17:09 16/08/2011

Cổ phiếu giá “bèo” nổi sóng

Khánh Hà

Phiên giao dịch ấm lên khá bất ngờ ngày 16/8 ghi nhận hàng loạt cổ phiếu thị giá thấp tăng trần

Không nhiều nhà đầu tư sẵn sàng đu theo những cổ phiếu tăng giá có thanh khoản suy kiệt
Không nhiều nhà đầu tư sẵn sàng đu theo những cổ phiếu tăng giá có thanh khoản suy kiệt
Phiên giao dịch ấm lên khá bất ngờ ngày 16/8 ghi nhận hàng loạt cổ phiếu thị giá thấp tăng trần.

Trong số 137 cổ phiếu tăng giá hôm nay trên HSX, có 22 mã đóng cửa ở giá trần. Riêng nhóm tăng trần có tới 13 mã góp mặt là những cố phiếu có thị giá thấp hơn 10.000 đồng. Điều thú vị là nhà đầu tư nắm giữ những cổ phiếu trên không hẳn được hưởng trọn niềm vui vì dù mang màu sắc ký hiệu kịch trần nhưng thực chất biến động giá chỉ có đúng một bước tối thiểu, tức là tăng được có 100 đồng/cổ phiếu.

Nguyên nhân là thị giá của những mã trên thấp quá, dù tính theo biên độ 5%. Ví dụ BAS, VKP đang có mức tham chiếu đồng hạng là 1.800 đồng/cổ phiếu. Kịch trần tăng 5% cũng chưa tới 100 đồng. Do phải làm tròn số theo quy định bước giá nên đành lấy mức tăng 100 đồng. Những cổ phiếu kịch trần dạng này hôm nay bao gồm BAS, VKP, VSG, MHC,NVT, PVT. Giá đứng đầu trong nhóm là PVT, đạt 4.000 đồng/cổ phiếu.

Tại HNX, trong số 136 cổ phiếu tăng giá, cũng có 15 mã trần. Những cổ phiếu kịch trần có thị giá dưới 10.000 đồng bao gồm PCG, AGC, DNC, VIX, VC6, CMC, APP. Do biên độ lớn hơn HSX nên mức tăng cao nhất cũng được 500 đồng/cổ phiếu.

Những cổ phiếu giá “bèo” này nếu bỏ qua thị giá thì cũng có những diễn biến tăng khá hoành tráng. AGC trong 6 phiên gần đây cũng đem lại tỉ suất lợi nhuận gần 13%, quá tốt đối với tình trạng thị trường èo uột. VIX còn ấn tượng hơn với mức tăng từ đầu tháng 8 đến nay, từ thấp nhất 5.000 đồng/cổ phiếu lên cao nhất 7.100 đồng/cổ phiếu, lợi nhuận đâu đó 42%! VKP trên HSX cũng không quá tồi với gần 19% qua 5 phiên, KMR tăng hơn 12%...

Tỉ suất lợi nhuận tính theo con số tương đối có thể gây ấn tượng mạnh, nhưng nhà đầu tư nắm giữ những cổ phiếu nói trên chưa hẳn đã mát ruột. Nhìn khối lượng tích lũy chênh lệch giữa các vùng giá mới thấy giá trị tài sản đầu tư đã bốc hơi như thế nào.

BAS là một ví dụ. Thời điểm trước khi bị HSX tạm dừng giao dịch, thanh khoản bình quân mỗi tháng cũng trên dưới 30.000 cổ phiếu/ngày. Thời giá BAS trên mức mệnh giá, thanh khoản còn gấp nhiều lần. Vậy mà hiện giá chỉ còn chưa tới 2.000 đồng, thanh khoản 20 phiên gần nhất bình quân chưa tới 7.000 cổ phiếu mỗi phiên. Điều đó có nghĩa là khối lượng kẹt lại rất lớn và giá trị sụt giảm khó tưởng tượng.

Nói chung đa số các cổ phiếu thị giá rất thấp hiện tại đều phải trải qua một quá trình sụt giảm cay đắng vì nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn là doanh nghiệp làm ăn bết bát. Nhà đầu tư hiện tại đã thông minh hơn nhiều và không còn mấy người lao vào nhặn những cổ phiếu rẻ như cho này. Thực ra một số cổ phiếu có nguy cơ rất cao và thị trường định giá như vậy là hợp lý.

