Cổ phiếu vốn hóa lớn lại “phá bĩnh”, bất động sản, chứng khoán hút dòng tiền
Nhịp trượt giảm nửa sau phiên sáng nay thậm chí có lúc đẩy VN-Index giảm gần 1 điểm. Ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là rất rõ nét, VN30-Index chốt phiên chưa thể có màu xanh, biên độ trượt giá ở nhóm này khá mạnh với nhiều mã để mất hơn 1% so với mức đỉnh. Dù vậy tổng thể thị trường vẫn đang phân hóa tích cực với thanh khoản nhích nhẹ...
Nhịp trượt giảm nửa sau phiên sáng nay thậm chí có lúc đẩy VN-Index giảm gần 1 điểm. Ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là rất rõ nét, VN30-Index chốt phiên chưa thể có màu xanh, biên độ trượt giá ở nhóm này khá mạnh với nhiều mã để mất hơn 1% so với mức đỉnh. Dù vậy tổng thể thị trường vẫn đang phân hóa tích cực với thanh khoản nhích nhẹ.
VN-Index chốt phiên sáng tăng 0,44 điểm tương đương +0,04%, độ rộng ghi nhận 210 mã tăng/202 mã giảm. Chỉ số đạt đỉnh lúc 10h25, tăng 0,42% với 287 mã tăng/114 mã giảm. Như vậy khá nhiều cổ phiếu đã chịu sức ép và đảo chiều ở nửa sau của phiên.
Nhìn từ góc độ dao động trong ngày, biên độ trượt giá cũng khá mạnh, với hơn 42% số cổ phiếu có phát sinh giao dịch sáng nay đã tụt tối thiểu 1% so với mức cao nhất giữ phiên.
Diễn biến tăng trước, suy yếu sau trên nền thanh khoản tăng thể hiện thị trường đã xuất hiện áp lực ngắn hạn mới. Giá trị khớp lệnh sàn HoSE sáng nay đã tăng khoảng 7% so với sáng hôm qua, đạt 5.521 tỷ đồng. Tính chung cả HNX, giá trị khớp lệnh tăng 8% với gần 6.244 tỷ đồng.
Điểm tích cực là nhóm tập trung thanh khoản cao nhất vẫn duy trì trạng thái giá khá tốt, không giảm, dù mức tăng phổ biến cũng nhẹ. HoSE đang có 15 cổ phiếu thanh khoản trên 100 tỷ đồng thì chỉ có 3 mã giảm là HAG giảm 0,89%, NVL giảm 1,1% và HPG giảm 0,37%. Dù vậy cũng chỉ có 4 mã trong nhóm thanh khoản hàng đầu này đạt mức tăng trên 1% là VGC tăng 4,17%, VIX tăng 1,52%, DXG tăng 1,51% và KBC tăng 1,45%.
Dòng tiền đang tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu nhóm chứng khoán và bất động sản. VIX và SSI đang dẫn đầu thị trường với giao dịch tương ứng 297 tỷ đồng và 237 tỷ đồng. VND cũng đang xếp thứ 4 thị trường với 177,8 tỷ. Nhóm bất động sản có DIG, NVL, DXG, KBC, PDR, HAG nằm trong Top 10 mã giao dịch lớn nhất.
Hiện xu hướng tăng của VN-Index tương đối yếu và chậm do đà của nhóm trụ không tốt. Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của chỉ số này, chỉ có 3 mã tăng là VPB tăng 0,52%, CTG tăng 0,38%, FPT tăng 0,76%. VIC, GAS chỉ đứng tham chiếu, còn lại VCB giảm 0,12%, BID giảm 0,13%, VHM giảm 0,85%, HPG giảm 0,37%, VNM giảm 0,15%.
Mặc dù vậy chỉ số đang không phản ánh hết giao dịch của cổ phiếu. Trạng thái phân hóa đang diễn ra hàng ngày do dòng tiền tập trung có trọng điểm. Như mới chỉ ra ở trên, các cổ phiếu thu hút được dòng tiền hầu hết vẫn đang tăng. Mặt khác, về biên độ, VN-Index hiện cũng chỉ có 38 mã giảm quá 1% và thanh khoản nhóm này chiếm 6,8% tổng khớp sàn. Phía tăng có 71 mã tăng trên 1% với tỷ trọng thanh khoản 23%.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay tiếp tục duy trì bán ròng suốt từ đầu tuần, rút thêm 145,7 tỷ đồng nữa. Tuy nhiên cũng không có cổ phiếu nào bị bán đột biến, nhiều nhất là VNM -27,3 tỷ, MSN -19,4 tỷ, STB -14,3 tỷ, CTG -12,6 tỷ và chứng chỉ quỹ FUEVFVND -19,5 tỷ. Phía mua nhiều nhất là FRT cũng chỉ có 10,9 tỷ đồng.
Thanh khoản đang nhích dần lên trong khi khối ngoại liên tiếp bán ròng cho thấy dòng vốn nội có cải thiện, dù mức độ còn chậm. Khả năng phân hóa tăng giảm mạnh hơn chỉ số là yếu tố khuyến khích dòng tiền vận động năng động hơn.