“Cơn sốt” bất động sản nghĩa trang ở Hồng Kông
Tại Hồng Kông, nơi an nghỉ cho người chết thậm chí còn có giá cao hơn so với bất động sản đắt nhất dành cho người sống ở thành phố này…
Với giá khởi điểm 53.000 USD cho một không gian chật hẹp không lớn hơn là bao so với chiếc hộp đựng giày, đây là một nơi đắt đỏ, đắt ngay cả khi so với những nơi khác ở Hồng Kông (Trung Quốc) - thành phố nổi tiếng với thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới.
Nhưng nội thất bằng đá cẩm thạch trắng được trang trí công phu của tòa tháp Shan Sum cao 12 tầng ở Hồng Kông không nhắm đến những người mua bình thường. Nơi này dành cho một đối tượng khách hàng khác, những người đang tìm kiếm nơi an nghỉ cho người quá cố.
Tòa tháp do tư nhân điều hành này, được một kiến trúc sư người Đức thiết kế, nhằm mục đích lưu trữ hài cốt hỏa táng của 23.000 người. Và giá của mỗi vị trí trong toà tháp là không hề rẻ.
NHÀ CỦA NGƯỜI CHẾT ĐẮT HƠN NHÀ CỦA NGƯỜI SỐNG
Ngoài các ô chỉ đựng được một bình tro cốt duy nhất, những ô có thể chứa hai bình đựng tro cốt có thể có giá lên tới 76.000 USD. Trong khi đó, các ô dành cho gia đình có thể chứa tro cốt của tối đa 8 người có giá lên tới 430.000 USD.
Với các ô chứa tro cốt tiêu chuẩn rộng khoảng 0,09 m2, người ta cho rằng một vị trí trong tòa tháp này đắt hơn so với bất động sản đắt nhất ở Hồng Kông dành cho người sống. Một biệt thự trong khu vực The Peak hồi tháng 3 có giá thầu là 32.000 USD/0,09 m2.
Nhưng tòa tháp Shan Sum, nằm ẩn mình trong một khu công nghiệp cũ ở Kwai Chung, thậm chí không phải là nơi đắt đỏ nhất dành cho người chết ở Hồng Kông. Theo Hội đồng người tiêu dùng Hồng Kông, vị trí đắt nhất là tại một khu phức hợp giống như một ngôi đền ở vùng ngoại ô phía bắc Fanling. Nơi an nghỉ đó có giá 660.000 USD, và con số đó thậm chí chưa bao gồm phí quản lý ít nhất 25.000 USD.
Mặc dù có giá cao như vậy, nhưng những nơi như Shan Sum không phải là nơi an nghỉ vĩnh hằng. Tro cốt chỉ có thể được lưu trữ ở đó trong thời hạn giấy phép của cơ sở tư nhân do chính quyền Hồng Kông cấp. Các giấy phép này có thời hạn 10 năm và có thể mất nhiều năm kiểm tra mới lấy được giấy phép. Thời hạn giấy phép của Shan Sum kéo dài đến năm 2033.
Tuy nhiên, Shan Sum không chỉ là nơi đặt tro cốt. Kiến trúc sư Ulrich Kirchhoff, người thiết kế tòa tháp này, nói với CNN rằng nơi đây có một sân thượng và ban công uốn lượn với những khu vườn dành cho các gia đình đến thăm người thân đã khuất, còn khoảng 1/5 diện tích của tòa nhà là không gian mở.
Tòa nhà này có máy hút ẩm và hệ thống điều hòa không khí. Thậm chí, nó có cả một ứng dụng mà qua đó các gia đình đặt trước giờ để mang đồ cúng đến.
Tòa tháp là “đứa con tinh thần” của bà Margaret Zee, một nữ doanh nhân 70 tuổi, người đã làm giàu nhờ kinh doanh trang sức, bất động sản và hiện đang điều hành một quỹ từ thiện mang tên bà.
