18:38 14/07/2025

“Cơn khát” nhân lực của TP.HCM sau sáp nhập

Hằng Nguyễn

TP.HCM mới dự kiến cần khoảng 85.000-90.000 lao động trong quý 3, tập trung chủ yếu ở các ngành dệt may, da giày và lắp ráp giản đơn nhưng vấn đề tuyển dụng đang gặp nhiều khó khăn…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Sau khi sáp nhập và mở rộng địa giới hành chính, TP.HCM đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ trong nhiều ngành sản xuất và dịch vụ, dù tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự dịch chuyển nhu cầu của thị trường và sự lạc hậu trong phương pháp tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp.

DỰ KIẾN CẦN 90.000 LAO ĐỘNG TRONG QUÝ 3

Sở Nội vụ TP.HCM cho biết trong quý 3/2025, nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn ước tính dao động từ 85.000–90.000 người, chủ yếu tập trung ở các ngành bán hàng, marketing, dệt may, da giày, gỗ, cơ khí, lắp ráp điện tử.

Mặc dù bức tranh lao động 6 tháng đầu năm ghi nhận tín hiệu tích cực khi số lượng người hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm 20,65% so với cùng kỳ năm ngoái (còn 96.795 hồ sơ), thì sự thiếu hụt nhân lực tại các doanh nghiệp vẫn đang diễn ra rõ nét. Lao động phổ thông vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nhu cầu tuyển dụng, với khoảng 58%, đặc biệt trong các ngành sản xuất theo dây chuyền hoặc lao động giản đơn.

Theo đại diện Sở Nội vụ TP.HCM, sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính, lực lượng lao động từ các khu vực mới nhập về được kỳ vọng sẽ bổ sung đáng kể cho nguồn cung nhân lực. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp, việc thay đổi cơ cấu nghề nghiệp, địa bàn làm việc và yêu cầu kỹ năng từ phía doanh nghiệp khiến cung – cầu lao động tạm thời mất cân bằng.

LAO ĐỘNG TRẺ KHÔNG CÒN MẶN MÀ VỚI CÔNG VIỆC TẠI NHÀ MÁY

Trước đó, báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS) cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng nhu cầu tuyển dụng của toàn thành phố đạt 160.680 lao động. Trong đó, khu vực thương mại, dịch vụ chiếm áp đảo với 111.175 vị trí (gần 70%), tiếp đến là công nghiệp – xây dựng với 49.152 vị trí, trong khi nông nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ không đáng kể.

Dự báo 6 tháng cuối năm, thị trường lao động TP.HCM tiếp tục sôi động, với nhu cầu tuyển dụng dao động từ 151.282 – 159.040 vị trí mới. Nhu cầu chủ yếu thuộc về các ngành công nghiệp trọng điểm như cơ khí, điện – điện tử, hóa chất, chế biến thực phẩm và dịch vụ chính như tài chính, logistics, thương mại, nhà hàng – khách sạn…

 

Dù nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh, bài toán đặt ra với TP.HCM không phải là tuyển được bao nhiêu người, mà là làm sao tuyển đúng người, đúng nơi, đúng cách. Điều này đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, nền tảng công nghệ, cùng với những chính sách linh hoạt từ thành phố để giữ chân và phát triển lực lượng lao động phù hợp với xu hướng mới.

Sự tăng tốc của nền kinh tế và hình thành trục công nghiệp TP.HCM – Bình Dương – Bà Rịa Vũng Tàu đang đẩy mạnh nhu cầu lao động, nhưng cũng làm gia tăng cạnh tranh nguồn nhân lực giữa các khu vực, đặc biệt trong nhóm doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn.

Một trong những nguyên nhân khiến việc tuyển dụng gặp khó khăn là người lao động trẻ không còn mặn mà với công việc nhà máy, làm việc theo ca hay dây chuyền. Thay vào đó, họ ưu tiên những công việc linh hoạt, chủ động thời gian như tài xế công nghệ, bán hàng online, dịch vụ tự do...

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, cho rằng thay đổi này đến từ nhận thức và giá trị sống mới của thế hệ trẻ. Họ không còn chỉ quan tâm đến mức thu nhập, mà chú trọng đến trải nghiệm, sự tự chủ và môi trường làm việc.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vẫn tuyển dụng theo phương thức cũ như dán thông báo, phát tờ rơi, đăng tin ở những nơi không chuyên biệt, dẫn đến không tiếp cận được đúng nhóm lao động mục tiêu.

THAY ĐỔI CÁCH TIẾP CẬN NGƯỜI LAO ĐỘNG BẰNG CÔNG NGHỆ

Theo ông Dương Việt Linh, Giám đốc kinh doanh của nền tảng Việc làm tốt, phần lớn người lao động hiện nay tìm việc qua nền tảng trực tuyến, mạng xã hội hoặc qua giới thiệu cá nhân, nên các doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận nếu muốn tuyển đúng và nhanh.

Hiện tại, nền tảng Việc làm tốt hiện có hơn 2,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng, với cơ sở dữ liệu ứng viên phong phú, từ công nhân sản xuất, bán hàng, chăm sóc khách hàng đến phụ bếp, kho vận…

Điểm mạnh là ứng dụng công nghệ AI và dữ liệu lớn (big data) để sàng lọc hồ sơ, phân tích xu hướng, và rút ngắn đến 70% thời gian xử lý tuyển dụng.

“Ứng dụng công nghệ trong hệ thống tuyển dụng sẽ giúp doanh nghiệp lọc ứng viên theo kinh nghiệm thực tế, giám sát hiệu suất tuyển dụng theo thời gian thực, và lập báo cáo tự động. Qua đó tối ưu hóa toàn bộ hành trình tuyển dụng”, ông Linh nói.

Dù nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh, bài toán đặt ra với TP.HCM không phải là tuyển được bao nhiêu người, mà là làm sao tuyển đúng người, đúng nơi, đúng cách. Điều này đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, nền tảng công nghệ, cùng với những chính sách linh hoạt từ thành phố để giữ chân và phát triển lực lượng lao động phù hợp với xu hướng mới.

Với mục tiêu bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau, Sở Nội vụ TP.HCM đang tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố triển khai loạt giải pháp kết nối cung – cầu lao động và ổn định thị trường. Trong đó, các sàn giao dịch việc làm định kỳ, trực tiếp và trực tuyến được đẩy mạnh, hướng đến nhóm thất nghiệp, lao động bị ảnh hưởng bởi sắp xếp bộ máy và sinh viên mới ra trường.

Đồng thời, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã ban hành Quyết định số 3232/QĐ-UBND ngày 27/6/2025, phê duyệt Đề án hỗ trợ toàn diện, nhằm hỗ trợ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động dôi dư sau sáp nhập. Đề án bao gồm nhiều chính sách như: giới thiệu việc làm gắn với định hướng nghề nghiệp mới, đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn ưu đãi để khởi nghiệp hoặc chuyển đổi việc làm, cùng các chính sách về nhà ở xã hội.