23:36 22/06/2024

Cơ hội tiếp cận các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu cho Việt Nam

Ngọc Lan

Quỹ Quốc tế Singapore ra mắt chương trình hợp tác đầu tiên tại Đông Nam Á tập trung vào các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu liên quan đến ngành nước...

Buổi ra mắt Chương trình Hợp tác Đông Nam Á về thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua ngành nước - SEAPAW (Ảnh: Quỹ Quốc tế Singapore - SIF)
Buổi ra mắt Chương trình Hợp tác Đông Nam Á về thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua ngành nước - SEAPAW (Ảnh: Quỹ Quốc tế Singapore - SIF)

Quỹ Quốc tế Singapore (Singapore International Foundation - SIF) đã phối hợp với Diễn đàn Kinh tế thế giới để cho ra mắt Chương trình Hợp tác Đông Nam Á về thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua ngành nước (The Southeast Asia Partnership for Adaptation through Water - SEAPAW) ngày 21/6, tại Singapore

SÁNG KIẾN VỀ THÍCH ỨNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU THÔNG QUA NGÀNH NƯỚC

Chương trình có sự tham gia của nhiều bên liên quan trong khu vực, với mục tiêu giải quyết những thách thức chính của biến đổi khí hậu, tập trung vào các vấn đề liên quan đến ngành nước. Đây cũng là chương trình đầu tiên trong khu vực tập trung vào mục tiêu tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của ngành nước - vốn được coi là một trong những phương pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thông qua thúc đẩy hành động giữa các bên liên quan, SEAPAW hướng tới mục tiêu củng cố một tầm nhìn chung, thúc đẩy các dự án xuyên biên giới, và thúc đẩy nguồn tài chính cho công tác thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua các mô hình đối tác công-tư-từ thiện.

Các bên liên quan của SEAPAW bao gồm các nhà tri thức, các đơn vị cung cấp giải pháp, nhiều tổ chức tài chính và tổ chức từ thiện, cũng như chính phủ và các cơ quan hoạch định chính sách.

SEAPAW sẽ tập trung vào công tác xây dựng cộng đồng, cũng như xác định các dự án trong các lĩnh vực chính được nhiều bên quan tâm, nhằm thúc đẩy khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của khu vực Đông Nam Á. SEAPAW cũng sẽ cập nhật về những thành tựu của khu vực trong quá trình thực hiện các mục tiêu về nâng cao khả năng ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mục tiêu của SEAPAW phù hợp với lời kêu gọi hành động tập thể của Ủy ban toàn cầu về Kinh tế tài nguyên nước (Global Commission on the Economics of Water - GCEW) – nhằm cải thiện tình hình theo hướng tích cực và xây dựng một tương lai bền vững và công bằng cho ngành nước.

Tại buổi ra mắt của SEAPAW, với tư cách là Nhà bảo trợ của SIF, Đồng chủ tịch của GCEW, và là một Thành viên trong Ban Quản trị của Diễn đàn Kinh tế thế giới, ông Tharman Shanmugaratnam Tổng thống của Singapore, nhấn mạnh sự cần thiết của việc quản lý một cách hiệu quả và bền vững hơn nhu cầu sử dụng nước trong mọi lĩnh vực tại khu vực Đông Nam Á, từ canh tác lúa truyền thống đến hoạt động sản xuất tiên tiến. Tổng thống Tharman Shanmugaratnam cũng nhấn mạnh tình trạng dễ bị tổn thương đang ngày càng trầm trọng của khu vực trước tình trạng khan hiếm nước và các tác động của biến đổi khí hậu.

“Thật may mắn là những giải pháp cần thiết cho ngành nước đều là những điều mà chúng ta có thể thực hiện được," Tổng thống Singapore chia sẻ. "Tuy nhiên, việc thực hiện những giải pháp này đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa các quan hệ hợp tác, nhằm tăng cường đầu tư vào cả các công nghệ mới lẫn các giải pháp khả thi về mặt kinh tế với hiệu quả đã được chứng minh. 

