Cổ phiếu blue-chips “sập”, khối ngoại xả lớn
VN-Index sáng nay chịu ảnh hưởng nặng nề từ nhóm blue-chips VN30 giảm giá đồng loạt, chấp nhận chốt ở mức thấp nhất phiên. Điểm tích cực là độ rộng sàn HoSE vẫn duy trì được trạng thái cân bằng, cho thấy áp lực đang đến từ một nhóm cổ phiếu, hơn là tổng thể. Khối ngoại xả gần 22% thanh khoản rổ VN30 cũng là một nguyên nhân...
VN-Index sáng nay chịu ảnh hưởng nặng nề từ nhóm blue-chips VN30 giảm giá đồng loạt, chấp nhận chốt ở mức thấp nhất phiên. Điểm tích cực là độ rộng sàn HoSE vẫn duy trì được trạng thái cân bằng, cho thấy áp lực đang đến từ một nhóm cổ phiếu, hơn là tổng thể. Khối ngoại xả gần 22% thanh khoản rổ VN30 cũng là một nguyên nhân.
VN30-Index kết phiên sáng giảm 0,59% chỉ với 4 mã tăng/25 mã giảm. 10 cổ phiếu khiến VN-Index mất nhiều điểm nhất đều thuộc rổ này, lấy đi khoảng 4,8 điểm trong tổng giảm 5,84 điểm của chỉ số chính. Dẫn đầu là VCB giảm 1,25%, VHM giảm 2,07%, VIC giảm 1,22%, GAS giảm 1%.
Thanh khoản nhóm VN30 cũng tăng 23% so với sáng hôm qua, đạt gần 2.048 tỷ đồng. Về con số tuyệt đối, đây vẫn là mức thanh khoản rất kém, kết hợp với giá cổ phiếu giảm nhiều cho thấy dòng tiền mua đang suy yếu trong rổ này. Đây là điều bất lợi cho xu hướng của chỉ số vì ảnh hưởng vốn hóa mới là yếu tố quyết định. VN-Index chốt phiên sáng giảm 0,52% và không thể vượt qua đỉnh cao nhất hồi đầu tuần.
Tuy vậy, độ rộng tổng thể của VN-Index lại cho thấy có điểm sáng. HoSE vẫn còn 241 mã tăng/226 mã giảm, nghĩa là mức độ phân hóa ở cổ phiếu vẫn cân bằng. Nói cách khác, VN-Index hay VN30-Index không phản ánh được trạng thái giằng co ở cổ phiếu.
Thực tế lúc này dòng tiền đang khá hạn chế, nên giao dịch sẽ tập trung vào những cổ phiếu cụ thể hơn là dàn trải. Blue-chips suy yếu là ví dụ rõ nhất về khả năng hạn chế từ bên mua. Trong khi đó các mã vừa và nhỏ lại thuận lợi hơn. Midcap sáng nay mới giảm nhẹ 0,15% còn Smallcap vẫn tăng 0,6%.
HosE vẫn đang có 85 cổ phiếu tăng giá trên 1% và các mã thanh khoản tốt nhất trong nhóm này không có bóng dáng blue-chips. Nổi bật là PDR tăng 1,64% với 238,6 tỷ đồng khớp lệnh; KBC tăng 1,76% với 232,7 tỷ; HAG tăng 1,89% với 183,5 tỷ; TCH tăng 2,78% với 159,7 tỷ… Nếu mở rộng ra với các giao dịch nhỏ hơn tầm 10 tỷ tới 20 tỷ đồng, rất nhiều mã tăng mạnh như ITC, EVG, DLG kịch trần, QCG, HQC, TTF, HHS, SZC, BFC, FIT, SJS, LDG, KSB, SCR… đều tăng trên 2%.
Diễn biến này cho thấy cảm nhận của nhà đầu tư đang phụ thuộc vào việc nắm giữ cổ phiếu nào hơn là quan sát VN-Index. Các mã tầm trung đang có lợi thế tốt hơn trong bối cảnh dòng tiền ở mức trung bình yếu, lực kéo giá có phần nhẹ nhàng hơn do giao dịch hạn chế. Mặt khác, lịch sử cũng cho thấy biên độ dao động “truyền thống” của nhóm này thường tốt hơn nhiều chỉ số, nhất là khi nhịp tăng này nhìn từ góc độ VN-Index đã tới các ngưỡng kháng cự mạnh.
Khối ngoại sáng nay xả blue-chips với cường độ khá mạnh, tổng giá trị bán ra với cổ phiếu VN30 khoảng 448,2 tỷ đồng, chiếm 22% tổng thanh khoản rổ này. Mức bán ròng đạt 275,1 tỷ đồng. Tính chung toàn sàn HoSE, khối này bán ròng 405,1 tỷ. Đây là mức bán ròng tăng đáng kể khi sáng hôm qua mới xả khoảng 152,7 tỷ đồng ròng.
Các giao dịch bán lớn tập trung vào MWG -75,2 tỷ, VHM -67,6 tỷ, HPG -40,2 tỷ. Phía mua ròng lớn nhất là CTG cũng chưa tới 5 tỷ đồng. Thực tế tổng giá trị giải ngân của khối ngoại ở HoSE mới đạt 231,8 tỷ đồng, thấp kỷ lục 17 phiên gần nhất.
Với tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay tăng gần 30% so với sáng hôm qua, đạt 8.117 tỷ đồng, dòng tiền đang tạo độ phân hóa vẫn tích cực. Mặc dù không có bùng nổ giao dịch, nhưng ít nhất dòng tiền vẫn còn vận động tốt hơn giai đoạn đầu tháng 11. Thêm nữa dù có tới 226 cổ phiếu đang giảm trong VN-Index nhưng chỉ 57 mã giảm trên 1%, thanh khoản chiếm hơn 27% toàn sàn.