10:49 24/12/2010

Cơ hội xuất khẩu vào Ấn Độ

Hồng Thoan

Việt Nam là một trong những nhân tố quan trọng trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ

Tiến sĩ DR.Vinod Bahade đang trình bày về nội dung Hội chợ thương mại và giao thương Ấn Độ ASEAN lần thứ nhất- Ảnh: M.N
Tiến sĩ DR.Vinod Bahade đang trình bày về nội dung Hội chợ thương mại và giao thương Ấn Độ ASEAN lần thứ nhất- Ảnh: M.N
Tại Hội thảo “Cơ hội xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ”, tổ chức sáng 23/12 tại Hà Nội, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Ranjit Rea khẳng định Việt Nam là một trong những nhân tố quan trọng trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ, trong đó lĩnh vực trọng tâm là đẩy mạnh quan hệ kinh tế.

Do vậy, Đại sứ Ranjit Rea cho biết, các nhà lãnh đạo Ấn Độ sẽ hết sức hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước, trước mắt sẽ hỗ trợ các nhà xuất khẩu Việt Nam bằng việc cung cấp cho phía Việt Nam các gian hàng miễn phí tại Hội chợ thương mại và giao thương Ấn Độ ASEAN lần thứ nhất sẽ diễn ra vào tháng 3/2011. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá tiềm năng về kinh doanh cũng như tăng cường xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của mình sang thị trường Ấn Độ.

Những năm gần đây, Ấn Độ luôn là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. 11 tháng đầu năm 2010, buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ đạt 2,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt trên 863 triệu USD tăng 39% so với cùng kỳ năm trước, những con số này là minh chứng rõ nét về tác động tích cực của Hiệp định tự do Ấn Độ-ASEAN có hiệu lực từ 2010 đối với hai nước.

Một xu hướng quan trọng trong thương mại song phương đó là vấn đề thâm hụt thương mại của Việt Nam đang ngày càng giảm và sự tăng trưởng của thương mại ngày càng bền vững. Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Ấn Độ giảm từ 1,58 tỷ USD năm 2008, xuống còn 657 triệu USD trong 11 tháng của năm 2010.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam xuất sang Ấn Độ ngày càng đa dạng với nhiều mặt hàng thay vì chỉ xuất khẩu những mặt hàng nông sản trước đây. Những mặt hàng có giá trị cao của Việt Nam được xuất sang Ấn Độ bao gồm thép và sản phẩm thép, cao su, than đá, phần cứng máy tính và hàng điện tử, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, hóa chất và các sản phẩm hóa chất.

Cũng theo Đại sứ Ranjit Rea, tiềm năng để Việt Nam tăng xuất khẩu sang Ấn Độ còn rất lớn. Do vậy, bên cạnh việc chú trọng tới các mặt hàng mang giá trị xuất khẩu cao, Việt Nam cũng nên xác định những mặt hàng xuất khẩu khác như xi măng, gạch men, hàng điện tử.

Ghi nhận những bước tiến đáng kể trong hợp tác thương mại giữa hai nước trong những năm gần đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng hai bên cần tăng cường trao đổi thông tin liên quan đến chính sách thương mại và đầu tư, các hoạt động xúc tiến thương mại, danh mục các hội chợ triển lãm tổ chức ở mỗi nước, danh mục các mặt hàng xuất nhập khẩu mà đôi bên cùng có lợi.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế thương mại và hợp tác công nghiệp song phương, các doanh nghiệp Ấn Độ cần tăng cường đầu tư vào Việt Nam để khai thác thị trường Việt Nam, đồng thời tạo nguồn hàng xuất khẩu trở lại Ấn Độ, góp phần thu hẹp thâm hụt cán cân thương mại giữa hai nước.

Ông Biên cho biết, Việt Nam đang chủ động đưa ra các đề xuất và phối hợp cùng phía Ấn Độ nhằm giảm tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam tuy có giảm trong thời gian vừa qua nhưng vẫn ở mức cao. Ngoài ra, việc hai nước tham gia ký kết Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ có hiệu lực từ năm 2010, nhất là mới đây Ấn Độ công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ, cũng mở rộng khung pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động trao đổi thương mại giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam phát huy lợi thế cạnh tranh trên thị trường Ấn Độ.

Ông Nguyễn Thành Biên mong muốn, thời gian tới sẽ mở đường bay trực tiếp giữa hai nước, bởi với sự gia tăng hoạt động buôn bán và hợp tác kinh tế thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ thì việc nối đường bay trực tiếp là rất quan trọng.

Thứ trưởng cũng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt được nhu cầu của khách hàng từ đó có định hướng chiến lượng xuất nhập khẩu lâu dài vào thị trường Ấn Độ thông qua các cơ quan như Cục Xúc tiến thương mại, Sứ quán Ấn Độ.

Trong năm tài khóa 2011 – 2012, Đại sứ quán Ấn Độ dự kiến sẽ triển khai tích cực các biện pháp xúc tiến thương mại như tiến hành nghiên cứu thị trường về những mặt hàng tiềm năng, mời tổ chức xúc tiến xuất khẩu Ấn Độ (FIEO) sang tham dự Hội chợ Quốc tế Việt Nam và tham gia Hội chợ thương mại Quốc tế Hà Nội vào tháng 10 năm tới với vai trò là nước đối tác. Hơn nữa, Đại sứ quán còn tổ chức các cuộc triển lãm Calalogue tại các hội chợ lớn cả ở Hà Nội và Tp.HCM giúp các nhà nhập khẩu Việt Nam biết được doanh nghiệp và các sản phẩm Ấn Độ cần những mặt hàng gì.

Đại sứ quán Ấn Độ cũng đánh giá cao việc Việt Nam dự kiến mở phòng trưng bày sản phẩm của Việt Nam tại Mumbai. Việc này sẽ giúp tăng cường hơn nữa thương mại song phương giữa hai nước.

“Chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tích cực tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Ấn Độ. Doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét việc lựa chọn các công ty đại diện Ấn Độ để bán hàng và tích cực tham gia các triển lãm tại Ấn Độ và tiếp đến là mở văn phòng để khai thác thị trường đang tăng trưởng rất nhanh này”, ông Ranjit Rea nhấn mạnh.