Còn 4% học sinh, sinh viên chưa tham gia bảo hiểm y tế
Theo thống kê, hiện cả nước vẫn còn khoảng 4% học sinh, sinh viên chưa tham gia bảo hiểm y tế, tập trung ở nhóm sinh viên các trường đại học và học sinh các trường cao đẳng, trung cấp, đào tạo nghề...
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm học 2021-2022, chính sách bảo hiểm y tế đã bao phủ đến 96% học sinh, sinh viên.
Như vậy những học sinh sinh viên này sẽ được đảm bảo và thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi bảo hiểm y tế theo quy định, trong đó nếu không may ốm đau, bệnh tật các em sẽ được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán số tiền khám chữa bệnh không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng, có thể lên tới hàng tỷ đồng/năm.
Khi tham gia bảo hiểm y tế, nếu học sinh sinh viên đi khám chữa bệnh đúng tuyến sẽ được quỹ bảo hiểm y tế chi trả 80% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi, quyền lợi được hưởng. Trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến, các em sẽ được hưởng theo phạm vi, mức hưởng bảo hiểm y tế như sau: 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến Trung ương; 100% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh; 100% chi phí tại bệnh viện tuyến huyện.
Trong quá trình triển phát triển chính sách bảo hiểm y tế ngày càng được hoàn thiện theo hướng quyền lợi, chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng được nâng cao và mở rộng. Theo đó, học sinh sinh viên khi tham gia cũng được hưởng nhiều lợi ích hơn từ chính sách bảo hiểm y tế như: được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại trường học; được tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với các thủ tục thuận tiện, thông thoáng; được tiếp cận các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn….
Thực tế cho thấy, quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là học sinh sinh viên mắc các bệnh nan y, mạn tính phải điều trị dài ngày, nhiều đợt (như: chạy thận nhân tạo, điều trị ung thư, phẫu thuật tim mạch…) với chi phí từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng.
Qua đó, nhờ có tấm thẻ bảo hiểm y tế, nhiều học sinh sinh viên và gia đình chủ động về chi phí khám chữa bệnh, vơi đi gánh nặng tài chính giữa lúc khó khăn khi không may bị ốm đau, bệnh tật, để học sinh sinh viên yên tâm chữa bệnh, điều trị sớm quay lại môi trường cuộc sống và học tập bình thường.
Đáng chú ý trong khi Luật bảo hiểm y tế chưa có quy định chi tiết cho y tế dự phòng nhưng nhóm học sinh sinh viên đã gián tiếp được hưởng các quyền lợi này thông qua việc chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường.
Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trường học hiện đang vận hành chủ yếu từ nguồn kinh phí trích lại từ quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho hoạt động y tế trường học (trong đó có nội dung chi hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho học sinh đầu năm học; tổ chức các hoạt động tư vấn giáo dục, sức khỏe và phòng bệnh…).
Theo quy định của Luật bảo hiểm y tế, học sinh sinh viên là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế. Do đó, việc tham gia bảo hiểm y tế không những là quyền lợi mà còn là trách nhiệm tuân thủ pháp luật, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của học sinh sinh viên thông qua việc đóng góp, chia sẻ rủi ro với những người không may bị ốm đau, bệnh tật…, đặc biệt với những người nghèo, người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội.
Tuy nhiên, theo thống kê, hiện cả nước vẫn còn khoảng 4% học sinh sinh viên chưa tham gia bảo hiểm y tế, tập trung ở nhóm sinh viên các trường đại học và học sinh các trường cao đẳng, trung cấp, đào tạo nghề.
Trong số này, một số học sinh sinh viên và phụ huynh vẫn còn hiểu chưa thấu đáo về chính sách bảo hiểm y tế, cho rằng chỉ cần tham gia bảo hiểm y tế những lúc ốm đau.
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng bảo hiểm y tế là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn và tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người khỏe với người ốm, giữa người trẻ với người già, giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp….
Từ đó, nhằm hướng tới việc bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân không vì mục đích lợi nhuận, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân, không phân biết giàu nghèo và các tầng lớp xã hội.