09:27 11/05/2009

Cơ hội tái cơ cấu công nghiệp

Nguyễn Mạnh

Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần có một cơ quan đủ mạnh làm đầu mối để xúc tiến phát triển công nghiệp hỗ trợ

Có thể tận dụng cơ hội tái cơ cấu công nghiệp trong chính khủng khoảng kinh tế - Ảnh: Việt Tuấn.
Có thể tận dụng cơ hội tái cơ cấu công nghiệp trong chính khủng khoảng kinh tế - Ảnh: Việt Tuấn.
Theo PGS.TS Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), khủng hoảng là rủi ro nhưng đồng thời là cơ hội để Việt Nam nhìn lại một cách bài bản và hệ thống những vấn đề liên quan cả trong ngắn hạn và cho tầm nhìn dài hạn của ngành công nghiệp.
 
Trong thời gian qua, ngành công nghiệp vẫn phát triển theo bề rộng, theo hướng gia công, lắp ráp là chủ yếu. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp (GO) luôn cao hơn tốc độ tăng giá trị tăng thêm (VA).

Nếu xét tỷ lệ VA/GO theo các ngành công nghiệp thấy rằng ngành công nghiệp khai thác có trị số cao nhất (62,9%), tiếp theo đến ngành điện nước (43,16%), sản xuất vật liệu xây dựng (32,62%). Ngành công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin có trị số tỷ lệ này thấp nhất (13,81%) do chỉ lắp ráp giản đơn. Ngành luyện kim chủ yếu là gia công phôi nên tỷ lệ này cũng rất thấp (14,18%).

Tỷ trọng VA/GO toàn ngành ngày càng giảm

Qua phân tích số liệu thống kê từ năm 1995 đến nay cho thấy, tỷ trọng các ngành công nghiệp có tỷ lệ VA/GO cao ngày càng giảm (công nghiệp khai thác sau 12 năm giảm 6,93%; sản xuất vật liệu xây dựng giảm 2,75%;...). Trong khi đó, các ngành công nghiệp có tỷ lệ VA/GO thấp lại phát triển nhanh và chiếm tỷ trọng ngày càng cao (cơ khí tăng 9,9%; điện tử tăng 1,57%; hoá chất tăng 3,44% và luyện kim tăng 0,59%).

Nếu như tỷ trọng các ngành khoáng sản giảm đi là do yếu tố khách quan thì sức tăng VA chậm của các ngành chế biến lại chủ yếu do yếu tố chủ quan, bởi vậy không bù được tốc độ giảm, làm cho tỷ trọng VA/GO và tốc độ tăng VA giảm liên tục.

Bên cạnh đó, sự chuyển dịch cơ cấu các thành phần kinh tế trong ngành công nghiệp đã diễn ra theo chiều hướng: công nghiệp quốc doanh có xu hướng giảm từ 34,16% năm 2000 xuống 22,56% năm 2007, 16,5% năm 2008. Trong khi đó, công nghiệp ngoài quốc doanh lại có xu hướng tăng nhanh, năm 2000 chiếm tỷ trọng 24,55% đến năm 2008 tăng lên 33,1%. Công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2000 chiếm tỷ trọng 41,3%, năm 2007 chiếm 45,6%.

Ông Phan Đăng Tuất cho rằng, lẽ ra sự dịch chuyển này sẽ cải thiện tỷ trọng VA/GO nhưng kết quả không như vậy là do: việc xác định giá trị doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa thời kỳ đến 2005 thường dẫn đến đánh giá thấp giá trị thực tế. Các doanh nghiệp sau cổ phần hóa nhờ lợi thế đó nên có tốc độ tăng trưởng nhanh, tốc độ VA cao nhưng thực chất là thừa hưởng giá trị từ quá khứ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh mới thành lập nhiều từ sau khi có luật doanh  nghiệp năm 2000 đã làm cho GO tăng mạnh nhưng hiệu quả không cao nên VA tăng chậm hơn làm cho VA/GO giảm.

Mặc dù Chính phủ đã tích cực thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước về số lượng đã giảm mạnh nhưng mức trang bị vốn, quy mô của khu vực này vẫn còn lớn mà hiệu quả không cao nên làm cho mức tăng VA chậm, trong khi GO lại lớn do đầu tư nhiều nên đã kéo tỷ trọng VA/GO toàn ngành công nghiệp giảm xuống.

