12:20 29/09/2007

Công nhân làm cầu Cần Thơ được “tuyển dụng” thế nào?

Hàng ngàn nông dân được các đơn vị cung ứng lao động "hô biến" thành công nhân cầu đường

Đến khi cầu sập người ta mới vỡ lẽ ra nhiều chuyện - Ảnh: VNN
Đến khi cầu sập người ta mới vỡ lẽ ra nhiều chuyện - Ảnh: VNN
Hàng ngàn nông dân thoáng chốc đã được các đơn vị cung ứng lao động "hô biến" thành công nhân cầu đường.

>>Theo dòng sự kiện

Nhiều người trong số họ không biết đến hợp đồng lao động, thẻ bảo hiểm...

Các "công nhân" thoát chết trong vụ sập cầu Cần Thơ cho biết mặc dù điều kiện tuyển dụng do nhà thầu chính đưa ra rất gắt gao như phải học lớp 9 trở lên, có kinh nghiệm thi công, được đào tạo ngắn hạn ngành xây dựng... Tuy nhiên nhiều người trong số họ chưa hề biết gì về xây dựng, chỉ lao động chân tay, thậm chí nhiều người mù chữ (trường hợp nạn nhân Lê Văn Tấn, Lưu Thanh Điền), không hề biết gì về an toàn lao động vẫn được tuyển dụng.

Điều kiện tuyển dụng cũng hết sức sơ sài, thủ tục khá đơn giản, chỉ cần trình chứng minh nhân dân, hai tấm hình 3x4 và có sức khỏe là được tuyển vào làm.

Không có hợp đồng lao động

Hầu hết những "công nhân" được tuyển dụng đều thuộc diện nghèo. Có gia đình đến bốn, năm người làm chung một tổ, có ấp hàng chục người tham gia lao động trong một ca. Thế nhưng đến khi cầu sập người ta mới vỡ lẽ ra nhiều chuyện.

Anh Lưu Quốc Vương, công nhân của Công ty Vĩnh Thịnh, cho biết anh làm việc cho đơn vị này khoảng bảy tháng nay nhưng không hề có hợp đồng lao động cũng như không hề biết gì đến thẻ bảo hiểm xã hội. Anh Vương nói: "Tôi làm mỗi ngày 50.000 đồng, làm ngày nào ăn ngày đó, nghỉ thì trừ ra, tăng ca thì cộng thêm lương, cứ thế đến tháng thì họ trả lương".

Bà Lưu Thị Xuyến, vợ nạn nhân Nguyễn Văn Bé (56 tuổi), cũng cho biết do chồng bà giỏi nghề thợ mộc nên khi xin vào làm việc ở gói thầu thi công đường dẫn, ông Bé được bố trí ở bộ phận đóng côppha.

"Tôi chưa bao giờ nghe chồng mình nói về hợp đồng hay bảo hiểm. Từ khi xảy ra vụ tai nạn cũng không thấy người của công ty thuê ông Bé làm đến thăm hỏi, động viên", bà Xuyến khẳng định.

Chưa hết, nhiều trường hợp không đủ tuổi lao động theo qui định của pháp luật nhưng cũng được Công ty Vĩnh Thịnh tuyển dụng. Đơn cử như trường hợp em Lưu Thanh Điền, chưa đầy 17 tuổi vẫn được tuyển vào làm công nhân.

Điền chỉ được làm "chui" vì không có hồ sơ, đơn vị tuyển dụng chấm công hằng ngày bằng sổ theo dõi riêng. Vì làm "chui" nên Điền không có thẻ công nhân, vì vậy để vào được công trường Điền phải lấy thẻ của anh ruột là Lưu Tuấn Mãi (sinh 1988) để đeo vào khi ra vô hàng rào bảo vệ. Cả hai anh em Điền và Mãi đều đã tử nạn.

Vì sao một công trình tầm cỡ quốc tế nhưng việc tuyển dụng công nhân lại quá sơ sài như vậy? Ông Đặng Hữu Vị, Giám đốc Công ty Vĩnh Thịnh nói rằng công ty chỉ là người đứng ra thuê nhân công cho nhà thầu VSL và có ký hợp đồng lao động, bảo hiểm y tế đối với những trường hợp thuê dài hạn. Đối với những trường hợp hợp đồng ngắn hạn dưới ba tháng, bảo hiểm y tế được cộng vào tiền lương.

Tuy nhiên, khi những dẫn chứng một số trường hợp được đưa ra là họ không có trong tay hợp đồng lao động đã ký với Công ty Vĩnh Thịnh, ông Vị nói: "Để tôi kiểm tra lại. Vì cái này bộ phận hành chính họ làm".

Thăng Long hay Thế Thành?

Mặc dù số công nhân tử nạn không nhiều bằng Công ty Vĩnh Thịnh nhưng cái tên Thăng Long cũng buộc mọi người phải chú ý ngay vì trong danh sách thống kê có bốn công nhân tử nạn được cho là của công ty này. Ngoài ra còn ba người đang nằm điều trị tại các bệnh viện và chín người bị thương nhẹ.

Với gói thầu nơi xảy ra tai nạn, theo một số công nhân trực tiếp làm việc tại đây cho biết thì nhà thầu chính TKN đã giao cho thầu phụ VSL và nhà thầu này giao cho một nhà thầu phụ khác là Vĩnh Thịnh. Vậy tại sao có công nhân Công ty Thăng Long bị nạn tại hiện trường?

Qua các nguồn tin kiểm chứng thì Công ty Thăng Long có trụ sở đóng tại địa bàn Thành phố Cần Thơ. Hồ sơ cũng cho thấy công ty đã qua bốn lần thay đổi và cấp lại giấy đăng ký kinh doanh kể từ khi thành lập vào năm 2003.

Lần thay đổi cuối cùng vào 24/1/2007, ông Hoàng Thanh Tùng làm giám đốc. Vốn điều lệ từ 3 tỉ đồng lúc ban đầu tăng lên gần 10 tỉ đồng. Địa chỉ công ty đặt tại nhà riêng số 71 đường Vành Đai Phi Trường, Thành phố Cần Thơ. Công ty Thăng Long từng nhận làm nhiều công việc tại công trình cầu Cần Thơ. Người đứng ra phụ trách công việc tại công trình này trong thời gian qua là ông Nguyễn Văn Thuần.

Tuy nhiên, ông Thuần cho biết công ty chỉ thực hiện những phần việc "lặt vặt" khi ký hợp đồng với nhà thầu TKN. Những công việc đó, theo ông Thuần mô tả là đưa công nhân đi dọn dẹp công trình, khiêng đá, khiêng cát... Nói chung là "vệ sinh" công trình cho sạch để các đơn vị khác thi công. Ngoài ra còn thực hiện một số công việc khác nữa như đổ đá, làm nền hạ cho xe cơ giới hoạt động, xây bờ kè...

Ông Thuần thanh minh rằng Công ty Thăng Long không được giao, cũng không dính dáng gì tới việc xây dựng cầu Cần Thơ cả. Từ đầu năm 2007, ông Thuần đã tách riêng thành lập một công ty cùng ngành nghề là xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi... với tên Thế Thành.

Vậy các công nhân bị tai nạn là của Thăng Long hay Thế Thành? Ông Thuần thừa nhận đó chính là công nhân của Thế Thành do ông quản lý. Các công nhân này mới chỉ qua làm việc được hai ngày thì xảy ra sự cố cầu sập. Công ty ký hợp đồng với nhà thầu TKN làm những công việc phụ, dọn dẹp công trình ăn lương công nhật.