các công ty niêm yết, tập huấn về các văn bản pháp quy, quy trình công bố để giảm thiểu thời gian thẩm tra, chỉnh sửa thông tin.
Thứ ba, các công ty niêm yết, HASTC, Trung tâm lưu ký phải thống nhất để đường công văn qua lại không mất nhiều thời gian như vừa qua. Việc chuyển công văn hiện tại vẫn là thủ công; có thể hướng tới một giải pháp là áp dụng công nghệ.
Thứ tư, các nhà đầu tư, với tư cách là các cổ đông, hoàn toàn có quyền liên hệ trực tiếp tới các doanh nghiệp mà mình đầu tư để có thông tin. Đồng thời các công ty cũng phải có người chịu trách nhiệm cung cấp và giải trình thông tin với thị trường.
“Với một khối lượng công ty niêm yết tăng đột ngột trong vòng 3 tháng cuối năm 2006, từ 16 lên 86 công ty hiện nay, sau khi chúng ta đã thực hiện một cuộc chiến đấu để đưa các công ty lên sàn thì nay phải ngồi lại với nhau để thực hiện một cuộc chiến đấu mới về công bố thông tin”, ông Trung nói.
Và thứ năm là phải chuẩn hóa được nội dung bảo mật và các quy định, lưu chuyển công văn giấy tờ giữa các phòng ban Trung tâm, giữa Trung tâm với Trung tâm lưu ký, với các công ty.
Sẽ có chế tài xử phạt
Dự kiến trong thời gian tới, HASTC sẽ trình xin Ủy ban Chứng khoán cho phép có chế tài xử phạt những trường hợp thông tin muộn hoặc sai.
Ngoài ra, yêu cầu bảo mật thông tin cũng sẽ được đưa vào quy chế mới, xác định trách nhiệm cá nhân đối với thông tin; nếu có bằng chứng thông tin rò rỉ thì người chịu trách nhiệm phải giải trình và chịu xử lý.