Cổ phiếu ngân hàng duy trì sắc xanh, VN-Index vẫn mất hơn 4 điểm
Ảnh hưởng của các cổ phiếu đầu cơ nhỏ lao dốc dường như tác động đến nhiều cổ phiếu khác, ngay cả blue-chips. Trừ nhóm ngân hàng và một số mã chứng khoán, hầu hết các mã trụ khác cũng quay đầu giảm...
Ảnh hưởng của các cổ phiếu đầu cơ nhỏ lao dốc dường như tác động đến nhiều cổ phiếu khác, ngay cả blue-chips. Trừ nhóm ngân hàng và một số mã chứng khoán, hầu hết các mã trụ khác cũng quay đầu giảm.
VN30-Index là chỉ số nhóm vốn hóa duy nhất còn xanh trên sàn HoSE, chốt trên tham chiếu 0,18%. Trong khi đó nhóm smallcap đã bốc hơi tới 2,1%, với số cổ phiếu giảm giá gấp 3,4 lần số tăng giá.
Việc nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ yếu thêm trong phiên chiều không bất ngờ. Tuy nhiên điều thị trường chờ đợi là nhóm VN30 sẽ mạnh lên. Được như vậy thì VN-Index có thể vẫn tăng bất chấp độ rộng rất hẹp. Thêm nữa đó có thể là tín hiệu dòng tiền dịch chuyển trở lại blue-chips.
VN30-Index quả thực có một nhịp tăng rất khá nửa đầu phiên chiều. Chỉ số này vọt lên tăng 0,92% so với tham chiếu và đạt đỉnh lúc 1h30. Tuy nhiên ngay sau đó lại xuất hiện một đợt xả mạnh khiến tất cả cổ phiếu đều trượt giá trở lại, thậm chí, VN30-Index còn rơi xuống sát tham chiếu, chỉ còn trên mức này đúng 0,15 điểm lúc 2h23. Chốt phiên VN30 tăng nhẹ 0,18% hay 2,56 điểm.
Nhịp tăng vọt đầu phiên chiều của VN30 dĩ nhiên có tác dụng kéo VN-Index. Chỉ số chính cũng có một đợt tăng ngắn, vượt qua tham chiếu 0,54%. Mức tăng yếu ở chỉ số này cho thấy không phải tất cả các trụ của VN-Index trong VN30 đều tăng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán nổi lên khá rõ trong cơn hỗn loạn buổi chiều. Phần lớn cổ phiếu ngân hàng còn tăng giá đến hết ngày như VPB tăng 3,93%, TPB tăng 4,6%, TCB tăng 1,43%, STB tăng 1,27%, MBB tăng 1,06%, CTG tăng 1,87%, BID tăng 1,53%, ACB tăng 1,4%, HDB tăng 1,33%.
Nhóm ngân hàng nhỏ trên các sàn khác cũng rất tốt. NVB tăng kịch trần, PGB tăng 6,02%, BVB tăng 5,76%, BAB tăng 4,5%, EIB tăng 4,21%...
Tuy vậy bản thân các cổ phiếu mạnh nhất là ngân hàng, cũng chịu sức ép ở nhịp giảm buổi chiều. VCB từ chỗ tăng 0,8% bị đánh tụt về tham chiếu. TCB, STB thậm chí bị mất quanh 1,5% so với đỉnh. MBB, BID, CTG cũng trả lại đáng kể mức tăng.
Đối với các cổ phiếu trụ khác, sức ép quá lớn khiến giá biến động mạnh theo hướng bất lợi. VIC trượt mạnh, đóng cửa giảm 1,16%, GAS giảm 1,88%, GVR giảm 1,15%, HPG giảm 0,98%, MSN giảm 0,99%... Độ rộng rổ VN30 lúc đóng cửa chỉ còn 11 mã tăng/17 mã giảm cho thấy sự phân hóa đã nghiêng hẳn về phía tiêu cực, dù một số trụ ngân hàng vẫn giúp chỉ số này duy trì màu xanh. VN-Index đã không thể cưỡng lại được sức nặng của các trụ còn lại ngoài ngân hàng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang được “tung hô” khá mạnh gần đây và có thể dòng tiền bắt đầu tìm kiếm cơ hội. Một số mã đang có thanh khoản tăng dần tương đối rõ như VPB, MBB, TPB. Tuy nhiên cũng phải nhấn mạnh rằng mức thanh khoản hiện tại vẫn là quá nhỏ so với trước đây, chỉ tăng từ nền rất thấp vài tuần gần đây mà thôi.
Sàn HoSE đóng cửa với độ rộng 125 mã tăng/294 mã giảm. Smallcap giảm 2,1%, Midcap giảm 1,03% xác nhận hai nhóm cổ phiếu này có lực xả lớn. Rổ Smallcap đến cuối phiên có gần 100 mã giảm trên 2%, trong đó gần 30 mã giảm trên 5%. SJF, TMT, DBT, VMD, PHC, VSI, BCG đã giảm sàn.
Vẫn có khá nhiều cổ phiếu nhỏ tiếp tục tăng tốt đến cuối phiên dù trải qua rung lắc cực mạnh theo cả nhóm. APG vẫn kịch trần thành công bất chấp 8 phiên vừa qua đã tăng gần 35%. TCB trong 8 phiên cũng tăng 30% và vẫn trần cứng cả ngày hôm nay. Ngoài ra lác đác một số mã nhỏ khác tăng 3-5% nhưng thanh khoản không nhiều.
Chiều nay dòng tiền vào nhóm blue-chips VN30 hơi thất vọng, chỉ đạt 4.790 tỷ đồng, giảm 13% so với phiên sáng và giảm 15% so với chiều hôm qua. HPG, SSI VHM là 3 blue-chips giao dịch lớn nhất, vượt mốc ngàn tỷ đồng và chiếm tới 42,4% tổng giá trị rổ VN30. Điều đó cho thấy thực sự dòng tiền cũng chưa gia tăng mạnh ở nhóm blue-chips.
Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay tiếp tục xả mạnh VHM, SSI và nhiều mã khác. VHM đã bị xả ròng vọt lên 353,8 tỷ đồng trong khi phiên sáng mới là 118 tỷ. SSI bị xả tăng lên 247 tỷ ròng, phiên sáng là 168 tỷ đồng. VIC, HPG, MSN, VNM là các mã khác bị bán nhiều đáng kể. Phía mua có VCB, MBB, DCM, VCI là quanh 20 tỷ đồng ròng trở lên. Tính chung HoSE bị bán ròng 825,2 tỷ đồng.