10:11 21/11/2013

Cơn “khát” năng lượng của Trung Quốc ở Mỹ Latin

Thanh Hải

Trung Quốc tăng cường thâu tóm tài sản ở nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng đang tăng trưởng mạnh trong nước

 Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại 6 tháng đầu năm 
nay, nhưng quốc gia này vẫn là nguồn tiêu thụ 
năng lượng số một thế giới - Ảnh: Reuters.<br>
Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại 6 tháng đầu năm nay, nhưng quốc gia này vẫn là nguồn tiêu thụ năng lượng số một thế giới - Ảnh: Reuters.<br>
Trang tin Oil Price mới đây cho biết, Tập đoàn Xăng dầu quốc gia Trung Quốc (CNPC) mới đây đã đồng ý chi 2,6 tỷ USD mua lại các tài sản khí đốt ở Peru của hãng dầu khí quốc doanh Petrobras của Brazil.

Đây được xem là động thái mới nhất của Trung Quốc trong việc tăng cường sự hiện diện của nước này ở khu vực Mỹ Latin. Theo đó, Tập đoàn CNPC sẽ mua công ty Petrobras Energia Peru SA, đơn vị đang sở hữu ba lô dầu khí ở Peru, hiện đang sản xuất khoảng 800.000 tấn dầu mỗi năm. Hiện vụ mua bán này đang chờ sự chấp thuận của Chính phủ Trung Quốc và Peru.

Nếu được thông qua, Tập đoàn Xăng dầu quốc gia Trung Quốc sẽ thâu tóm được Lô 58, nơi gần đây mới phát hiện được tiềm năng khí đốt; Lô X, nơi đang khai thác được 16.000 thùng dầu mỗi ngày. Ngoài ra, còn có 46,16% cổ phần thuộc Lô 57, nơi có trữ lượng khí đốt và chưa được khai thác, cũng sẽ nằm trong tay của CNPC, nếu thương vụ này được thông qua.

"Việc thu mua những tài sản nói trên sẽ giúp mở rộng quy mô hoạt động khai thác dầu khí của công ty dầu khí PetroChina, một công ty con của CNPC, tại khu vực Mỹ Latin, cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững cho những hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của PetroChina", thông cáo báo chí của Tập đoàn Xăng dầu quốc gia Trung Quốc nêu rõ.

Mạng tin Oil Price cho biết, Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động thâu tóm tài sản ở nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng đang tăng trưởng nhanh chóng trong nước, trong bối cảnh việc sản xuất từ các mỏ trong nước đang sụt giảm. Công ty dầu khí PetroChina đang có kế hoạch đưa việc sản xuất một nửa tổng sản lượng của họ ra nước ngoài vào năm 2015.

Trước đó, hôm 21/10, một nhóm doanh nghiệp, bao gồm Công ty dầu khí Shell, Công ty Total của Pháp, PetroChina và Công ty Dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC), đã giành được hợp đồng thầu khai thác mỏ dầu nước sâu Libra của Brazil. Libra có trữ lượng khoảng 12 tỷ thùng dầu, tương đương 3 năm tiêu thụ của Trung Quốc, giới chức Brazil ước tính.

Đài RFI bình luận, cho dù kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại 6 tháng đầu năm nay, nhưng quốc gia đông dân nhất hành tinh này vẫn là nguồn tiêu thụ năng lượng số một thế giới. Trung Quốc đã đầu tư mạnh để thâu tóm các tài sản dầu khí ở nước ngoài thời gian gần đây. Trong đó, Mỹ Latin là khu vực được các tập đoàn năng lượng Trung Quốc chú trọng.

Theo thỏa thuận, Shell và Totall, mỗi đơn vị sẽ giữ 20% cổ phần ở Libra, trong khi mỗi công ty Trung Quốc nắm 10% cổ phần của mỏ này. Theo giới chức Brazil, hãng thắng thầu sẽ được phép khai thác trong 35 năm với 12 đến 15 giàn khoan ngoài khơi. Công suất dự kiến đạt tối đa trên 1 triệu thùng dầu/ngày. Họ cũng ước tính mỏ dầu này cần đến 185 tỷ USD tiền đầu tư.

Giới phân tích cho rằng, việc giành quyền khai thác mỏ Libra sẽ giúp Trung Quốc hiện thực hóa việc thay đổi chiến lược, từ đầu tư vào các mỏ dầu đang vận hành sang khai thác và phát triển ngay từ đầu một mỏ mới tại Mỹ Latin. Libra nằm trong khu vực khám phá ra nhiều mỏ dầu lớn nhất thế giới trong thế kỷ 21.

Lật lại thời gian, vào năm 2010, Bridas Corp, một liên doanh giữa Tập đoàn dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) và Tập đoàn Bridas Energy Holdings của gia đình tỷ phú Bulgheroni (Argentina), đã đồng ý chi 7,06 tỷ USD, mua lại 60% cổ phần của BP trong Pan American Energy (PAE), hãng sản xuất dầu lớn thứ 2 ở Argentina, một quốc gia khác cũng nằm ở Mỹ Latin.

Trước đó, vào tháng 3 cùng năm, CNOOC đã mua lại 50% cổ phần trong Bridas Corp, với giá 3,1 tỷ USD. Chủ tịch CNOOC Yang Hua khi đó nói rằng, với trữ lượng 636 triệu thùng dầu và sản xuất ở Argentina, Bolivia và Chile, Bridas Corp sẽ là chìa khóa giúp CNOOC bước chân vào Mỹ Latin. Tiếp đó, trong tháng 8, CNOOC đã bật mí việc mua cổ phần BP tại PAE.

Tới tháng 11/2011, CNOOC bất ngờ tuyên bố hủy kế hoạch mua lại nói trên. Lý do của việc hủy thương vụ không được các bên liên quan công bố cụ thể. Cũng có nguồn tin nói rằng, lý do hủy là bởi thương vụ phải vượt qua được các thủ tục về chống độc quyền của Argentine và sự thông qua của Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, dù lý do gì thì đây cũng là điều đáng tiếc.

Cổ phần của BP tại PAE là một trong những tài sản đáng giá nhất của tập đoàn này tại khu vực Mỹ Latin. Mặc dù việc đầu tư vào sản xuất và khai thác bị đình đốn tại Argentina, nhưng dự trữ và sản lượng của PAE lại tăng lên trong thập kỷ qua. Giới phân tích Argentina nhận định rằng, giá trị của hãng năng lượng lớn thứ hai tại quốc gia này có thể lên tới con số 20 tỷ USD.