12:08 09/02/2023

Cổ phiếu chế biến thủy sản bất ngờ tăng mạnh, bất động sản lao dốc

Kim Phong

Đà giảm ở cổ phiếu bắt đầu lan rộng hơn những phút cuối phiên sáng nay nhưng độ phân hóa vẫn còn tốt. Dòng tiền yếu đang quẩn quanh tìm kiếm lợi nhuận ở các nhóm cổ phiếu khác nhau. Các mã thủy sản chế biến, nông sản và dầu khí đang mạnh nổi bật, trong khi bất động sản và ngân hàng đang tạo sức ép bất lợi...

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang ép mạnh chỉ số.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang ép mạnh chỉ số.

Đà giảm ở cổ phiếu bắt đầu lan rộng hơn những phút cuối phiên sáng nay nhưng độ phân hóa vẫn còn tốt. Dòng tiền yếu đang quẩn quanh tìm kiếm lợi nhuận ở các nhóm cổ phiếu khác nhau. Các mã thủy sản chế biến, nông sản và dầu khí đang mạnh nổi bật, trong khi bất động sản và ngân hàng đang tạo sức ép bất lợi.

Sàn HoSE đang  có 11 cổ phiếu tăng kịch trần thì xuất hiện nhiều mã nhóm thủy sản như CMX, ANV, ACL. Nhiều cổ phiếu khác tăng tốt như AAM tăng 1,79%, FMC tăng 3,16%, IDI tăng 5,81%, VHC tăng 3,82%, SSN tăng 5,88%, MPC tăng 2,82%...

Dĩ nhiên thanh khoản là vấn đề lớn đối với các cổ phiếu nhóm này. Khá nhiều cổ phiếu giao dịch vài trăm tới vài ngàn cổ ở mức giá tăng cao. Tuy vậy cũng có những cổ phiếu thanh khoản vài chục tỷ đồng, đủ lớn để hấp dẫn các nhà đầu tư. Mặt khác vốn hóa cũng là điểm yếu, khiến đà tăng giá sôi động không thay đổi gì trên chỉ số, cũng không thể tạo ấn tượng lan tỏa.

VN-Index đang chịu tác động rất mạnh từ nhóm cổ phiếu blue-chips, mà nổi bật là các mã bất động sản, ngân hàng. Hai nhóm này có diễn biến khác nhau, nhưng điểm chung là suy yếu. VIC giảm 2,57%, VHM giảm 2,47% là bộ đôi kéo chìm VN-Index tới 2,6 điểm trong tổng giảm 3,82 điểm.

Cổ phiếu ngân hàng đáng chú ý nhất là sự đảo chiều của VCB. Cổ phiếu này hôm qua là trụ cột của phiên tăng điểm, sáng nay lại “rực” lên một nhịp lúc 10h30, tăng 0,85% rồi bất ngờ đổ đèo. Chốt phiên sáng giá VCB giảm 0,21%, tương đương nhịp đảo chiều giảm 1,05%. Nhóm ngân hàng trong rổ VN30 vẫn còn VPB, TPB tăng, còn lại VCB, VIB, TCB, STB, MBB, HDB, BID đều diễn biến tăng trước, giảm sau. Biên độ đảo chiều ở các mã này đều trên 1%, riêng STB tới 4,09%. Mã này đạt đỉnh lúc 10h, tăng 2,5% rồi lao dốc cực nhanh giảm 1,4% cuối phiên. Khối ngoại mua tới 52% thanh khoản của STB, tương đương mức ròng 318,1 tỷ đồng, cũng không cản được đà giảm.

VN-Index đang trượt dốc cuối phiên khi nhóm cổ phiếu ngân hàng đảo chiều hàng loạt.
VN-Index đang trượt dốc cuối phiên khi nhóm cổ phiếu ngân hàng đảo chiều hàng loạt.

VN30-Index kết phiên sáng đang giảm 0,67%, mạnh hơn mức giảm 0,36% của VN-Index. Độ rộng rổ này cũng tệ với 7 mã tăng/17 mã giảm. Cặp đôi GAS tăng 1,4%, PLX tăng 2,96% là đáng kể nhất, nhưng vốn hóa cũng hạn chế nên không thể bù lại nhóm giảm. Xét theo nhóm ngành, dầu khí cũng khá tốt phiên này, với PVC tăng 3,7%, PVD tăng 3,59%, PSH tăng 2,97%, PVB tăng 2,44%, OIL tăng 2,27%, BSR tăng 1,86%.

Độ rộng tổng thể sàn HoSE đang là 150 mã tăng/192 mã giảm. Tuy vẫn phân hóa khá ổn, nhưng sự thay đổi có thể thấy rất rõ từ 11h trở đi. Bên giảm giá đã tăng mạnh về số lượng, từ chỗ có 196 mã tăng/163 mã giảm. VN-Index cũng thể hiện một nhịp trượt giảm rõ rệt trong 30 phút cuối này. Có thể các trụ tụt mạnh khiến điẻm số mất nhiều hơn và tác động đến tâm lý chung.

Thanh khoản sáng nay vẫn duy trì rất kém, hai sàn niêm yết khớp 3.447,8 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với sáng hôm qua. HoSE có 3 mã thanh khoản trên trăm tỷ đồng thì duy nhất TPB còn tăng 0,61%, còn lại STB giảm 1,4%, HPG giảm 0,24%. Các mã thủy sản như ANV, CMX, IDI thậm chí còn lọt Top 10 thanh khoản, dù chỉ loanh quanh 40-50 tỷ đồng thanh khoản.

Khối ngoại sáng nay ghi nhận mức mua ròng khá cao +324,5 tỷ đồng. Tuy vậy tổng giá trị giải ngân thì không tăng so với sáng hôm qua, đạt 677,3 tỷ đồng. Mức ròng lớn là do giảm bán, còn 352,8 tỷ. Thêm nữa STB chiếm phần lớn mức mua ròng với 318,1 tỷ đồng. HPG và SSI là hai mã duy nhất còn lại được mua ròng quá 20 tỷ. Phía bán có VNM -40,5 tỷ là lớn nhất.

VN-Index mất 3,82 điểm trong sáng nay không phải là nhiều, nhưng phản ánh tình trạng lình xình yếu dần khá rõ. Sau các phiên lao dốc mạnh như hôm 1/2 hay 7/2 vừa qua thị trường không thể phục hồi được rõ nét mà chỉ nhích lên rồi lại tụt xuống. Biên độ dao động rất hẹp và thanh khoản ngày càng kém cho thấy thị trường không có động lực.