16:12 03/03/2010

Con cá hay đập thủy điện?

Những năm gần đây, sản lượng cá tự nhiên trong mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long đã giảm rất nhiều

Lưới cá linh trên sông Mê Kông, đoạn bắt đầu chảy vào Việt Nam - Ảnh: Hồ Hùng.
Lưới cá linh trên sông Mê Kông, đoạn bắt đầu chảy vào Việt Nam - Ảnh: Hồ Hùng.
Đã có rất nhiều tranh luận về tác hại của những con đập thủy điện trên sông Mê Kông. Và đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề chính là con cá.

Cá tra dầu lâu nay được xem như biểu trưng về sự nguyên trạng của sinh thái sông Mê Kông. Với chiều dài có thể đạt đến 3 mét, nặng 250 kg, cá tra dầu được xem như một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là cá tra dầu đã nằm trong Sách đỏ của Việt Nam và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (IUCN), được xếp vào hạng cực kỳ nguy cấp. Còn loài cá heo Irrawaddy quý hiếm, hiện cũng chỉ còn từ 60-70 con còn sống tại sông Mê Kông và cũng đang có tên trong Sách đỏ...

Theo Chương trình Bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước lưu vực sông Mê Kông (MWBP), cá tra dầu, cá heo Irrawaddy chính là “nạn nhân” của tình trạng môi trường tự nhiên trong toàn bộ lưu vực sông Mê Kông bị xáo trộn. Những thay đổi ở phía thượng lưu và ngược lại của dòng sông đã khiến số lượng cá tra dầu bị giảm đáng kể. Do đó, theo MWBP, khi xây dựng bất kỳ một chương trình nào, cần xem xét những tác động tiềm ẩn đến toàn bộ lưu vực...

Vậy mà hiện nay, theo ông Đào Trọng Tứ, nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam, Trung Quốc đang xây 3 trên 16 đập thủy điện, Lào và Campuchia cũng đang nghiên cứu xây thêm 11 con đập trên sông Mê Kông...

Cá sẽ cùng đường?

Những năm gần đây, sản lượng cá tự nhiên trong mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long đã giảm rất nhiều. Theo một số nông dân ở huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), lượng cá đánh bắt được vào mùa lũ hiện đã giảm 4-5 lần so với năm năm trước.

Tuy nhiên, hiện tại, Mê Kông vẫn là con sông có hệ động vật thủy sinh đa dạng nhất thế giới. Hàng năm nghề cá tại lưu vực sông mang lại giá trị ước tính từ 2-3 tỉ đô la Mỹ với sản lượng đến 3 triệu tấn, trong đó hơn 89% từ đánh bắt tự nhiên.

Ước tính có gần 1.500 loài cá, trong đó có 120 loài có giá trị thương phẩm cao đang có mặt tại sông Mê Kông và khoảng 87% trong số đó là loài cá di cư. Nhiều loài có đường di cư dài, thường là xuyên biên giới các quốc gia trên sông Mê Kông để kiếm thức ăn, trú ẩn và sinh sản tại các thời điểm và giai đoạn khác nhau trong vòng đời của chúng.

Nếu tính cả lưu vực, hơn 70% tổng sản lượng cá tại vùng hạ lưu sông Mê Kông phụ thuộc vào cá di cư đường dài. Chẳng hạn ở Campuchia, khoảng 0,4 triệu tấn cá di cư được đánh bắt hàng năm, chiếm đại đa số trong tổng sản lượng cá đánh bắt được.

Tuy nhiên, chế độ thủy văn, vòng đời và sự di cư của cá có quan hệ mật thiết với nhau. Và điều quan trọng là 90% các loài cá di cư có phản ứng với sự thay đổi mực nước hoặc dòng chảy. Do đó, khi 11 con đập ở Lào và Campuchia ra đời, các chuyên gia lo ngại, sẽ làm hủy diệt hệ sinh thái sông Mê Kông. Đập nước sẽ ngăn dòng di cư và phá vỡ các vùng đẻ trứng của cá và nhiều loài thủy sinh khác. Mối hiểm họa chính cho sự ổn định của nghề cá bắt nguồn từ chính những dự án phát triển trong lưu vực!

