11:08 30/10/2024

Công tác thi hành án dân sự hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra

Như Nguyệt

Trong bối cảnh công tác thi hành án dân sự tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức khi việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng cao, toàn hệ thống đã triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt các giải pháp trên tất cả các mặt công tác để hoàn thành 06 nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao...

Chánh Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự Phan Huy Hiếu báo cáo tại hội nghị. Ảnh: MOET.
Chánh Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự Phan Huy Hiếu báo cáo tại hội nghị. Ảnh: MOET.

Theo nguồn tin từ Bộ Tư pháp, ngày 29/10, Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến Quý IV/2024. 

Báo cáo tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự Phan Huy Hiếu cho biết trong bối cảnh công tác thi hành án dân sự tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức khi việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng cao, toàn hệ thống đã triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt các giải pháp trên tất cả các mặt công tác để hoàn thành 06 nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, kết quả thi hành án về việc, về tiền đã thi hành xong 620.657 việc tương ứng với hơn 116.531 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 83,88% về việc và 51,84% về tiền.

Kết quả thi hành án tham nhũng, kinh tế đã thi hành xong 9.211 việc, thu được trên 22.177 tỷ đồng; đạt tỉ lệ 84,16% về việc và 57,29% về tiền.

Kết quả thi hành án tín dụng, ngân hàng đã thi hành xong 6.252 việc (đạt 23,13%), tương ứng 30.544 tỷ đồng (đạt 25,01%).

Những kết quả đạt được đảm bảo thực chất, bền vững và tăng đều trên tất cả các phương diện. Tổ chức bộ máy các cơ quan thi hành án dân sự không ngừng được củng cố, kiện toàn; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của hệ thống từng bước được đảm bảo, cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh kết quả lớn đạt được, nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc cũng được Tổng cục Thi hành án dân sự nhận diện và làm rõ các nguyên nhân để từ đó có các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Về nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu các tháng đầu năm công tác thi hành án, Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu các cơ quan trong toàn hệ thống thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm công tác; thực hiện nghiêm quy trình, thủ tục luật định, tránh sai sót, vi phạm. 

Huy động nguồn lực, đáp ứng tiến độ, chất lượng xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) và các Nghị định sửa đổi Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự; phối hợp, hoàn thiện các quy định của luật chuyên ngành có liên quan; tiếp tục chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các quy trình, quy chế nội bộ. Gắn hoạt động hưởng ứng ngày pháp luật với xây dựng thể chế, cụ thể là hoạt động xây dựng dự thảo Luật Thi hành án dân sự để tranh thủ ý kiến, phát huy trí tuệ tập thể công chức, người lao động toàn hệ thống.

Tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ Thi hành án dân sự, Thi hành án hành chính theo Nghị quyết 96/2019/QH14 của Quốc hội; đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản thu hồi tiền cho Nhà nước; tiếp tục tham mưu lãnh đạo Bộ thực hiện tốt công tác theo dõi, quản lý công tác thi hành án dân sự và chấp hành pháp luật; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác thi hành án dân sự; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành; đẩy mạnh truyền thông, phản ứng kịp thời trước các vấn đề mà thực tiễn đặt ra…

Tham gia ý kiến tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội Phạm Văn Dũng cho biết năm 2024, Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội hoàn thành tất cả các chỉ tiêu được giao, với gần 25 nghìn tỷ thi hành xong (gần 50%) và 83% thi hành xong về việc.

Một trong những trăn trở, băn khoăn được ông Phạm Văn Dũng đề cập là tình hình thiếu biên chế cán bộ, trong khi công việc ngày càng nhiều nên lo lắng về việc liệu có thể hoàn thành các chỉ tiêu đúng thời hạn được giao. Do đó, ông Dũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm xem xét, bổ sung biên chế kịp thời để hoàn thành nhiệm vụ, nhất là đối với các địa phương có lượng án lớn như TP. HCM, TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng…

Đề cập đến các quy định, chủ trương, định hướng mới trong bối cảnh hiện nay, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng Nguyễn Xuân Tùng kiến nghị Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục quán triệt để công chức nhận diện những rủi ro tiềm ẩn trong công tác thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, qua đó giúp phòng ngừa sai phạm…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái nêu rõ yêu cầu nhiệm vụ đang đặt ra ngày càng lớn cho cả Hệ thống thi hành án dân sự với lượng án ngày càng lớn, nhân lực thiếu, trách nhiệm ngày càng nặng nề. Điều này đòi hỏi sự cố gắng cao, quyết tâm lớn của tất cả chấp hành viên, công chức, tranh thủ ngày nghỉ, ngày lễ để tập trung làm việc, hoàn thành công việc được giao, từng bước giải quyết khó khăn, vướng mắc.