Khu vực FDI có tốc độ tăng GO cao nhưng do đầu tư chủ yếu vào các nhóm ngành có VA thấp nên GO tăng càng cao thì tỷ trọng VA/GO càng thấp. Như vậy, sự dịch chuyển cơ cấu thành phần mới chỉ đạt được mục tiêu tăng nhanh GO nhưng chất lượng phát triển các khu vực vẫn thấp nên chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng chưa đạt được. Hiện tượng tăng GO mà không tăng được VA này đã được các nhà nghiên cứu kinh tế gọi là hiện tượng “tăng trưởng bần cùng hoá”.

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, chủ trương hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh là đúng đắn. Nhưng, do các thiết chế quản lý chưa đồng bộ nên việc ghép cơ học các doanh nghệp lại đã tạo ra quy mô hình thức lớn là nguyên nhân làm cho khu vực này kém linh hoạt, kém hiệu quả hơn. Mặt khác, kiểu tổ chức sản xuất khép kín là đi ngược lại với xu hướng hội nhập và phân công chuyên môn hoá, nó vô hình dung cản trở áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất. Đây có thể coi là một nguyên nhân đáng kể làm giảm VA công nghiệp.

Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ

Theo nghiên cứu của viện Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, ở các hãng đa quốc gia trên thế giới, cứ 100 doanh nghiệp trong một chuỗi tham gia chế tạo sản phẩm cuối cùng thì có khoảng 95 doanh nghiệp thực hiện các hoạt động thuộc khu vực hỗ trợ, chỉ có 5 doanh nghiệp lắp ráp - sản xuất sản phẩm cuối cùng.

Trong khi đó, tỷ trọng doanh nghiệp ở Việt Nam tham gia vào khu vực hỗ trợ rất ít, chủ yếu sản xuất - lắp ráp. Do đó, so với tổng giá trị thì phần VA của công nghiệp Việt Nam là thấp. Ví dụ ở Việt Nam có khoảng 2.000 doanh nghiệp may nhưng mới chỉ có chừng 250 doanh nghiệp hỗ trợ. Tương tự như vậy ngành cơ khí chế tạo, ngành điện tử gia dụng cũng chủ yếu dừng lại ở lắp ráp. Đây là nguyên nhân của sự sụt giảm VA/GO trong công nghiệp thời gian qua.

Vì vậy, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần có một cơ quan đủ mạnh làm đầu mối để xúc tiến phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cơ quan này phải có cơ sở dữ liệu tốt về tình hình công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, của các nước xung quanh và đặc biệt là có đủ vị thế để dàn xếp việc kết nạp các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia.

Bên cạnh đó, cuộc chạy đua về thu hút đầu tư cả ở phạm vi quốc gia, đặc biệt là ở các địa phương sau khi được phân cấp đã đạt được những thành tựu định lượng khá cao nhưng theo đó chất lượng thu hút đầu tư chưa thật sự được quan tâm. Kết quả là Việt Nam đã, đang tiếp nhận quá  nhiều công nghiệp VA thấp vào đất nước.

Biểu hiện của nhóm ngành này là: giá trị gia tăng thấp; tiêu tốn nhiều tài nguyên và đặc biệt là năng lượng; ít  chuyển giao công nghệ, sử dụng công nghệ truyền thống; thu hút ít lao động, chủ yếu là lao động phổ thông; gây tổn hại môi trường. Việc tiếp nhận dòng đầu tư công nghiệp đối với các nhóm ngành này không những chỉ gây giảm VA/GO trước mắt mà còn là nguy hại cho sự phát triển bền vững.

Tái cơ cấu ngành cần được thực hiện theo hai hướng: thực hiện đồng bộ các chính sách từ thu hút đầu tư, các chính sách tài chính tiền tệ, chính sách lao động tiền lương... đều tập trung cho việc khuyến khích các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, ít sử dụng tài nguyên năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm, tập trung quyết liệt phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ.

Nhằm bảo đảm phát triển mạnh sau khủng hoảng, cần dành phần thoả đáng cho kích thích đào tạo nghề, đây là giải pháp để hạn chế tình trạng dư thừa lao động và chuẩn bị chiến lược sau khủng hoảng. Cần quan tâm xây dựng chính sách hỗ trợ về tài chính các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao vì đây là sự hỗ trợ trực tiếp quan trọng cho sự đổi mới công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp, đồng thời tạo ra lực lượng lao động chất lượng cao phục vụ cho các ngành công nghiệp có giá trị tăng thêm cao, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu và bảo vệ môi trường. Các hỗ trợ này là hoàn toàn phù hợp với cam kết WTO.

Để các giải pháp kích thích kinh tế đạt hiệu quả, ông Phan Đăng Tuất khẳng định, cần phải xem xét lại các cơ sở thực tiễn của thực trạng phát triển công nghiệp Việt Nam và đưa ra các định hướng sát thực.