Covid-19 bùng phát, PMI tháng 5 giảm xuống 53,1 điểm
Đợt bùng phát Covid-19 đã khiến Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam giảm xuống 53,1 điểm trong tháng 5/2021, từ mức 54,7 điểm của tháng trước đó…
Trong bản tin Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam do IHS Markit công bố ngày 1/6 cho thấy, đợt bùng phát Covid-19 mới nhất ở Việt Nam đã kìm hãm tăng trưởng cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới của lĩnh vực sản xuất trong tháng 5/2021.
Dù sản lượng vẫn tăng, nhưng mức tăng đã chậm lại đáng kể và thành mức thấp trong 3 tháng qua.
Tình trạng tương tự diễn ra với số lượng đơn đặt hàng mới khi chỉ số này tăng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 2 nhưng là tháng tăng thứ chín liên tiếp. Số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài tăng mạnh khi một số thị trường tiêu thụ hàng xuất khẩu có dấu hiệu phục hồi từ đại dịch Covid-19.
Số lượng ca nhiễm tăng cũng ảnh hưởng đến hoạt động tuyển dụng nhân công trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Việc làm tăng tháng thứ tư liên tiếp nhưng mức tăng nhẹ.
Tình trạng thiếu hụt nhân công góp phần làm lượng công việc tồn đọng tăng gần bằng mức kỷ lục khi các công ty phải chật vật đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới. Lượng công việc chưa thực hiện tăng với mức độ cao nhất trong hơn một thập kỷ.
Hoạt động sản xuất cũng bị ảnh hưởng bởi thời gian giao hàng của nhà cung cấp kéo dài ở mức độ cao nhất trong một năm. Lần nữa, đại dịch là nhân tố đằng sau tình trạng thời gian giao hàng kéo dài, cùng với những nhân tố khác như chậm trễ ở khâu vận chuyển và khan hiếm nguyên vật liệu.
Mặc dù giao hàng chậm, các công ty đã tăng cả số lượng và mức tồn kho hàng mua khi cần tích lũy hàng hóa. Tuy nhiên, tốc độ tăng chậm hơn so với tháng 4.
Trong khi đó, tồn kho thành phẩm hầu như không đổi khi hàng tồn kho được dùng để đáp ứng các đơn đặt hàng mới trong khi sản lượng tăng hạn chế. Tình trạng ổn định đã kết thúc chuỗi tăng tồn kho thành phẩm kéo dài ba tháng.
Tốc độ tăng chi phí đầu vào trong tháng 5 nhanh hơn thành mức cao của 40 tháng. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung tiếp tục làm tăng giá nguyên vật liệu, cả sắt, thép và dầu đều được báo cáo tăng giá. Cước phí vận tải cao cũng được nhắc đến.
Để bù đắp, các nhà sản xuất đã tăng đáng kể giá bán hàng. Hơn nữa, tốc độ lạm phát là nhanh nhất trong hơn một thập kỷ và là mức cao thứ ba kể từ khi hoạt động khảo sát bắt đầu.
Tâm lý kinh doanh giảm thành mức thấp của ba tháng vì những lo ngại về sự bùng phát của Covid-19, nhưng các công ty nhìn chung vẫn lạc quan sản lượng sẽ tăng trong năm tới. Hy vọng dịch được kiểm soát trở lại và triển vọng số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng đã hỗ trợ cho niềm tin kinh doanh.
“Những thách thức liên quan đến đại dịch Covid-19 đã trở lại với lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 5, khi đợt bùng phát mới cản trở hoạt động sản xuất. Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đều tăng chậm hơn, trong khi những khó khăn trong việc giải quyết các đơn đặt hàng dẫn đến lượng công việc tồn đọng tăng với một trong những tốc độ cao nhất trong hơn10 năm” ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit bình luận.
Mong muốn thực hiện các đơn đặt hàng không được hỗ trợ do chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn, tình trạng này cũng kéo theo áp lực tăng giá. Trên thực tế, các công ty đã tăng giá bán hàng với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ. Các công ty hy vọng đại dịch Covid-19 có thể được kiểm soát nhanh chóng như từng được kiểm soát ở Việt Nam. Niềm tin kinh doanh giảm trong tháng 5, nhưng các công ty vẫn lạc quan về triển vọng sản lượng trong 12 tháng tới.
PMI ngành sản xuất tại Việt Nam dựa theo dữ liệu khảo sát hàng tháng được gửi đến các nhà quản trị mua hàng của hơn 400 doanh nghiệp ngành công nghiệp. Bảng dữ liệu được phân loại theo GDP và quy mô lực lượng lao động doanh nghiệp. Lĩnh vực sản xuất được chia thành 8 mảng: Kim loại, hóa chất và nhựa, điện và quang học, thực phẩm và đồ uống, kỹ thuật cơ khí, dệt và may mặc, giấy và gỗ, vận chuyển.