Cổ phiếu Tesla đưa chứng khoán Mỹ lên mức kỷ lục, giá dầu sụt giảm
Cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ cùng đóng cửa ở mức cao kỷ lục trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (12/7), khi cổ phiếu Tesla và cổ phiếu ngân hàng giữ vai trò dẫn dắt...
Đỉnh mới được thiết lập trong lúc nhà đầu tư chờ mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 bắt đầu và loạt dữ liệu kinh tế dự kiến công bố trong tuần.
Các nhóm tài chính, dịch vụ truyền thông và bất động sản thuộc chỉ số S&P 500 tăng hơn 0,8% mỗi nhóm. Cổ phiếu Tesla tăng hơn 4%, đóng góp nhiều nhất vào mức tăng của S&P 500 và Nasdaq.
Trong phiên toà liên quan đến việc Tesla thâu tóm công ty SolarCity vào năm 2016, CEO Elon Musk của Tesla khẳng định ông không thao túng Tesla và cũng chẳng thích thú gì với vai trò điều hành Tesla nhưng ông buộc phải đảm nhiệm cương vị này vì nếu không hãng xe điện sẽ “chết”.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng thuộc nhóm tài chính trong S&P 500 tăng 1,3% trước khi một loạt ngân hàng lớn công bố báo cáo tài chính quý 2/2021 trong tuần này, bao gồm Goldman Sachs và JPMorgan Chase đưa ra báo cáo vào ngày thứ Ba. Cổ phiếu JPMorgan Chase tăng hơn 1% và cổ phiếu Goldman Sachs tăng hơn 2%, thúc chỉ số Dow Jones đi lên.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh này được giới đầu tư ở Phố Wall xem là cung cấp những dấu hiệu sớm về việc liệu sự phục hồi kinh tế Mỹ có thể kéo dài bao lâu. Lợi nhuận quý 2 của các công ty trong S&P 500 được dự báo tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Refinitiv.
Năm nay, S&P 500 đã tăng khoảng 17%. Đà tăng kéo dài khiến một số nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu thị trường có thể tiếp tục đi lên đến bao giờ và lo ngại về nguy cơ của một đợt điều chỉnh mạnh.
“Mùa báo cáo kết quả kinh doanh sẽ được chào đón nồng nhiệt như một cơ hội để những khuynh hướng đang tồn tại được xác nhận”, trưởng bộ phận giao dịch và nghiên cứu của Harvest Volatility Management, ông Mike Zigmont, phát biểu. “Cho dù các công ty không đưa ra dự báo rực rỡ về lợi nhuận trong thời gian tới như kỳ vọng của những nhà đầu tư lạc quan nhất, thì đó cũng sẽ là một điều hợp lý”.
Có nhiều dữ liệu kinh tế Mỹ quan trọng được công bố trong tuần này, bao gồm số liệu về lạm phát và bán lẻ. Ngoài ra, tâm điểm chú ý của thị trường còn là phiên điều trần về chính sách tiền tệ của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trước Quốc hội nước này vào ngày thứ Tư và thứ Năm.
Mấy phiên gần đây, nhà đầu tư đã lo ngại về lạm phát tăng và sự lây lan của biến chủng Covid-19 Delta. Mối lo này dẫn tới sự giằng co giữ các cổ phiếu giá trị và cổ phiếu tăng trưởng, vì nhà đầu tư không chắc nên mua cổ phiếu nào là hợp lý vào thời điểm này.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 0,36%, đạt 34.996,18 điểm. S&P 500 tăng 0,35%, đạt 4.384,63 điểm. Nasdaq tăng 0,21%, đạt 14.733,24 điểm.
Cả ba chỉ số cùng chốt phiên ở mức cao chưa từng thấy trong lịch sử.
Cổ phiếu Walt Disney tăng hơn 4% sau khi bộ phim “Black Widow” (“Goá phụ đen”) đạt doanh thu 80 triệu USD trong cuối tuần công chiếu đầu tiên.
Cổ phiếu công ty ứng dụng gọi xe Didi giảm 7% sau khi công ty xác nhận rằng công ty quản lý không gian mạng Trung Quốc đã yêu cầu các gian ứng dụng trực tuyến xoá bỏ 25 ứng dụng của Didi. Công ty cũng cho biết động thái của Bắc Kinh có thể ảnh hưởng đến doanh thu của Didi tại thị trường trong nước.
Cổ phiếu công ty du lịch vũ trụ Virgin Galactic Holdings sụt 17% sau khi tuyên bố có thể bán 500 triệu USD cổ phiếu. Tuyên bố này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Virgin Galactic hoàn tất chuyến du lịch vũ trụ đầu tiên có phi hành đoàn đầy đủ, với sự tham gia của nhà sáng lập, tỷ phú Richard Branson.
Giá dầu thô giảm trong phiên đầu tuần, sau khi giảm khoảng 1% trong tuần trước, vì mối lo kinh tế toàn cầu giảm tốc lấn át mối lo về nguồn cung dầu thắt chặt.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao tháng 9 tại thị trường London giảm 0,52%, còn 75,16 USD/thùng. Giá dầu WTI giao tháng 8 tại thị trường New York giảm 0,62%, còn 74,1 USD/thùng.