Quan hệ hợp tác công-tư của SEAPAW được dựa trên mạng lưới khu vực của SIF và kinh nghiệm chuyên môn của Diễn đàn Kinh tế thế giới, đồng thời SEAPAW có thể giúp thúc đẩy các khoản đầu tư vào khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của ngành nước, vì lợi ích của khu vực và thế giới.”

Bà Neo Gim Huay, Giám đốc điều hành Trung tâm Thiên nhiên và Khí hậu thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới, cho biết một chiến lược khí hậu hiệu quả cần phải bao gồm một chiến lược ngành nước nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của doanh nghiệp và đảm bảo cải thiện cuộc sống và sinh kế cho người dân.

"Chín mươi phần trăm các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt có liên quan đến nước," bà nhấn mạnh. "Nếu chúng ta có thể bảo vệ tài nguyên nước, chúng ta cũng sẽ có thể giảm thiểu các thảm họa liên quan đến khí hậu và phục hồi nhanh hơn nếu các thảm họa đó xảy ra. Diễn đàn Kinh tế thế giới rất vui mừng được hợp tác với Quỹ Quốc tế Singapore để tăng cường các nỗ lực mang tầm khu vực trong việc tăng cường khả năng thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu của cộng đồng thông qua ngành nước.”

Giáo sư Khoo Teng Chye, Chủ tịch SEAPAW cũng chia sẻ rằng khủng hoảng nước có mối liên hệ sâu sắc với biến đổi khí hậu; và các quốc gia cần hợp tác cùng nhau để giải quyết vấn đề này. "SEAPAW đóng vai trò là chương trình hợp tác quan trọng để kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan, thúc đẩy các chính sách đổi mới nhằm tăng quy mô đầu tư, khả năng tiếp cận, khả năng chống chịu và tính bền vững của ngành nước," ông cho biết.

CƠ HỘI CHO VIỆT NAM

SIF có lịch sử hợp tác lâu dài và nồng ấm với Việt Nam. Từ năm 1994, SIF đã tập hợp công dân của cả hai nước để hợp tác thực hiện nhiều sáng kiến ​​khác nhau ở Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự giao lưu giữa người dân với nhau. Những sự hợp tác này đã cho phép những người tham gia ở Việt Nam và Singapore tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và hình thành tình bạn lâu dài.

Bà Corinna Chan, CEO của SIF chia sẻ với VnEconomy rằng SEAPAW nhằm mục đích thúc đẩy hành động tập thể nhằm giải quyết những thách thức cấp bách do biến đổi khí hậu đặt ra ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. "Chương trình có nhiều bên liên quan tham gia nhằm giải quyết những thách thức quan trọng của biến đổi khí hậu, tập trung vào các vấn đề liên quan đến nước," bà cho biết. 

Năm 2015, Viện Tài nguyên thế giới có trụ sở tại Mỹ xếp Singapore vào danh sách các nước đối mặt với nạn khan hiếm nước nhất thế giới vào năm 2040 cùng với các quốc gia Trung Đông khác. 

Hiện tại, Singapore đã trở thành một nước hàng đầu thế giới về quản lý nước trong vòng vài thập kỷ. Đất nước này đã trở thành trung tâm công nghệ về nước toàn cầu, là nơi đặt trụ sở của gần 200 công ty nước và hơn 20 trung tâm nghiên cứu. Công nghệ nước được phát triển và sử dụng ở Singapore như bộ lọc nước di động, công nghệ kiểm tra nước và công cụ quản lý lũ lụt đã được xuất khẩu sang hơn 30 quốc gia.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ cùng với tỉ lệ đô thị hoá tăng lên, có rất nhiều kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi từ nước bạn Singapore trong quản lý nguồn nước, từ đó bảo tồn nguồn nước cho tương lai.

Bà Chan tin tưởng rằng SEAPAW cùng với các dự án mà SIF đã và đang triển khai tại Việt Nam sẽ có tiềm năng mang lại cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Singapore. "Chúng tôi mong muốn được làm việc với các bên liên quan ở Việt Nam về vấn đề thích ứng với khí hậu và chúng tôi sẽ cung cấp thông tin cập nhật về những diễn biến của dự án sau khi ra mắt," bà cho biết.