15:32 09/06/2016

Có một Na Hang giữa đại ngàn

PV

Có một Na Hang giữa đại ngàn - Ảnh 1

Cọc Vài Tận hưởng một trời không gian xanh thẳm, sơn thủy hữu tình
Hồ Na Hang – tên gọi còn khá xa lạ với khách du lịch, nhưng đã được các phượt thủ chấm trên bản đồ khám phá bởi cảnh đẹp như tranh vẽ của hồ trên núi vốn được ví như “Hạ Long giữa đại ngàn”. Nơi đây vẻ đẹp còn gần như hoang sơ, huyền bí, tiềm ẩn với những hang động và thác nước kỳ vĩ.  
Bến tàu du lịch hồ Na Hang nằm ngay gần chân núi Pác Tạ, ngọn núi bốn mùa vờn trong mây trắng. Chúng tôi xuống thuyền chạy ngược hồ Na Hang mờ ảo trong sương sớm, hiển hiện đỉnh núi Pác tạ cao lừng lững với hình dáng chú voi cúi đầu bên nậm rượu. Thu vào tầm mắt là 99 ngọn núi lớn nhỏ ở vùng Thượng Lâm bao quanh hồ, cảm giác như lạc vào chốn bồng lai, tiên cảnh. Bỏ lại đằng sau ồn ào, bụi bặm của phố phường náo nhiệt, hồ Na Hang mang lại cảm giác bình yên, giải thoát hiếm hoi. Chỉ có một ngày duy nhất ở lại với Na Hang, cách tốt nhất để tận hưởng một trời không gian xanh thẳm, thỏa sức ngắm nhìn núi non trùng điệp là sống trọn ngày cùng khung cảnh nên thơ. Thuyền chạy như ru trên mặt nước xanh ngắt có thể nhìn thấy đáy, tha hồ hít thở sự tinh khiết đến trong vắt của núi rừng hùng vĩ, chợt thấy thật đáng trân quý biết bao khoảng khắc được sống trong không gian trong lành và thoáng đạt, thiên nhiên hữu tình này. 

Có một Na Hang giữa đại ngàn - Ảnh 2

Hồ Na Hang

Hồ Na Hang níu chân lữ khách bởi những ngọn thác quanh năm tung bọt trắng xóa với những con thác đã trở thành huyền thoại mang tên Nặm Me, Khuẩy Nhi, Khuẩy Dung. Du khách có thể dừng chân tại thôn Nà Pài thăm thác Mơ nằm trên độ cao trên 700 mét so với mặt  nước biển, ngọn thác cao ngất này nằm giữa rừng già cổ thụ, nước chảy quanh năm. Thật ngoạn mục khi đắm mình trong dòng nước mạnh mẽ tuân chảy của dòng thác Mơ, lắng nghe âm thanh, tiếng va đập giữa nước và đá… và cảm nhận.
Còn gì thú vị hơn khi được đặt chân vào hang Bó Khả, Phia Vài, Nậm Trang, Phia Muồn, Song Long … khám phá những vỉa đá, nhũ đá tự nhiên với hình thù kỳ dị nằm sâu trong lòng núi.
3 giờ vi vu cùng du thuyền trên hồ Na Hang, điểm cuối cùng của lòng hồ là ngọn núi “Cọc Vài” như một chiếc cọc buộc trâu, đứng sừng sững một mình trên nước hồ xanh ngắt. Bạn có thể thử lòng dũng cảm, thú mê leo núi bằng cách leo lên đỉnh núi Cọc Vài, ngắm nhìn thỏa thích phong cảnh hữu tình của Na Hang.

