08:59 03/07/2007

Còn nhiều tranh cãi về thuế thu nhập cá nhân

Minh Quang

Thuế thu nhập cá nhân dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm nay để áp dụng vào đầu năm 2009

Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân chỉ giám sát được đối tượng làm công ăn lương?
Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân chỉ giám sát được đối tượng làm công ăn lương?
Thuế thu nhập cá nhân dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm nay để áp dụng vào đầu năm 2009.

Tuy nhiên, tranh cãi về dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân vẫn chưa ngớt...

Hội thảo về dự thảo thuế thu nhập cá nhân do Văn phòng Quốc hội và Bộ Tài chính tổ chức ngày hôm qua (2/7) tại Tp.HCM dường như là dịp cuối cùng để các đại biểu Quốc hội và các nhà nghiên cứu luật góp ý về dự thảo luật thuế thu nhập cá nhân. Những đại biểu tham dự hội thảo phản ứng khá mạnh về dự thảo và những bức xúc của họ làm các nhà soạn thảo phải suy nghĩ.

Chỉ “đánh” lao động mà không “đánh” tư bản

Ông Trần Đình Thiên, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng dự thảo đã dựa trên những quan điểm không chính xác rằng thuế thu nhập cá nhân được soạn thảo xuất phát từ việc tạo nguồn thu cho Nhà nước. Thay vào đó, ông Thiên cho rằng nó phải được xem là cơ sở để xác lập quyền con người của người nộp thuế chứ không chỉ là nghĩa vụ của công dân. Từ đó, ông cho rằng Luật phải bảo đảm quyền đóng thuế và quyền giám sát khoản thuế mà họ đóng. Tuy nhiên, dự thảo chưa thể hiện được điều này.

Ông Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế Tp.HCM, cũng cho rằng dự thảo không nên xuất phát từ chủ trương tạo ra nguồn thu cho ngân sách Nhà nước vì nó sẽ không trở thành công cụ để Nhà nước điều tiết kinh tế, khuyến khích người có thu nhập tăng thu nhập và đưa vốn vào đầu tư. Liên quan đến đối tượng của Luật, theo ông Lịch, dự thảo chỉ giám sát được đối tượng làm công ăn lương trong khi đó những người hành nghề tự do lại không được điều chỉnh bởi dự thảo.

“Như vậy chúng ta chỉ đánh vào lao động, đặc biệt là lao động chất lượng mà không đánh được tư bản”, ông Lịch phát biểu.

Đối với vấn đề giảm trừ gia cảnh, ông Lịch đặt vấn đề tại sao loại bỏ trường hợp những người có thu nhập nhưng phải trả góp hàng tháng, đặc biệt là mua nhà. Theo ông, tạo cơ hội cho người dân không có nhà ở mua nhà là chính sách xã hội của Nhà nước, nếu đánh thuế lên cả khoản trả góp của họ chẳng khác nào luật hạn chế quyền sở hữu nhà ở của người dân. Ngoài ra, đóng góp cho xã hội, từ thiện của cá nhân cũng không được xem là trường hợp giảm trừ gia cảnh mà theo ông Lịch là điều bất hợp lý.

Trong khi đó, ông Cao Bá Khoát, Giám đốc Công ty Tư vấn doanh nghiệp K và cộng sự, phản ứng đối với việc đánh thuế trên thu nhập về cổ tức cũng như thu nhập của những ông chủ doanh nghiệp. Ông Khoát nói rằng cổ tức là một loại thu nhập sau thuế, khi một cá nhân bị đánh thuế thu nhập coi như họ đã bị đánh thuế hai lần.

Tương tự như vậy đối với người nộp thuế là chủ doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp đã chịu rất nhiều loại thuế và phí như thuế thu nhập doanh nghiệp. Khi luật áp dụng họ lại đóng thuế thu nhập cá nhân và theo ông Khoát như thế chẳng khác chuyện thuế chồng thuế. Bất động sản và chứng khoán là hai khu vực được dự thảo thuế thu nhập cá nhân nhắm vào nhiều hơn những khu vực khác vì thu nhập được cho là thuộc hạng siêu lợi nhuận.

Chưa khuyến khích người nộp thuế khai thật

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, cho rằng dự thảo không có cách xác định được giá trị của những giao dịch, chuyển nhượng bất động sản hay cổ phiếu nếu không thông qua đơn vị nào. Điều đó sẽ khuyến khích sự gian dối trong cá nhân có thu nhập vì chắc chắn chẳng ai lại chịu kê khai đúng giá trị mua bán để ngành thuế có thể xác định thu nhập từ những cuộc chuyển nhượng và giao dịch giữa cá nhân. Cổ phiếu niêm yết việc xác định giá trị đơn giản bao nhiêu thì cổ phiếu trên thị trường OTC thì phức tạp bấy nhiêu.

“Như thế sẽ không có sự công bằng cho các nhà đầu tư có thu nhập từ cổ phiếu”, ông Hải phát biểu.

Một vấn đề cũng quan trọng và được nhà đầu tư quan tâm là khấu trừ chi phí. Dự thảo cho khấu trừ chi phí để xác định thu nhập của các giao dịch, chuyển nhượng nhưng liệu các khấu trừ đó có được công nhận, nhất là những chi phí không dễ nhìn thấy của các nhà đầu tư như chi phí mua thông tin, chi phí đầu tư nghiên cứu giá cả, chi phí đào tạo, giao dịch... Mua bán chứng khoán đang là một nghề kiếm sống của nhiều nhà đầu tư và họ cũng phải đầu tư cho những chi phí liên quan nói trên.

“Nếu như vậy, thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu không chỉ là 25% như dự thảo đề cập mà có thể là 40% thậm chí là 100%”, ông kết luận.

Các đại biểu cho rằng luật thu nhập cá nhân không chỉ là công cụ của Nhà nước để khuyến khích tăng trưởng kinh tế mà còn là điều kiện để người dân hiểu pháp luật. Tuy nhiên, dự thảo chưa nhắm đến hoặc chưa đặt mục tiêu này khi đưa ra trường hợp miễn thuế. Luật thu nhập cá nhân chi phối những người có thu nhập chứ không đơn thuần là thu nhập cao như pháp lệnh hiện hành.

Vì vậy, những người có thu nhập đều phải là đối tượng của luật, cái khác là thuế suất. Những người chưa phải là đối tượng thì thuế suất nên là 0% hay mức thuế suất thấp 1-3% thay vì miễn thuế. Theo ông Nguyễn Quang A, việc này sẽ có ích đối với việc theo dõi những người có thu nhập về sau vì trong tương lai, thu nhập của họ gia tăng và họ là đối tượng của luật.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, dự thảo sẽ hoàn chỉnh vào cuối năm nay để Quốc hội thông qua. Theo ông, trong hai năm đầu Luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực, việc thu thuế này sẽ không có nhiều thay đổi so với thuế thu nhập cao đang áp dụng.

Khoảng 2,5-3 triệu người là đối tượng của Luật thuế thu nhập cá nhân, trong đó có khoảng 1,3 triệu hộ kinh doanh cá thể. Có rất nhiều tranh cãi về thuế thu nhập cá nhân từ khi dự thảo đầu tiên được đưa ra vì sự phức tạp và ảnh hưởng của nó. Thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng đã từng như thế khi được góp ý dự thảo. Tuy nhiên, VAT đã phát huy hiệu quả kể từ khi áp dụng hồi năm 1997 mặc dù còn một số hạn chế. Nhiều người tin rằng thuế thu nhập cá nhân sẽ thành công như VAT nếu được hoàn thiện trước khi áp dụng và hoàn thiện trong quá trình áp dụng.