Cổ phiếu nào sáng giá lọt rổ VN30 trong kỳ xem xét đầu năm 2023?
HoSE sẽ công bố kết quả xem xét định kỳ chỉ số VN30 vào 16/01/2023 và sẽ có hiệu lực từ ngày 06/02/2023. BCM được kỳ vọng có khả năng đưa vào rổ VN30, trong khi KDH sẽ bị loại khỏi rổ VN30...
Trong báo cáo cập nhật chỉ số VN30 vừa công bố, VnDirect kỳ vọng đợt xem xét định kỳ chỉ số VN30 nửa đầu 2023: BCM nhiều khả năng thay thế KDH.
Theo đó, HOSE sẽ công bố kết quả xem xét định kỳ chỉ số VN30 vào 16/01/2023 và sẽ có hiệu lực từ ngày 06/02/2023. BCM được kỳ vọng có khả năng đưa vào rổ VN30, trong khi KDH sẽ bị loại khỏi rổ VN30.
Theo ước tính, BCM với tỷ lệ tự do chuyển nhượng - freefloat trên 3% sẽ giúp giá trị vốn hóa điều chỉnh freefloat trung bình năm 2022 lớn hơn mức 2.500 tỷ để đáp ứng yêu cầu vào chỉ số VN30 trong kỳ xem xét này.
Với việc BCM được đưa vào rổ VN30, KDH, cổ phiếu nhỏ nhất tính theo vốn hóa thị trường điều chỉnh freefloat bình quân năm 2022 (~24.468 tỷ đồng) sẽ bị loại trong đợt xem xét định kỳ lần này.
Freefloat sẽ được HOSE tính toán lại với dữ liệu sở hữu được cập nhật vào ngày 31/12/2022. Nếu freefloat mới của BCM thấp hơn ước tính (dưới 3%), BCM sẽ không đáp ứng yêu cầu về vốn hóa thị trường điều chỉnh freefloat. Như vậy, trong kịch bản này, danh mục VN30 có thể không thay đổi và không có sự mua/bán đáng kể trong đợt xem xét định kỳ này.
Các quỹ ETF tham chiếu dựa trên chỉ số VN30, với tổng giá trị tài sản ròng đạt mức 8.605 tỷ đồng bao gồm ETF DCVFM VN30, ETF SSIAM VN30, ETF
FUEMAV30 và ETF KIM Growth VN30, sẽ thực hiện cân đối danh mục vào
ngày 03/02/2023.
Ước tính, trong quá trình xem xét này, 294.420 cổ phiếu BCM có thể được mua và 3,8 triệu cổ phiếu KDH sẽ được bán ra. Các mã được mua nhiều nhất về giá trị bao gồm: FPT, VPB và BCM với giá trị lần lượt là 30,4 tỷ đồng, 24,6 tỷ đồng và 23,4 tỷ đồng. Các cổ phiếu bị bán nhiều nhất về giá trị bao gồm KDH và GAS, với giá trị 102,4 và 14,5 tỷ đồng.
Đợt xem xét định kỳ chỉ số nửa cuối 2023, PDR có thể bị thay thế bởi SSB. Trước tác động của thị trường trái phiếu thời gian gần đây, giá cổ phiếu NVL và PDR đã bị điều chỉnh mạnh, giảm lần lượt 81% so với đầu năm và 80% so với đầu năm. Điều này khiến vốn hóa thị trường của các cổ phiếu này giảm mạnh chỉ còn 35.491 tỷ đồng và 9.738 tỷ đồng, đứng thứ 29 và 61 trên thị trường vào ngày 19/12/2022.
Do đó, ước tính vốn hóa trung bình của PDR trong đợt xem xét định kỳ nửa cuối năm 2023 sẽ không đủ lớn để nằm trong top 40 thị trường và sẽ bị loại khỏi thành phần chỉ số VN30.
Việc PDR bị loại khỏi VN30 sẽ cho phép SSB - cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất trong số các cổ phiếu đủ điều kiện nhưng không thuộc chỉ số VN30 - trở thành thành phần của VN30 trong đợt xem xét định kỳ nửa cuối 2023.
Ngoài ra, nếu vốn hóa thị trường của NVL liên tục sụt giảm và rơi khỏi top 40, NVL cũng sẽ đứng trước nguy cơ bị loại khỏi VN30 trong các đợt xem xét định kỳ tiếp theo.
Trong kỳ cơ cấu gần nhất của bộ chỉ số VN30 vào thời điểm tháng 7/2022, VIB chính thức lọt rổ VN30 với lượng cổ phiếu đang lưu hành của VIB là 2,1 tỷ cổ phiếu và lượng cổ phiếu đang niêm yết là 1,6 tỷ cổ phiếu. Trong khi đó PNJ đã bị loại khỏi danh mục.
Vn30 đã hồi phục đáng kể sau khi sập về đáy vào thời điểm 16/11/2022, tính từ đó đến nay chỉ số đã tăng 15,2%. Tuy vậy, tính từ đầu năm đến nay, chỉ số vẫn giảm 512 điểm từ vùng đỉnh đạt được là 1.546 điểm về 1.034 điểm tương ứng giảm 33,1%.
Giá trị giao dịch bình quân phiên của Vn30 cũng giảm 31,6% so với năm 2021 khi thị trường bùng nổ. Ở thời điểm năm 2021, mỗi phiên Vn30 khớp lệnh 10.000 tỷ đồng nhưng bước sang năm 2022, giá trị giao dịch chỉ còn hơn 6.000 tỷ đồng. Tiền có dấu hiệu rút lui khỏi Vn30 và chảy sang các nhóm Midcap khi nhóm này tăng 11,3% so với cùng kỳ từ mức bình quân 6.000 tỷ đồng/phiên lên hơn 7.160 tỷ đồng/phiên.
Dòng tiền chảy mạnh khỏi các nhóm ngành Ngân hàng, Thép, VLXD và Chứng khoán, trong khi đó, chỉ có Bán lẻ, Hóa chất và Điện thu hút dòng tiền chảy vào trong năm 2022.