Bà Zee nói rằng, việc tôn trọng người đã khuất là điều quan trọng trong văn hóa Trung Quốc, và nhiều người sẵn sàng làm hết sức mình để giữ truyền thống này. Vị doanh nhân đã nhận thấy sự thiếu hụt địa điểm đựng tro cốt của những người đã khuất tại Hồng Kông khi bà phải vất vả tìm nơi tổ chức lễ tưởng niệm và chôn cất người chồng quá cố của mình vào năm 2007. Do đó, bà cảm thấy buộc phải hành động.
CHÊNH LỆCH CUNG CẦU ĐẨY GIÁ LÊN CAO NGẤT NGƯỞNG
Ở Hồng Kông, sự chênh lệch cung cầu đã đẩy giá bất động sản lên mức cao ngất ngưởng và cũng ảnh hưởng đến những nơi giữ tro cốt. Về cơ bản, trong một thành phố có hơn 7 triệu người sinh sống và có một số khu dân cư đông dân nhất thế giới, sự cạnh tranh về không gian đang nóng lên - cho cả người sống và người chết.
Mặc dù Hồng Kông không phải là một nơi nhỏ bé - có diện tích 1.110 km2, gấp khoảng 1,4 lần diện tích thành phố New York của Mỹ - nhưng địa hình đồi núi khiến phần lớn diện tích đất đai không phù hợp để xây dựng.
Các nhà phát triển bất động sản có truyền thống ưa chuộng những tòa tháp cao tầng có thể chứa càng nhiều căn hộ càng tốt. Do đó, diện tích nhà trung bình chỉ là 40 m2, theo điều tra dân số năm 2021, thuộc loại nhỏ nhất trên thế giới, mặc dù giá nhà trung bình là 1 triệu USD.
Sự thiếu hụt không gian này cũng tiếp tục xảy ra ở “thế giới bên kia”, và vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn do tình trạng già hóa dân số nhanh chóng ở Hồng Kông. Theo dữ liệu điều tra dân số, hơn 1/5 người Hồng Kông trên 65 tuổi, và con số đó được dự đoán sẽ tăng lên hơn 1/3 vào năm 2069.
Mặc dù hơn 90% người Hồng Kông lựa chọn hỏa táng, nhưng không gian để lưu trữ hài cốt đang cạn kiệt. Điều này một phần là do, thay vì rải tro cốt, người Trung Quốc muốn có một nơi để họ có thể bày tỏ lòng thành kính và thờ cúng người đã khuất.
Với tỷ lệ tử của thành phố vào khoảng 46.000 mỗi năm (gần gấp đôi công suất của tòa tháp Shan Sum) trong thập kỷ qua, những nơi để tro cốt phải vất vả đáp ứng nhu cầu.
Hiện chỉ có chưa đầy 135.000 ô để tro cốt công cộng tại các cơ sở do chính quyền điều hành, với hợp đồng thuê 20 năm có giá khoảng 300 USD, nhưng sự cạnh tranh để giành những chỗ này rất khốc liệt. Trong những năm gần đây, một số gia đình cho biết phải chờ đợi nhiều năm mới có được một ô để tro cốt.
Kể từ năm 2017, chính quyền Hồng Kông đã tăng gấp đôi số lượng cơ sở để tro cốt công cộng, đồng thời phê duyệt giấy phép của 14 đơn vị vận hành nhà để tro cốt tư nhân, trong đó có Shan Sum.
Người phát ngôn của Cục Vệ sinh Môi trường và Thực phẩm cho biết, từ năm 2020 đến năm 2022, khoảng 77.000 chiếc bình đựng tro cốt đã được sắp xếp vào một vị trí thích hợp “mà không cần phải chờ đợi”. Bốn địa điểm mới khác dự kiến hoàn thành vào năm 2025 sẽ cung cấp thêm 167.000 ô để tro cốt.