Cử tri than phiền mức giảm trừ gia cảnh quá thấp so với trượt giá của đồng tiền
Cử tri nhiều tỉnh, thành như: Bình Thuận, Quảng Ninh, Hà Nam... cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp, cần nâng và điều chỉnh theo thời gian...
Theo phản ánh, Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2009, được sửa đổi, bổ sung năm 2012 và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2013, qua quá trình thực thi hiện nảy sinh nhiều nội dung không còn phù hợp.
Vì vậy, Luật thuế thu nhập cá nhân cần xem xét tổng kết, đánh giá việc triển khai thi hành; trên cơ sở đó, báo cáo, đề xuất trình Quốc hội xem xét, sớm sửa đổi, bổ sung, đảm bảo các quy định phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Theo đó, Bộ Tài chính cần xem xét nâng mức giảm trừ cho cá nhân người đóng thuế thu nhập cá nhân và nâng mức giảm trừ cho người phụ thuộc. Bởi hiện nay, do tác động của suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao dẫn đến đồng tiền giảm sức mua, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.
Trong khi đó, mức quy định giảm trừ gia cảnh như hiện nay không phù hợp với thực tế đời sống, sinh hoạt của người đóng thuế thu nhập cá nhân.
Cử tri các tỉnh, thành cũng đề xuất Bộ Tài chính cần tính toán xây dựng công thức tổng quát chung để tính thuế thu nhập cá nhân và công thức có tính kế thừa, tránh việc quy định theo mức cụ thể, vì theo thời gian, mức cụ thể sẽ không còn phù hợp với mức thu nhập, mức sống của người dân.
Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Tài chính cho biết thuế thu nhập cá nhân điều tiết vào thu nhập của cá nhân. Việc thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại.
Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân đã tạo nên quỹ ngân sách nhà nước, từ đó, đáp ứng rất nhiều các nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Cũng theo Bộ Tài chính, theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định... Như vậy, số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.
Căn cứ Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 2/6/2020 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân đã điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng.
Đồng thời, nâng mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng và áp dụng ngay từ kỳ tính thuế năm 2020.
Nhờ việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, số thuế phải nộp được giảm đối với mọi đối tượng đang nộp thuế thu nhập cá nhân.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
"Quy định về giảm trừ trước khi tính thuế đảm bảo nguyên tắc cá nhân cần phải có một mức thu nhập nhất định nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như: ăn, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh..., vì thế, thu nhập trên ngưỡng này mới phải nộp thuế", Bộ Tài chính cho hay.
Việc áp dụng các khoản giảm trừ còn hướng tới mục tiêu loại trừ các đối tượng có thu nhập thấp ra khỏi diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
"Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội, không thể quy định riêng cho các trường hợp cá biệt", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay vẫn đảm bảo cao hơn thu nhập bình quân đầu người, mức lương tối thiểu vùng hay mức sống trung bình của cả nước.
Ngoài ra, cá nhân có khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì Luật thuế thu nhập cá nhân đã có quy định giảm thuế cho các trường hợp này.
Cũng theo Bộ Tài chính, hiện nay, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đang tiên hành rà soát, đánh giá các luật thuế, trong đó có Luật thuế thu nhập cá nhân để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam, cũng như thông lệ quốc tế và tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế.