10:37 21/11/2020

Covid-19 leo thang khiến chứng khoán Mỹ tụt điểm tuần này

Bình Minh

“Thị trường vẫ đang bị kẹt giữa số ca nhiễm Covid-19 tăng cao và những bước tiến rõ rệt về vaccine”,

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (20/11), khi giới đầu tư cùng lúc phải đối mặt với các mối lo về gói kích cầu kinh tế, tiến trình triển khai vaccine ngừa Covid-19, và việc ngày càng nhiều tiểu bang phải phong tỏa để chống dịch.

Tuần này, dòng thông tin lạc quan về vaccine và bi quan về số ca nhiễm Covid-19 mới tăng bùng nổ ở Mỹ đã khiến thị trường bị giằng co. Nhà đầu tư rơi vào thế loay hoay giữa một bên là những nhóm cổ phiếu chu kỳ có độ nhạy cảm cao với tình hình kinh tế, và một bên là những nhóm tăng mạnh trong thời gian đại dịch.

Tuy nhiên, nỗi lo có vẻ thắng thế trước lạc quan, khiến hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones cùng giảm nhẹ trong tuần. Chỉ số Nasdaq có một tuần tăng nhẹ.

"Thị trường vẫn đang bị kẹt giữa số ca nhiễm Covid-19 tăng cao và những bước tiến rõ rệt về vaccine", Giám đốc đầu tư David Carter của Lenox Wealth Advisors ở New York phát biểu trên Reuters. "Xu thế này có thể tiếp tục cho tới khi có một loại vaccine được phê chuẩn và bắt đầu được tiêm".

Cuối ngày thứ Năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố đến cuối năm nay sẽ chấm dứt các chương trình cho vay hỗ trợ chống chọi với Covid-19 mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang triển khai. Ông Mnuchin nói rằng số tiền 455 tỷ USD phân bổ hồi đầu năm để Fed thực hiện các chương trình cho vay này sẽ được phân bổ lại dưới dạng trợ cấp cho các công ty nhỏ.

Quyết định của Bộ Tài chính Mỹ về kết thúc các chương trình cho vay trên được đưa ra đúng vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Mỹ và người lao động nước này phải đối mặt với một làn sóng sa thải mới. Fed vốn cho rằng các chương trình này là rất cần thiết để vực dậy tăng trưởng. Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Charles Evans, gọi tuyên bố của ông Mnuchin là "đáng thất vọng".

"Bất đồng này giữa Fed và Bộ Tài chính có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng, vì thị trường muốn hai cơ quan hợp tác tốt với nhau", ông Carter nói thêm. "Bất đồng còn lộ ra vào một thời điểm rất không phù hợp, vì Covid-19 vẫn còn rất căng thẳng".

Theo hãng tin CNBC, số ca nhiễm mới Covid-19 tại Mỹ bình quân mỗi ngày trong 7 ngày trở lại đây là 165.029, tăng 24% so với cách đây 1 tuần. Riêng trong ngày thứ Năm, nước này có 187.833 ca nhiễm mới.

Số ca nhiễm mới lập kỷ lục đã khiến số người phải nhập viện vì Covid-19 ở Mỹ tăng gấp rưỡi, đồng thời dẫn tới việc đóng cửa một loạt trường học và cơ sở kinh doanh, nhiều thành phố phải áp dụng giới nghiêm và tăng cường giãn cách xã hội. Các biện pháp chống dịch này đe dọa cản trở đà phục hồi còn mong manh của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong diễn biến mới nhất liên quan đến vaccine ngừa Covid-19, hãng dược phẩm Pfizer ngày 20/11 cho biết đã nộp hồ sơ lên Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) xin phê chuẩn để vaccine Covid-19 của hãng được tiêm khẩn cấp. Đây là lần đầu tiên một vaccine Covid-19 được xin cấp phép tại Mỹ.

Giá cổ phiếu Pfizer tăng 1,4% trong phiên ngày thứ Sáu, trở thành trụ đỡ cho S&P 500.

Cổ phiếu của những công ty phục vụ cho hoạt động học tập, làm việc và giải trí tại nhà như Zoom và Netflix tăng, giúp cho chỉ số Nasdaq tránh được một phiên giảm điểm. Trong đó, Zoom tăng 6,1% và Netflix tăng 0,7%.

Cổ phiếu giảm mạnh nhất trong Dow Jones phiên này là Boeing, với mức giảm 2,9%.

Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 0,75%, còn 29.263,48 điểm. S&P 500 giảm 0,68%, còn 3.557,54 điểm. Nasdaq giảm 0,42%, còn 11.854,97 điểm.

Covid-19 leo thang khiến chứng khoán Mỹ tụt điểm tuần này - Ảnh 1.

Diễn biến chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ từ đầu năm đến nay - Nguồn: Trading View.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính trong S&P 500, chỉ có nhóm dịch vụ tiện ích chốt phiên trong trạng thái tăng. Mức giảm mạnh nhất thuộc về các nhóm cổ phiếu công nghệ và công nghiệp, tương ứng là 1,1% và 0,9%.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,06 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,12 lần.

Có tổng cộng 10,69 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 10,7 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Đây là tuần giảm giá đầu tiên trong 3 tuần của Dow Jones và S&P 500, với mức giảm tương ứng 0,7% và 0,8%, trong khi Nasdaq ghi nhận mức tăng không đáng kể.