13:48 31/05/2021

Covid-19 bùng phát diện rộng, kịch bản xấu nhất có 30 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực

Phúc Minh

Các kịch bản dự báo thị trường lao động Việt Nam sẽ căn cứ vào tình hình dịch Covid-19. Với kịch bản xấu nhất là dịch bùng phát rộng, ở nhiều khu công nghiệp và đô thị lớn, dự báo sẽ có 30 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã có 2 đợt bùng phát dịch Covid-19, trong đó đợt bùng phát từ ngày 27/4 là nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến hầu hết người lao động, doanh nghiệp, đặc biệt là lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. 

LAO ĐỘNG HƯỞNG TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP TIẾP TỤC TĂNG  

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, dịch bệnh đã tác động mạnh vào những ngành, nghề, khu vực, nhóm lao động chủ yếu, số lượng người có việc làm phi chính thức gia tăng do nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã buộc phải ngừng hoạt động thời gian dài.

Bên cạnh đó, do yêu cầu phòng dịch của nhiều địa phương, cơ hội tìm kiếm được việc làm trong khu vực chính thức gặp khó khăn, nên người lao động buộc phải chấp nhận làm các công việc kém ổn định, thu nhập không cao. Có 19,9% lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh và 19% lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng.

Lao động ở khu vực thành thị cũng chịu bị tác động mạnh của dịch Covid-19 khi phải tiến hành các biện pháp phòng dịch tại các nhà máy, công xưởng.

Trong 3 khu vực thì lao động khu vực nông, lâm, nghiệp và thủy sản chịu ít tác động tiêu cực của dịch nhất (7,5%), tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng (16,5%), khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (20,4%).

Một số ngành bị ảnh hưởng mạnh như nghệ thuật, vui chơi giải trí thu nhập của lao động bị giảm 5,2%, vận tải kho bãi thu nhập của lao động giảm 2,7%. Hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng chịu ảnh hưởng, hiện có 40.000 lao động đã hoàn tất các thủ tục, nhưng chưa thể xuất cảnh.

Dịch Covid-19 cũng khiến mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường tăng so với các thời điểm chưa xuất hiện dịch. Đáng chú ý, số lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng mạnh, cụ thể là số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tháng 4/2021 tăng 17,2% so với tháng 3, tháng 5 tăng 19,4% so tháng 4.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, nguy hiểm hơn là đợt dịch thứ 4 đã tấn công vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn lao động, có các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách.

Vì vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, giai đoạn này, bên cạnh phòng ngừa ở cộng đồng, tại các bệnh viện, cơ sở y tế thì cần chú trọng địa bàn chiến lược là các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi có nhiều doanh nghiệp sử dụng hàng chục vạn lao động.

Đợt dịch Covid-19 thứ 4 khiến nhiều lao động trong các khu công nghiệp bị ảnh hưởng. Ảnh: Đình Anh. 
Đợt dịch Covid-19 thứ 4 khiến nhiều lao động trong các khu công nghiệp bị ảnh hưởng. Ảnh: Đình Anh. 

3 KỊCH BẢN CHO THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, hiện nay nước ta cơ bản khống chế được dịch bệnh, các ca mắc mới đều trong khu cách ly, phong tỏa. Tuy nhiên, tình hình vẫn có thể diễn biến phức tạp, khó lường trong thời gian tới. Do đó, thị trường lao động các tháng cuối năm 2021 có thể chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.

Một số ngành, lĩnh vực như: vận tải, hàng không, du lịch vẫn chịu ảnh hưởng dư âm từ năm 2020 và gần như chưa có dấu hiệu phục hồi. Nếu dịch tiếp tục kéo dài, các ngành, lĩnh vực như: lưu trú, ăn uống, giải trí, bán lẻ... sẽ mất đi đà phục hồi của năm 2020 và có thể chuyển biến xấu. Các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến… cũng sẽ bị ngưng trệ.

Tại các đô thị lớn, dịch luôn có nguy cơ bùng phát, cùng với yêu cầu ngừng các hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí... sẽ tạo rủi ro thường trực cho công ăn việc làm ở khu vực này.

Với những thực tế trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng thị trường lao động sẽ phụ thuộc vào các kịch bản kiểm soát dịch. Ở kịch bản tốt là khi các tâm dịch hiện thời được khống chế, kiểm soát hoàn toàn, không có sự lây lan, bùng phát sang các địa phương lân cận. Dịch sẽ được kiểm soát hoàn toàn trong quý 2/2021.

Theo đó, thị trường lao động ở các địa bàn tâm dịch sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, còn vùng lân cận sẽ có ảnh hưởng liên đới. Dự báo số lao động bị tác động tiêu cực trong quý 2 là hơn 6 triệu người.

Nhóm này tập trung vào các lao động làm công ăn lương trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại các khu vực phải thực hiện phong toả, giãn cách như: khu công nghiệp, khu chế xuất; lao động làm việc trong các ngành về du lịch, lưu trú nghỉ dưỡng, vận tải, văn hoá nghệ thuật…

Với kịch bản thường, nguy cơ rủi ro mất kiểm soát ở các điểm tâm dịch vẫn còn tồn tại, điển hình là các ca F0 mới được phát hiện gần đây.

Điều này dẫn đến kịch bản dịch có thể lan từ tâm dịch ra các vùng lân cận, gây ảnh hưởng nặng nề hơn tới các địa phương xung quanh, khả năng dịch sẽ kéo dài đến hết quý 3. Dự báo số lao động bị tác động tiêu cực trên 12 triệu người, tập trung và mở rộng thêm các lao động trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn bán lẻ, hoạt động làm thuê.

Ở kịch bản xấu là tình hình dịch bệnh bùng phát rộng, ở nhiều khu công nghiệp và đô thị lớn, dự báo thị trường lao động sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề với trên 30 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực. Khoảng 4 triệu lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất bị tác động trực diện, lao động làm việc trong tất cả các ngành, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng.

Trao đổi với VnEconomy, chuyên gia Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nói rằng, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, trước mắt thị trường lao động khó có thể phục hồi trong quý tới.

Ở kịch bản lạc quan thì ít nhất cũng phải đến thời điểm 3 tháng cuối năm, khi các nước có thể mở cửa trở lại, kết hợp vaccine được triển khai tiêm trên diện rộng hơn thì thị trường lao động mới có những tín hiệu tích cực.

Mặc dù vậy, theo chuyên gia này sự phục hồi của thị trường lao động sẽ luôn có độ trễ theo sự chuyển dịch về cơ cấu lao động. Do đó, trong bối cảnh chưa biết khi nào dịch mới kết thúc hoàn toàn, các chính sách hỗ trợ cần mang tính chất đều đặn, thậm chí là dài hơi hơn, nhằm đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi cơ cấu việc làm.