10:57 05/11/2020

Có tình trạng lơ là, Hà Nội lập 5 đoàn kiểm tra phòng chống dịch Covid-19

Nhật Dương

Hà Nội lập 5 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố từ hôm nay

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Việt Nam đã trải qua hơn 2 tháng không có ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, nhưng Bộ Y tế nhận định nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập luôn thường trực, nhất là ở các thành phố lớn, nơi tập trung đông người như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh…

Riêng trong sáng nay, Bộ Y tế ghi nhận thêm một ca mắc Covid-19 mới là công dân Việt Nam nhập cảnh được cách ly ngay. Cụ thể, bệnh nhân 1.207, nữ, 33 tuổi, có địa chỉ tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 22/10, bệnh nhân từ Oman nhập cảnh Sân bay Nội Bài trên chuyến bay QR976, được cách ly ngay tại huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Bệnh nhân được lấy mẫu lần 2 ngày 3/11, kết quả xét nghiệm ngày 4/11 tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân đang được chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Bộ Y tế nhận định, nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập luôn thường trực, nhất là khi tăng các chuyến bay đưa chuyên gia nước ngoài, người lao động về nước, tuy nhiên hiện nay đã xuất hiện tình trạng người dân chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.

Tại Hà Nội, theo Sở Y tế, 50% số người ra vào chung cư không đeo khẩu trang; khu vực phía ngoài cổng bến xe nhiều người không đeo khẩu trang nhưng không có lực lượng để nhắc nhở.

Gần đây nhất, liên quan đến bệnh nhân 1.203 là chuyên gia Israel nhập cảnh Việt Nam được cách ly tại khách sạn Mường Thanh - 78 Thợ Nhuộm, Hoàn Kiếm, có hai nhân viên khách sạn trở thành F1 do không thực hiện biện pháp phòng bệnh khi tiếp xúc với người được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp. Hà Nội, kết quả điều tra cho thấy, trong quá trình cách ly tại khách sạn, bệnh nhân có tiếp xúc gần với 2 người là nhân viên làm việc tại khách sạn, hiện tại 2 người này sức khỏe bình thường, làm việc trong khu vực cách ly của khách sạn từ ngày 24/10/2020, không về nhà và không tiếp xúc với cộng đồng, không có biểu hiện ho, sốt, khó thở, đã được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

Qua sự việc này, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các khách sạn thực hiện nghiêm túc quy trình cách ly người nhập cảnh. Khi tiếp xúc với người được cách ly, nhân viên khách sạn phải mặc đồ bảo hộ.

Hà Nội cũng lập lập 5 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Theo đó, từ ngày 5/11 đến khi kết thúc dịch bệnh, các đoàn công tác do lãnh đạo Sở Y tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy làm trưởng đoàn tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương.

Nội dung kiểm tra gồm: công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa điểm công cộng, siêu thị, trung tâm thương mại, khu chung cư cao tầng, nhà ga, bến xe, cơ sở y tế; việc quản lý người nhập cảnh tại các cơ sở cách ly tập trung, tại nơi lưu trú…

Hiện nay, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch, trong đó sẽ rà soát tất cả các kịch bản, chuẩn bị ứng phó với tình huống xấu nhất trong mùa đông năm nay. Bộ Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị y tế địa phương, đặc biệt là các địa phương có cửa khẩu cần phối hợp với bộ, ngành liên quan giám sát, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam.

Về tình hình dịch bệnh trên thế giới, theo cập nhật từ Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), thống kê của worldometers.info, tính đến 9h00 hôm nay (5/11), thế giới ghi nhận 48.412.277 người mắc; 1.230.101 người tử vong, 34.665.320 người khỏi bệnh.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19, tiếp theo là Ấn Độ, quốc gia đứng thứ ba thế giới về số trường hợp mắc là Brazil. Châu Âu hiện đang là tâm dịch của Covid-19 với tốc độ lây lan nhanh khó kiểm soát, đặc biệt khi khu vực này bước vào mùa đông. Số ca mắc Covid-19 tại khu vực đã tăng gấp đôi chỉ trong 5 tuần qua.

Khoảng 14 quốc gia Châu Âu ghi nhận số ca nhập viện vì Covid-19 kỷ lục trong tuần này. Châu Âu cũng đứng trước bờ vực khủng hoảng y tế lớn khi công suất chăm sóc và điều trị tại các bệnh viện đạt đến cực hạn, nhân viên y tế phải đối mặt với tình thế chọn lựa sinh tử giữa các bệnh nhân.

Khu vực Châu Á, đứng thứ 2 sau Ấn Độ về số trường hợp mắc là Iran. Hàn Quốc cũng đã ghi nhận sự bùng phát trở lại của dịch bệnh, tuần qua đã ghi nhận 124 ca nhiễm mới, chính phủ quyết định mở rộng các địa điểm công cộng bắt buộc người dân đeo khẩu trang từ ngày 7/11 (trung tâm giải trí, spa, trung tâm mua sắm, tiệm cắt tóc…).

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực đã quyết định gia hạn các hạn chế xã hội quy mô lớn tại nhiều thành phố lớn đến ngày 25/11. Singapore là vùng dịch lớn thứ ba, nước này đang có kế hoạch áp dụng xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 tại các lễ cưới và các hội nghị doanh nghiệp nhằm nỗ lực nhanh chóng mở cửa trở lại nền kinh tế.