Có một Na Hang giữa đại ngàn - Ảnh 3

Mặt sông Gâm

Dừng chân trên Đảo hoang cắm trại, câu cá, nướng gà mọi
7 gia đình chúng tôi đã chọn một hòn đảo hoang trên hành trình trở về từ núi “Cọc Vài”, quyết định đổ bộ và cắm trại. Hòn đảo nằm chơ vơ một mình giữa sông nước bao la, cây cối canh mướt, thật lý tưởng cho dã ngoại sinh thái. 
2 chiếc lều đã được các ông bố dựng lên, bọn trẻ con hò reo cổ vũ và lăng xăng dọn dẹp lá cây, cành cây khô trên đỉnh đồi bằng phẳng để hạ lều. Cho bọn trẻ sống nửa ngày trên đảo hoang cũng là cách dạy chúng sống với môi trường thiên nhiên hoang dã, làm quen với kiến, với ong và tự thích nghi với kiểu sống ngoài trời. Các chị lớn tuổi hơn sẽ trở thành “Bảo mẫu” của các em nhỏ, trông nom và luôn để mắt sao cho bọn trẻ không vượt rào mò xuống khu vực câu cá của các ông bố và tổ chức các trò chơi dân gian. Các bà mẹ xắn tay chuẩn bị bữa trưa với những món ăn đã chuẩn bị và sơ chế sẵn. Các ông bố nhặt nhạnh cành cây khô, chất than, nhóm lửa và chặt cành tre dài để xiên gà nướng gà mọi. Bữa trưa trên đảo hoang thật rôm rả với gà nướng vàng rộm thơm lừng, xôi nếp Tú Lệ thơm ngào ngạt kết hợp với coktail sangrila - một loại rượu lạnh tự pha chế từ rượu vang Bordaux, rượu Bacadi, hoa quả. Giấc ngủ trưa với gió, nắng, nồng nàn hương coktail sangrila hẳn là giấc ngủ tiên với những ông bố, bà mẹ.

Có một Na Hang giữa đại ngàn - Ảnh 4

Trời đã chuyển sang chiều, bọn trẻ được người lớn hướng dẫn thu gom rác, xách nước giập than, dọn dẹp sạch sẽ đảo nhỏ. Có lẽ từ đứa trẻ 6 tuổi đến 16 tuổi đã thuộc lòng câu nói của các ông bố “Đừng lấy đi cái gì ngoài những bức ảnh, hãy đừng để lại gì ngoài những dấu chân”, nên chúng tự nguyện và hào hứng thu gom rác, giúp người lớn đưa rác xuống thuyền. Còn gì vui sướng hơn khi thỏa thích bơi lội trong nước hồ Na Hang xanh ngắt? Phút thăng hoa nhất có lẽ là màn nhảy xuống hồ từ mái thuyền của các ông bố, bọn trẻ áo phao sẵn sàng tung hô, cổ vũ nhiệt tình. Khi các bà mẹ và các con bơi lội quanh mạn thuyền, các ông bố đã bơi một khoảng rất xa đắm mình trong khung cảnh nên thơ của núi rừng. Trên hành trình trở về, bọn trẻ liu diu ngủ, chỉ còn sóng vỗ mạn thuyền, chỉ còn gió mơn man, chỉ còn tiếng cười rúc rích của các bà mẹ khi ngắm lũ trẻ ngủ ngon bên nhau sau những phút bùng cháy. Các ông bố, bà mẹ bá vai nhau, nhâm nhi ly cà phê đen sóng sánh, cùng hát lời bài hát Đi về phía chân trời của Tuấn Kiệt “Đi lang thang trong sương sớm lắng nghe tiếng chim; Chân phiêu du theo cơn gió, núi cao vấn vương; Những con đường mù sương sớm mai … gần bên nhau rồi sương đêm sẽ tan…”, để rồi nhớ mãi, nhớ mãi những phút giây gần bên nhau …
 
Na Hang là nơi hợp long giữa sông Gâm chảy từ Hà Giang và sông Năng chảy từ Bắc Cạn. Hồ Na Hang có diện tích trên 8.000 ha, hình thành từ con đập lớn chắn dòng sông Gâm của công trình thủy điện Na Hang, nằm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung thuộc huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.
 

Đàm Hải Vân