Trong nhóm cổ phiếu “bèo”, DVD là một trường hợp rất đáng tiếc. Từ một cổ phiếu được xếp vào nhóm blue-chip tiềm năng, sau sự kiện lùm xùm liên quan đến làm giá, kinh doanh nhập nhèm và nợ nần, DVD đã bị thị trường đánh tụt xuống hạng “ve chai đồng nát”. Nói chung biểu đồ giá của DVD có thể làm đau tim bất cứ ai có dính đến cổ phiếu này cho đến giờ. Từ mức trên 100.000 đồng/cổ phiếu, DVD hiện chỉ còn 3.900 đồng/cổ phiếu, rẻ hơn cả chi phí đánh một đôi giày!

Các cổ đông lớn ồ ạt tháo chạy khỏi DVD ở khoảng giá 12.000 đồng – 18.000 đồng. Thanh khoản tại vùng giá này tăng vọt chứng tỏ lại có rất nhiều nhà đầu tư khác nhảy vào đánh cược với rủi ro. Lúc đó nhiều ý kiến cho rằng khi áp lực cắt lỗ của tổ chức đã xong thì giá sẽ bật lên. Đến nay nhìn lại mới thấy các tổ chức vẫn sáng suốt hơn nhiều.

DVD hiện tại không khác gì một cái hộp đen. Thông tin từ doanh nghiệp đứt đoạn từ cuối tháng 4/2011 với mẩu văn bản giải trình việc cổ phiếu giảm sàn liền 5 phiên. Có lẽ cơ quan quản lý cũng chán với việc bắt DVD giải trình theo quy định vì từ đó đến nay, DVD cũng còn vài đợt sụt giá nữa. Nhà đầu tư nắm giữ DVD thì vẫn còn nguyên, nhưng tuyệt không thể tìm thấy thông tin nào mới từ doanh nghiệp. Bao giờ thì có kết luận cuối cùng về vụ việc DVD? Doanh nghiệp sai đến đâu, làm ăn có phạm luật không? Nhà đầu tư không có được câu trả lời cũng cũng đồng nghĩa với việc phải sống trong tình trạng “chết dở”.

Từ hôm 13/6 đến nay, HSX đã phát đi tới hai công văn nhắc nhở DVD về việc chậm báo cáo thông tin theo quy định. Cả đống báo cáo DVD còn khất, từ báo cáo thường niên năm 2010, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2010, báo cáo tài chính Quý 4/2010 (hợp nhất), Quý 1/2011 và Quý 2/2011 đến báo cáo tình hình quản trị Công ty từ Quý 4 năm ngoái đến Quý 2 năm nay.

Điều kiện để các cổ phiếu giá “bèo” nổi sóng là rất dễ. Các danh mục đầu tư với những mã dạng này gần như đã chết lâm sàng nên lượng cung cực thấp. Với giá vài ngàn đồng, dù nhà đầu tư có bán đi để cơ cấu danh mục thì tiền thu về cũng không mua được bao nhiêu cổ phiếu khác. Cách đặt giá ở những mã như vậy gần như trò đùa nên giá khớp cũng để cho vui.

Các cổ phiếu trên HNX là đại diện nổi bật cho tình trạng này. VIX là ví dụ: Những phiên tăng trần gần đây đều do duy nhất một lệnh mua khớp vào dư bán trần. Cả cung lẫn cầu với VIX chỉ vài trăm cổ. Rất nhiều mã tăng giá tại sàn này có khối lượng giao dịch tối thiểu khiến giá khớp không đủ tin cậy mặc dù không vi phạm quy định. Những cổ phiếu “nổi sóng” dạng này có lẽ chỉ là những bọt nước hơn là một con sóng đúng nghĩa. Dĩ nhiên cũng có nhiều cổ phiếu đạt thanh khoản đủ lớn, biểu hiện sự quan tâm của một mẫu số lớn nhà đầu tư. Mức độ tin cậy của biến động giá, do đó mang tính thực chất hơn.