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia của MWBP, tỏ ra lo ngại: “Những con đập trên sông Mê Kông có thể không làm thay đổi tổng lượng nước đổ về hạ lưu trong năm, nhưng vấn đề là nước chảy lúc nào, như thế nào và chất lượng nước ra sao? Điều này phụ thuộc vào sự vận hành của những con đập thuộc những “ông chủ” khác nhau. Chính vì vậy, ranh giới giữa mặn - ngọt có thể dịch chuyển liên tục, không dự đoán được và rất khó thích nghi”.

Theo ông, điều không khó đoán là sản lượng cá trên sông Mê Kông sẽ giảm rất nhiều. “Thậm chí tổng thiệt hại về nông thủy sản có thể lớn hơn tổng lợi nhuận thu được từ các con đập”, ông nói.

Cũng theo ông Thiện, trong mùa khô, cá di cư ngược dòng lên Biển Hồ để sinh sản. Mùa mưa, trứng cá và ấu trùng theo dòng nước trôi về hạ lưu. “Việc xây dựng các con đập ngăn cản sự di chuyển này”, ông khẳng định.

Chẳng hạn, đập Nam Song (Lào) hoàn thành vào năm 1996, không lâu sau đó 40 loài cá đã biến mất và 20 loài cá di cư xuyên biên giới đã không còn xuất hiện ở các nước láng giềng. Hay trước khi xuất hiện đập Pak Mun (Thái Lan), 265 loài cá đã được xác định tồn tại trên đoạn sông này nhưng sau đó chỉ còn lại 96 loài cá, trong đó 51 loài suy giảm về trữ lượng.

Ông La Chhoun, một thành viên thuộc tổ chức Oxfam Australia tại Campuchia, ước tính các nước lưu vực sông Mê Kông sẽ mất 0,7- 1,6 triệu tấn thủy sản/năm do ảnh hưởng của việc xây đập.

Chọn đập hay cá?

Các chuyên gia tính toán rằng, dù nghề nuôi thủy sản đang rất phát triển, nhưng 90% lượng tiêu thụ vẫn từ nguồn cá đánh bắt tự nhiên. Đến 54,7 triệu người sống phụ thuộc vào sông Mê Kông, dĩ nhiên cũng phải phụ thuộc rất nhiều vào nghề cá. Hiện vẫn chưa có nguồn thực phẩm nào có thể thay thế cho cá trong khẩu phần ăn của người dân sinh sống ven con sông này.

Theo Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO), một người sống ở vùng hạ lưu sông Mê Kông tiêu thụ gần 60 kg cá/năm, gấp 18 lần so với người dân châu Âu và Mỹ. Trong khi đó, các loài thủy sản cung cấp nhiều đạm, chống suy dinh dưỡng cho người dân sống ở khu vực này. Do đó, sự suy giảm của nghề cá, theo các chuyên gia, có thể gây ra một chu trình suy dinh dưỡng, năng suất thấp và nghèo đói.

Tại Diễn đàn “Môi trường và nguồn sống trên sông Mê Kông” tổ chức đầu năm 2010 tại Cần Thơ, ông La Chhoun đã đưa ra tấm ảnh một cậu bé ôm con cá tươi ngon, to lớn với lời chú thích: “Tôi muốn ăn cá chứ không muốn ăn điện!”.

Đó không phải là hành động vô cớ. Bởi theo Ủy hội Sông Mê Kông (MRC), chỉ ước tính trong năm 2008, việc xây dựng các con đập đã gây thiệt hại 2 tỉ đô la Mỹ đối với ngành công nghiệp đánh bắt cá. Cách đây hơn 10 năm, sản lượng đánh bắt thủy sản ở hồ Tonle Sap (Biển Hồ, Campuchia) hàng năm hơn 0,4 triệu tấn, cung cấp 70% lượng đạm cho dân số Campuchia, thì con số này nay chỉ bằng hai phần ba.

Cũng theo MRC, hiện không có một công nghệ nào có thể giúp cho loài cá có thể sinh trưởng tốt trong điều kiện gặp sự cản trở của các con đập trên dòng sông. Do vậy, sự lựa chọn trên dòng chính của sông Mê Kông vẫn là: đập hay cá?

Gần đây, đã có thông tin về việc Mỹ có thể phá bỏ bốn con đập trên sông Snake (bang Washington), nguyên nhân khiến đàn cá hồi bị sụt giảm trầm trọng. Trước đó, các nhà hoạt động liên bang đã tiêu khoản tiền lên đến 8 tỉ đô la Mỹ để cứu loài cá này bằng cách nghiên cứu ấp trứng, theo dõi và cải tạo đập...

Hồ Hùng (TBKTSG)