Cú giảm mạnh nhất gần 3 thập kỷ của chứng khoán Nhật Bản
Phiên hôm nay, có lúc chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Tokyo “bốc hơi” 6,9%
Cuộc bán tháo đầy hoảng loạn vào ngày thứ Ba đã khiến chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật Bản có thời điểm giảm hơn 1.500 điểm, mức giảm mạnh nhất trong gần 30 năm trở lại đây.
Hãng tin CNBC cho biết, trong phiên này, Nikkei có lúc mất 1.563,21 điểm, tương đương mức giảm 6,89%, mạnh nhất kể từ tháng 11/1990. Chỉ số Topix, một thước đo rộng hơn của chứng khoán Nhật, có lúc giảm 6,3%.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, chứng khoán Nhật đã giảm 1,5%.
Đợt giảm này của chứng khoán Nhật nói riêng và chứng khoán châu Á nói chung không do các yếu tố trong nước, mà chủ yếu do ảnh hưởng từ sự bán tháo của chứng khoán Mỹ. Trong phiên đầu tuần, Phố Wall giảm mạnh nhất 6 năm rưỡi do lo ngại Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến trong năm 2018.
"Hầu như không có yếu tố nào khác kéo chứng khoán Nhật đi xuống, ngoại trừ sự điều chỉnh của chứng khoán Mỹ", bà Masaki Motomura, chiến lược gia cổ phiếu tại Nomura, đánh giá. Bà Motomura cũng nhấn mạnh những kỳ vọng về lợi nhuận gia tăng về lợi nhuận của các công ty niêm yết Nhật trong tài khóa 2017 và 2018.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc có phiên giảm mạnh nhất trong gần 2 năm, với chỉ số Shanghai Composite Index mất 3,4% khi chốt phiên giao dịch. Chỉ số CSI 300 của các cổ phiếu blue-chip tại đại lục giảm 2,9%.
Trước đó, trong phiên ngày thứ Hai, chứng khoán Trung Quốc đã đi ngược xu hướng giảm điểm của thị trường toàn cầu.
Reuters cho biết, trong bối cảnh thị trường giảm điểm mạnh, đã xuất hiện một làn sóng mới các công ty niêm yết Trung Quốc dừng giao dịch cổ phiếu nhằm tránh tình trạng nhà đầu tư bị "margin call". Ngoài ra, ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang lo sợ về việc Chính phủ nước này siết chặt kiểm soát hoạt động cho vay ngầm.
Tuy vậy, so với các thị trường chứng khoán khác trong khu vực, mức giảm điểm của chứng khoán Trung Quốc phiên ngày thứ Ba được xem là còn "nhẹ nhàng".
Bên cạnh thị trường Nhật, các thị trường giảm điểm mạnh nhất ở khu vực châu Á hôm nay còn có thị trường Đài Loan giảm 5%, mạnh nhất từ năm 2011, và thị trường Hồng Kông với mức giảm 4,2%.