Cổ phiếu dầu khí “sập” nặng, vốn ngoại tiếp tục mua ròng
Giá dầu yếu không hẳn là lý do khiến nhóm cổ phiếu lao dốc sáng nay. Đại đa số blue-chips cùng giảm và độ rộng toàn bộ VN-Index cực hẹp. Tâm lý chùng xuống khiến thanh khoản vẫn duy trì rất thấp...
Giá dầu yếu không hẳn là lý do khiến nhóm cổ phiếu lao dốc sáng nay. Đại đa số blue-chips cùng giảm và độ rộng toàn bộ VN-Index cực hẹp. Tâm lý chùng xuống khiến thanh khoản vẫn duy trì rất thấp.
VIC bất ngờ là cổ phiếu lớn tỏa sáng trong phiên, khi tăng 1,2%. Dường như đã có một nỗ lực đẩy giá cổ phiếu này, vì thanh khoản cực thấp chưa tới 20 tỷ đồng. VIC đỡ VN-Index khoảng 0,8 điểm, cũng không nhiều.
Tuy nhiên VIC là 1 trong 5 cổ phiếu duy nhất của rổ VN30 tăng giá. Các mã còn lại là FPT tăng 0,94%, VNM tăng 0,28%, VHM tăng 0,17%, VCB tăng 0,14%. Trừ FPT, tất cả số còn lại đều thuộc nhóm vốn hóa hàng đầu của chỉ số, nhưng điểm số thì không đáng kể.
Dù vậy đây vẫn là cơ hội cho VN-Index vì các trụ này đều diễn biến theo hướng yếu trước, mạnh sau. Lượng tiền vào nhóm này mới rất nhỏ, chẳng hạn VNM mới giao dịch 35,3 tỷ, VHM khoảng 33 tỷ, VCB chưa tới 40 tỷ... Thanh khoản thấp và giá duy trì được nên cao đồng nghĩa với lực bán cản cũng nhỏ. Điều còn thiếu là lượng vốn mồi đủ lớn để tạo chuyển động giá ấn tượng cho thị trường nhìn thấy.
Phía giảm, nhóm blue-chips cũng chiếm trọn các vị trí hàng đầu kéo VN-Index xuống. GAS dẫn đầu các mã dầu khí, giảm tới 2,6%, PLX giảm 2,03%, chỉ hai mã này đã lấy đi 1,6 điểm khỏi chỉ số. Các mã dầu khí khác giảm sâu là PVD giảm 2,65%, PVS giảm 2,97%, PVC giảm 3,55%, BSR giảm 3,97%...
VN30-Index giảm 0,49% với 5 mã tăng/21 mã giảm. May mắn là các trụ của VN-Index ngoài GAS, chỉ thêm GVR giảm 2,55%, còn MWG giảm 2,48%, BVH giảm 2,31% ảnh hưởng vẫn hạn chế. BID giảm 1,41%, HPG giảm 1,35%, VPB giảm 1,24% là các mã khác đáng kể.
Thanh khoản của rổ VN30 giảm nhẹ 3% so với phiên trước, đạt 1.622 tỷ đồng. HoSE giảm 6%, đạt 4.772 tỷ đồng. Mức giao dịch này tiếp tục phản ánh dòng tiền rất hạn chế, ngay cả với những cổ phiếu từng là “siêu thanh khoản”. HPG là ví dụ, mới giao dịch khoảng 219 tỷ, MWG chưa tới 184 tỷ. Toàn bộ 3 sàn chỉ có 9 cổ phiếu đạt giao dịch trên 100 tỷ đồng, thì tới 7 mã giảm giá tất cả đều trên 1%.
Các phiên trước thanh khoản cũng không lớn nhưng thị trường còn duy trì độ rộng cân bằng. Sáng nay số giảm giá áp đảo với 101 mã tăng nhưng 335 mã giảm. Diễn biến giảm giá xuất hiện trên diện rộng và cũng gây áp lực đáng kể: HoSE có 166 cổ phiếu đang giảm trên 1% giá trị.
Khả năng đi ngược dòng thị trường không rõ ràng. 8 cổ phiếu tăng kịch trần đều có tính đầu cơ cao như HAX, VNS, VRC... Mặt khác, sự hỗ trợ về thanh khoản ở nhóm tăng giá cũng không mạnh, số rất ít cổ phiếu đạt giao dịch thuyết phục như DBC tăng 3,79% giao dịch 155,5 tỷ; LCG tăng 2,62% giao dịch 37 tỷ; HNG tăng 2,34% giao dịch 33,6 tỷ; HBC tăng 2,02% giao dịch 60,8 tỷ; HAG tăng 0,92% giao dịch 84,4 tỷ...
Điều an ủi là nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang duy trì được trạng thái mua ròng. Sáng nay là phiên mua ròng thứ 4 liên tiếp ở HoSE, với gần 164,7 tỷ đồng. Tổng giá trị mua vào là 443,9 tỷ tương đương 8,7% tổng thanh khoản sàn. Giá trị bán đạt 279,2 tỷ đồng. Tuy nhiên giao dịch tập trung rất lớn vào FPT với 83,9 tỷ và MWG với 71,3 tỷ đồng. SSI, LPB, GEX là 3 mã duy nhất còn lại được mua ròng trên 10 tỷ. Phía bán chỉ có HPG -24,9 tỷ là đáng kể.