20:57 29/09/2023

“Công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh, bền vững”

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tác động đa chiều của toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thế giới sẽ mang lại cơ hội đồng thời là thách thức rất lớn cho mỗi quốc gia trong chặng đường phát triển…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và các đại biểu tham quan các gian hàng công nghệ được triển lãm tại Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và các đại biểu tham quan các gian hàng công nghệ được triển lãm tại Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh.

Chiều 29/9, tại Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm, thành phố Hạ Long, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Bộ khoa học và Công nghệ lần đầu tiên đồng chủ trì tổ chức sự kiện “Kết nối công nghệ, đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 - Techconnect and Innovation Vietnam 2023” với chủ đề “Đổi mới sáng tạo - Phát triển bền vững”.

Dự lễ khai mạc có Phó thủ tướng Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng; cùng đại diện các bộ, ban, ngành, các cơ quan Trung ương và một số địa phương.

NHU CẦU ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO NGÀY CÀNG CẤP BÁCH

Trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, cho biết khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Trong đó chiến lược được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới, thực sự đồng hành và thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương.

Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các bộ, ngành đã xây dựng và ban hành đồng bộ hành lang pháp lý và các cơ chế, chính sách phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh xây dựng các định chế trung gian như sàn giao dịch công nghệ, hình thành các điểm kết nối cung cầu công nghệ, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu.

 
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Trong đó chiến lược được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới, thực sự đồng hành và thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết sự kiện "Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo" giúp đẩy mạnh hợp tác, liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư, nhất là trao đổi công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo. Đồng thời trình diễn, giới thiệu xu hướng công nghệ mới, sản phẩm mới; kết nối cung và cầu công nghệ theo nhu cầu của địa phương, vùng kinh tế với các đối tác trong nước và nước ngoài; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ, đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và đời sống phục vụ phát triển kinh tế, xã hội…

“Các cơ quan, doanh nghiệp tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và các sở Khoa học và Công nghệ địa phương để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp và tăng khả năng cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế xã hội”, Bộ trưởng Đạt nhấn mạnh.

Ông Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng nhu cầu ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng cấp bách. Doanh nghiệp nên xác định xu hướng thị trường, sản phẩm, dịch vụ mới, mục tiêu nâng cao năng xuất...; đồng thời, thực hiện ứng dụng chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua việc nâng cấp dây chuyền, thiết bị; áp dụng hệ thống, tiêu chuẩn quản lý mới.

Để thực hiện các hoạt động này, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển, tư vấn giải pháp nâng cao, cung cấp thông tin, kết nối chuỗi cung ứng, hỗ trợ tài chính qua các ưu đãi cho nghiên cứu và phát triển (R&D)...

QUẢNG NINH ĐẶT MỤC TIÊU GRDP BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI ĐẾN 2030 ĐẠT TRÊN 15.000 USD

Quảng Ninh được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu về phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong các lĩnh vực.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, trong bài phát biểu chào mừng, khẳng định sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 sẽ bổ sung cho tỉnh những tư duy mới, tầm nhìn mới, góc nhìn mới, hiểu biết mới về xu hướng, giải pháp công nghệ mới, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhằm thúc đẩy phát triển, chuyển giao khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Ninh nhanh, hiệu quả, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng-an ninh, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

 
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký.

Quảng Ninh đặt mục tiêu đến 2025 trở thành thành "tỉnh dịch vụ công nghiệp hiện đại, là trung tâm phát triển toàn diện năng động của phía Bắc", duy trì tốc độ tăng trưởng cả giai đoạn 2025-2030 là 10%, GRDP bình quân đầu người đến 2030 đạt trên 15.000 USD.

Theo ông Ký, trong các trụ cột phát triển kinh tế, khoa học công nghệ được địa phương kỳ vọng mang lại đột phá. Theo đó, địa phương đã chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ nâu sang xanh, phát triển hiệu quả tiềm lực, hạ tầng, kiến tạo hành lang, phát triển kinh tế vùng và nội vùng song song với văn hóa.

Ông Ký cho biết tỉnh đã có 7 năm liên tiếp (2016-2022) đạt tăng trưởng hai con số. Trong 9 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 40.678 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Hết năm 2023, GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt trên 9.400 USD. Quảng Ninh hiện không còn hộ nghèo theo tiêu chí hộ nghèo đa chiều, chuyển sang chuẩn hộ nghèo mới theo tiêu chí của địa phương.

Quảng Ninh đặt mục tiêu đến 2025 trở thành thành "tỉnh dịch vụ công nghiệp hiện đại, là trung tâm phát triển toàn diện năng động của phía Bắc", duy trì tốc độ tăng trưởng cả giai đoạn 2025-2030 là 10%, GRDP bình quân đầu người đến 2030 đạt trên 15.000 USD. “Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh sẽ xây dựng dựa trên các trụ cột thiên nhiên, con người và văn hóa, đồng thời cần có những đột phá mới để phát triển”, Bí thư Nguyễn Xuân Ký cho hay.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, khi đã có hạ tầng đồng bộ, Quảng Ninh xác định hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ thúc đẩy tạo ra năng suất lao động cao, bước đột phá mới trong phát triển bền vững.

Ông Ký cũng cho biết, Quảng Ninh hướng tới phát triển trở thành tỉnh kiểu mẫu, trung tâm kinh tế trọng điểm của cả nước, địa phương dựa trên các trụ cột thiên nhiên, con người, văn hóa, trong đó công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ giúp địa phương tạo ra năng suất lao động cao, đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội. Bởi vậy kỳ vọng phát triển đột phá nhờ công nghệ và đổi mới sáng tạo, giúp địa phương tạo ra năng suất lao động cao, mong muốn nhận thêm nhiều sáng kiến, giải pháp, tư duy mới, sẵn sàng chuyển giao và hỗ trợ các doanh nghiệp.