Cổ phiếu trụ lên tiếng, VN-Index “bật xanh”, khối ngoại xả đột biến hơn 1.200 tỷ
Sức ép từ phía bán vẫn duy trì liên tục trong phiên chiều nay trong khi bên mua có vẻ thận trọng rất cao khiến thanh khoản bất ngờ giảm hơn 19% so với phiên sáng. Tuy nhiên đến đợt ATC loạt cổ phiếu trụ có lực mua mạnh đột ngột kéo giá tăng. VN-Index từ mức giảm 2,35 điểm nhảy lên tăng 1,83 điểm...
Sức ép từ phía bán vẫn duy trì liên tục trong phiên chiều nay trong khi bên mua có vẻ thận trọng rất cao khiến thanh khoản bất ngờ giảm hơn 19% so với phiên sáng. Tuy nhiên đến đợt ATC loạt cổ phiếu trụ có lực mua mạnh đột ngột kéo giá tăng. VN-Index từ mức giảm 2,35 điểm nhảy lên tăng 1,83 điểm.
VCB chốt đợt khớp lệnh liên tục vẫn còn giảm 0,43% nhưng ATC đảo ngược thành tăng 0,11%. VIC đang giảm 0,78% đảo thành tăng 0,89% tức là trong một lần khớp lệnh giá đã tăng 1,68%. Các trụ khác như VHM, MSN, CTG, FPT… đều bật giá lên cao hơn trong đợt này, dù không phải cổ phiếu nào cũng vượt tham chiếu. Tổng hợp sức mạnh hạn chế ở số lớn cổ phiếu trụ giúp VN-Index đóng cửa tăng vừa đủ. VN30-Index cũng quay lại được tham chiếu dù chốt đợt liên tục vẫn đỏ 4,4 điểm.
Không chỉ đẩy trụ, diễn biến giá cổ phiếu trong VN-Index nói chung cũng khá hơn ở đợt ATC. Cụ thể, chốt đợt liên tục độ rộng chỉ số là 175 mã tăng/257 mã giảm. Đóng cửa, có 204 mã tăng/223 mã giảm, tương quan giá đã cân bằng hơn rất nhiều. Nếu chỉ thuần túy là kéo trụ thì chỉ có chỉ số được tác động, độ rộng vẫn sẽ khó thay đổi.
Thanh khoản phiên chiều nay bất ngờ ở mức yếu, hai sàn chỉ khớp lệnh thêm xấp xỉ 9.599 tỷ đồng, giảm 16% so với phiên sáng. Sàn HoSE giảm giao dịch 17% còn 8.727 tỷ đồng. Mặc dù số lượng cổ phiếu giảm giá vẫn áp đảo trong phiên chiều nhưng cổ phiếu không lùi giá quá nhiều và càng không tạo đáy sâu hơn đầu phiên. Chốt phiên sáng độ rộng sàn HoSE ghi nhận 148 mã tăng/269 mã giảm, tương quan khoảng 0,55/1. Diễn biến độ rộng chiều nay kém nhất lúc 1h35 với tương quan 0,41/1 tại thời điểm VN-Index lùi sâu nhất giảm 6,9 điểm. Tuy nhiên đến cuối phiên tương quan đã trở lại cân bằng.
Như vậy thị trường vẫn chưa cho thấy áp lực bán mạnh thêm mặc dù chiều nay có thêm lượng cổ phiếu khá lớn về tài khoản. Thanh khoản lại giảm hơn so với buổi sáng mặc dù bán chiến nay có lợi hơn so với phiên sáng.
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết cả phiên hôm nay tăng gần 32% so với hôm qua, đạt 21.500 tỷ đồng, xác nhận một phiên trao tay lớn nhất trong 5 tuần trở lại đây. Liên tục các phiên trong nhịp tăng này ngày nào cũng có các đợt bán ra chốt lời nhưng hôm nay gây sức ép rõ rệt nhất. Tuy vậy thị trường chưa cho thấy có sự suy yếu đáng kể.
Mặc dù về số lượng thì cổ phiếu giảm giá nhiều hơn tăng, nhưng về phân bổ vốn thì nhóm tăng giá lại tốt hơn. Cụ thể, giao dịch ở nhóm cổ phiếu tăng giá chiếm 56,2% sàn HoSE trong khi nhóm giảm chiếm 38,8%. Ngoài ra, 96/204 mã tăng vượt 1% chiếm 38,5% giao dịch sàn. 65/233 mã giảm hơn 1% tập trung 12,8%. Nói đơn giản thì nhìn từ góc độ dòng tiền, xác suất cao hơn là nhà đầu tư vẫn thấy lợi nhuận tiến triển hôm nay.
Cả bên tăng lẫn bên giảm đều có những cổ phiếu chịu tác động mạnh. NVL đóng cửa giảm sàn sau ít nỗ lực phục hồi không thành công. Giao dịch tại NVL lên tới 963,4 tỷ đồng, cao nhất 14 phiên. PDR lao dốc 1,63% với 305,7 tỷ đồng thanh khoản, VPB, STB cũng giảm hơn 1% với giao dịch đều trên 200 tỷ. Phía tăng dĩ nhiên tốt hơn với 15 mã tăng hơn 1% so với tham chiếu và thanh khoản đều từ 200 tỷ đồng trở lên. Dẫn đầu là HPG tăng 1,82% với 1.042,7 tỷ đồng; DIG tăng 2,69% với 796,2 tỷ; SHB tăng 2,15% với 709,9 tỷ; MSN tăng 1,54% với 440,6 tỷ…
Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay bất ngờ bán ra cực lớn, nhưng tập trung chủ yếu ở giao dịch thỏa thuận VHM với mức bán ròng 918 tỷ đồng. Riêng chiều nay khối này xả ròng thêm 873,4 tỷ nữa, trong khi buổi sáng đã bán ròng 406,1 tỷ. Như vậy hôm nay là phiên rút tiền về cao đột biến 14 phiên. Ngoài VHM, có thêm TCB -218,6 tỷ, PVD -72 tỷ, VRE -50,8 tỷ, CTG -45,1 tỷ, GMD -43,6 tỷ là nổi bật.