Cổ phiếu dầu khí thuộc top tăng mạnh nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ năm nay
Không có gì đáng ngạc nhiên khi cổ phiếu dầu khí thuộc nhóm tăng mạnh nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ trong năm 2021 này...
Giá dầu thô bắt đầu năm 2021 ở mức dưới 50 USD/thùng. Hiện nay, giá dầu đang ở vùng 70 USD/thùng, sau khi lập đỉnh 7 năm ở ngưỡng 85 USD/thùng hồi tháng 10. Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi cổ phiếu dầu khí thuộc nhóm tăng mạnh nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ trong năm nay.
Trong các công ty trong chỉ số S&P 500, mức tăng giá cổ phiếu mạnh nhất từ đầu năm tính đến ngày 13/12 thuộc vệ công ty thăm dò dầu khí Devon Energy, với mức tăng gần 180%.
Các cổ phiếu Marathon Petroleum và Diamondback Energy tăng hơn 100% mỗi cổ phiếu. APA, công ty mẹ của công ty dầu lửa Apache, và ConocoPhillips cũng tăng gần gấp đôi.
Trao đổi với trang CNN Business, chiến lược gia trưởng Anastasia Amoroso của iCapital Network cho rằng chừng nào giá dầu còn ở trong vùng 60-80 USD/thùng, cổ phiếu dầu khí sẽ còn tăng tốt trong năm 2022.
Tuy nhiên, cổ phiếu dầu khí không phải là nhóm duy nhất tăng mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ trong năm nay. Sau khi tách khỏi hãng đồ lót Victoria’s Secret, công ty sản phẩm chăm sóc cơ thể Bath & Body Works chứng kiến giá cổ phiếu tăng 145% từ đầu năm.
Cổ phiếu hãng sản xuất vaccine Covid-19 Moderna, cổ phiếu hãng xe Ford, và cổ phiếu công ty sản xuất con chip Nvidia cũng đều tăng hơn gấp đôi trong năm nay.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu sòng bạc và trò chơi (game) video là những nhóm giảm mạnh nhất.
Trong số các thành viên S&P 500, mức giảm mạnh nhất thuộc về công ty sòng bạc và cá độ thể thao Penn National Gaming. Cổ phiếu này đã giảm gần một nửa trong năm nay.
Hai công ty quản lý sòng bạc nổi tiếng là Las Vegas Sands và Wynn Resorts chứng kiến giá cổ phiếu giảm tương ứng 37% và 22%.
Các nhà giao dịch cổ phiếu ở Phố Wall cũng tháo chạy khỏi những công ty phần mềm chuyên về trò chơi video. Cổ phiếu Activision Blizzard, nhà sản xuất trò chơi “Call of Duty”, giảm hơn 35% trong năm nay, sau khi CEO Bobby Kotick bị chỉ trích mạnh vì hành vi phân biệt đối xử giới tính và một vụ bê bối quấy rối tại công ty.
Tuy nhiên, vấn đề của các công ty game vượt xa khỏi vụ bê bối của Activision Blizzard. Việc thiếu các sản phẩm máy chơi game mới từ Sony và Microsoft cũng là một nguyên nhân khiến cổ phiếu game điêu đứng. Cổ phiếu Take-Two giảm hơn 20%, trong khi Electronic Arts giảm gần 15%.
Trong khi đó, cổ phiếu meme GameStop, một công ty bán lẻ game, vẫn tăng chóng mặt. Từ đầu năm, cổ phiếu này đã tăng 756% (GameStop không phải là một thành viên của S&P 500).
Cạnh tranh căng thẳng trong lĩnh vực truyền nội dung trực tuyến (streaming) khiến triển vọng tăng trưởng của các công ty truyền thông lớn bị nghi ngờ. Điều này khiến cổ phiếu AT&T giảm 20% trong năm nay. Cổ phiếu Discovery cũng vì lý do này mà giảm 20%.
Loạt cổ phiếu ViacomCBS, Disney, và Verizon cũng giảm trong năm nay, với những lý do khác nữa như cổ tức thấp so với lợi suất trái phiếu.
Một số cổ phiếu tăng giá mạnh nhờ đại dịch Covid-19 trong năm 2020 cũng không còn được “sủng ái” trong năm 2021. Cổ phiếu công ty sản xuất chất tẩy rửa trong nhà Clorox giảm hơn 15%, trở thành một trong những cổ phiếu thuộc S&P 500 giảm mạnh nhất từ đầu năm.
Ngoài S&P 500, những cổ phiếu hưởng lợi nhiều từ đại dịch trong năm ngoái cũng giảm chóng mặt trong năm nay, như mạng họp trực tuyến Zoom giảm gần một nửa, nhà sản xuất trình phát đa phương tiện Roku giảm hơn 30%; hãng máy tập Peloton giảm 73%.
Nguyên nhân khiến những cổ phiếu này giảm giá là nhà đầu tư đặt cược rằng nhờ vaccine và các thuốc đặc trị Covid đang được phát triển, nền kinh tế sẽ dần trở lại bình thường, mọi người sẽ quay trở lại công sở để làm việc, và các hoạt động vui chơi-giải trí sẽ được nối lại.