09:00 17/04/2007

Còn “alô” được là vẫn có thể lướt web

Với thế mạnh di động trải rộng, sóng viễn thông vươn tới đâu, việc truy cập Internet có thể thực hiện được ở đó

Nhiều thuận tiện, nhưng dịch vụ Internet di động hiện nay còn khá đắt.
Nhiều thuận tiện, nhưng dịch vụ Internet di động hiện nay còn khá đắt.
Giữa một nơi đồng không mông quạnh thuộc tỉnh Sơn La, phóng viên Lương Thi Hoàng cần chuyển gấp tin về tòa soạn ở Hà Nội bằng e-mail. Rút điện thoại trong túi ra thấy còn một vạch sóng, Hoàng yên tâm mở laptop. Vài phút sau, anh đã online nhờ modem kết nối là chính điện thoại di động.

Hoàng cho biết, anh dùng Internet di động của một doanh nghiệp viễn thông mạng CDMA trong nước từ tháng 4 năm ngoái. Và đối với một phóng viên thường xuyên phải đi công tác ở những vùng, miền xa như anh thì đây là một tiện ích lý tưởng.

“Tôi có thể truy cập Internet ở bất kỳ nơi nào có phủ sóng viễn thông thuộc mạng tôi đang dùng. Nhiều khi ở giữa núi rừng Tây Bắc mà vẫn kết nối được với bạn bè, đồng nghiệp, xúc động lắm”, anh Hoàng chia sẻ.

Nguyễn Hưng Hà là giám đốc một doanh nghiệp thương mại điện tử tại Hà Nội. Vì tính chất công việc, không ngày nào anh Hà không vào mạng vài lần. “Trước đây, muốn đi chơi xa ở đâu tôi cũng phải để ý lựa chọn những nơi có Wi-Fi hay đại lý Internet. Nhưng từ khi dùng dịch vụ truy cập mạng bằng sóng viễn thông thì thứ bảy, chủ nhật, tôi vô tư đưa vợ con đi dã ngoại. Chỉ cần ôm theo laptop là ổn”.

Với thế mạnh di động trải rộng, sóng viễn thông vươn tới đâu, việc truy cập Internet có thể thực hiện được ở đó, dịch vụ này đặc biệt hấp dẫn đối với doanh nhân, phóng viên, nhà đầu tư chứng khoán... bởi nó cho phép người dùng online ngay bên bàn nhậu, lúc lênh đênh trên biển, khi lắc lư trong ôtô hay đang lang thang miền sơn cước.

Dường như các doanh nghiệp có CDMA cũng ý thức rõ lợi thế công nghệ này của mình so với GSM nên không nhà cung cấp nào lỡ nhịp thời cuộc. S-Fone, EVN Telecom, HT mobile đều mở ra cơ hội lướt web kèm theo các dịch vụ giá trị gia tăng như xem truyền hình trực tuyến, xem phim, nghe nhạc theo yêu cầu... cho các thuê bao của mình.

Dịch vụ truy cập Internet mà các doanh nghiệp viễn thông CDMA trong nước cung cấp cho khách hàng đều ứng dụng trên nền công nghệ: 2000 1x (với tốc độ 153 Kb/giây) và EVDO (cho tốc độ 2,4 Mb/giây). Người sử dụng có thể dùng điện thoại trong vai trò một modem hoặc thiết bị chuyên dụng như thẻ PCMCIA hay EVDO USB để kết nối Internet cho máy tính.

Tuy nhiên, giá các thiết bị này không ở mức bình dân. Chẳng hạn như hai loại card của HT mobile là Merlin (chuẩn EVDO) giá khoảng 3,8 triệu đồng và Huawei EC321 (chuẩn 2000 1x) trên 1,7 triệu đồng. Còn USB modem C-motech CCU-550 của S-Fone cũng gần 1,8 triệu đồng. Đó là chưa kể các khoản như phí hòa mạng, thuê bao, cước tuyền dữ liệu...

Ví dụ, gói cước Internet di động Data Basic của S-Fone là 400 nghìn đồng/tháng với hạn mức 4 GB dữ liệu và 150 nghìn đồng cước kết nối ban đầu. Sử dụng vượt quá 4 GB, cước truyền dữ liệu sẽ là 0,5 đồng/KB.

Hay như EVN Telecom tính giá dành cho dịch vụ 096, công nghệ 2000 1x của EVN là 180 đồng/phút, nếu dùng EVDO tiền thuê bao là 80 nghìn đồng/tháng cộng 300 đồng/MB dữ liệu.

Với những người thực sự có nhu cầu về Internet di động thì chuyện giá cả như vậy có thể không phải là vấn đề quá lớn. Thậm chí, nhiều người đang sử dụng điện thoại mạng GSM nhưng cũng dùng thêm một máy CDMA chỉ để vào mạng bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Internet di động trên sóng viễn thông vẫn chỉ là giải pháp tức thời, là “gạch nối” trước khi WiMax thực sự đi vào đời sống.

Các doanh nghiệp thì không nghĩ như vậy. “Wi-Max là công nghệ của tương lai và hiện chưa có chuẩn nào cụ thể. Cố định hay di động đều trong giai đoạn thử nghiệm”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó giám đốc marketing của HT mobile, phân tích.

“Thậm chí, nếu đã chuẩn hóa rồi thì cũng còn rất nhiều vấn đề bởi việc đầu tư cho một công nghệ thay thế không đơn giản trong khi nhu cầu của người Việt Nam chỉ là những dịch vụ cơ bản và giá ADSL thì liên tục giảm”.

Phó giám đốc Trung tâm viễn thông di động điện lực EVN Tạ Hồng Cương cũng bình luận: “Sự phát triển của công nghệ là kế tiếp chứ không phủ định lẫn nhau. Hơn nữa, chúng tôi nhắm vào phân khúc thị trường mà Wi-Fi và ADSL không đến được. Trong 1 triệu thuê bao mà EVN Telecom vừa đạt được có tới 40% từng dùng Internet di động và 10-15% số đó thường xuyên sử dụng. Rõ ràng là nhu cầu của người dùng rất lớn”.

Tự tin với sự phát triển của thị trường, chuẩn 2000 1x được các nhà cung cấp trải kín diện phủ sóng của mình, đồng thời không ngừng chạy đua cung cấp dịch vụ theo chuẩn EVDO tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng...

“Thị trường dịch vụ kết nối Internet qua thiết bị di động nói chung sẽ tăng rất nhanh, ít nhất là 20-30% mỗi năm”, ông Cương nhận định.